1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ ngừng viện trợ 3,5 triệu USD cho Thái Lan, nhiều nước cảnh báo đi lại

(Dân trí) - Mỹ đã thông báo ngừng khoản viện trợ quân sự trị giá 3,5 triệu USD cho Thái Lan và khuyên công dân thận trọng khi tới nước này sau cuộc đảo chính quân sự tại quốc gia Đông Nam Á. Nhiều quốc gia cũng cảnh báo công dân khi đi lại tại Thái Lan.

Mỹ ngừng viện trợ 3,5 triệu USD cho Thái Lan, nhiều nước cảnh báo đi lại

Các binh sĩ Thái được triển khai tại một nút giao cắt ở Bangkok trong đêm thứ 2 thi hành lệnh giới nghiêm hôm 23/5.

Quyết định của Washington nhằm đóng băng khoản viện trợ quân sự 3,5 triệu USD, chiếm 1/3 trong gói viện trợ trị giá 10,5 triệu USD cho Bangkok, diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ bày tỏ về các diễn biến mới trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Thái Lan.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf ngày 23/5 cho biết Washington cũng đang xem xét đóng băng thêm trong số viện trợ còn lại cho đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á.

"Chúng tôi đã dừng gần 3,5 triệu USD tiền viện trợ cho quân đội Thái. Chúng tôi cũng đang xét lại tất cả các chương trình để xác định xem khoản viện trợ nào có thể sẽ bị ngừng tiếp theo", bà Harf nói.

Cũng theo bà Harf, Mỹ đã liên lạc với các lãnh đạo quân đội tại Thái Lan và hối thúc "phục hồi ngay tức thì chế độ lãnh đạo dân sự, quay trở lại nền dân chủ và tôn trọng nhân quyền trong giai đoạn bất ổn này".

Theo luật nội địa của Mỹ, Washington phải ngừng viện trợ cho quân đội nước ngoài nếu quân đội lật đổ các chính phủ do dân bầu.

Trước đó, Mỹ đã cảnh báo quân đội Thái Lan không can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 22/5 đã bày tỏ sự thất vọng về cuộc đảo chính quân sự tại Bangkok, nói rằng "không có gì biện minh" cho hành động đó.

Trong khi đó, Bộ ngoại giao Mỹ cũng đưa ra cảnh báo đối với các công dân nước này khi đi lại Thái Lan, khuyến cáo người Mỹ "cân nhắc lại kế hoạch đi lại không cần thiết tới Thái Lan" do bất ổn và sự hạn chế đối với các hoạt động.

"Các công dân Mỹ được khuyên nên cảnh giác, thân trọng và theo dõi báo chí Thái và quốc tế", cảnh báo của Mỹ viết.

Bộ ngoại giao Mỹ cho biết tất cả các quan chức chính phủ sẽ hủy các chuyến thăm không cần thiết tới quốc gia Đông Nam Á.

Thái Lan là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á và từng hỗ trợ quan trọng cho Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Nhiều quốc gia phát cảnh báo đi lại tại Thái Lan

Cảnh báo của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh thế giới ngày càng tỏ ra lo ngại về các diễn biến mới trên chính trường Thái.

Nhật Bản, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Thái Lan, đã miêu tả cuộc đảo chính là "đáng tiếc".

"Đất nước chúng tôi muốn kêu gọi mạnh mẽ sự phục hồi nhanh chóng của một hệ thống chính trị dân chủ", chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 23/5 cho biết.

Các tập đoàn sản xuất ô tô lớn của Nhật vốn đầu tư mạnh mẽ vào Thái Lan đã phải ngừng các hoạt động vào ban đêm tại các nhà máy vì lệnh giới nghiêm do chính quyền quân sự ban bố.

Toyota, hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới với 670.000 xe được sản xuất tại Thái Lan mỗi năm, cho hay lệnh giới nghiêm đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại tất cả 3 nhà máy lắp ráp của hãng ở Thái Lan vào đêm thứ Năm.

Trung Quốc đã kêu gọi sự kiềm chế và hi vọng rằng "trật sự xã hội thông thường sẽ được phục hồi sớm nhất có thể tại Thái Lan", người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết.

Liên minh châu Âu, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Thái Lan, đã bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng" và hối thúc nước này nhanh chóng trở lại nền dân chủ, trong khi Úc nói rất lo ngại về việc quân đội Thái giành quyền lực.

Hồng Kông, Malaysia, Singapore đều đề nghị các du khách nước mình cân nhắc kế hoạch đi lại tới Thái Lan.

Gần 3 triệu du khách Malaysia đã tới thăm Thái Lan trong năm ngoái, chỉ sau Trung Quốc. Giới chức du lịch Hồng Kông cho hay toàn bộ các tour du lịch nhóm tới Thái Lan đã bị hủy trong thời gian từ 24-30/5, ảnh hưởng tới 1.300 du khách.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cho biết đang theo dõi các diễn biến tại Thái Lan với "sự lo ngại sâu sắc" và rằng nước này có thể tìm kiếm sự can thiệp của khối ASEAN mà Thái Lan cũng là một thành viên.

Trước đó, sau 2 ngày ban bố tình trạng thiết quân luật, quân đội Thái Lan ngày 22/5 đã tuyên bố giành quyền kiểm soát đất nước để thiết lập trật tự và thúc đẩy cải cách đất nước.

Đến ngày 23/5, chính quyền quân sự mới đã bắt giữ cựu thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra và một số thành viên gia đình bà nhưng không công bố vì lý do gì.

An Bình
Theo AFP, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm