1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quân đội Thái tuyên bố giam giữ cựu thủ tướng Yingluck “tới 1 tuần”

(Dân trí) - Quân đội Thái Lan hôm nay tuyên bố sẽ giam giữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và các lãnh đạo của chính phủ vừa bị lật đổ tới một tuần, khi họ thắt chặt kiểm soát đất nước sau cuộc đảo chính vào ngày 22/5 vừa qua - cuộc đảo chính bị nhiều nước lên án mạnh mẽ.

Quân đội Thái tuyên bố giam giữ cựu thủ tướng Yingluck “tới 1 tuần”

Nhiều người biểu tình phản đối chính phủ "ăn mừng" cuộc đảo chính bằng cách tự chụp ảnh với các binh sỹ được triển khai trên đường phố.

Thông báo với báo chí lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền lực vào hôm thứ năm vừa qua, hội đồng quân sự đã từ chối cho biết nơi cựu Thủ tướng và các quan chức của chính quyền bị lật đổ bị bắt giam, song khẳng định họ không gặp nguy hiểm. Trong khi đó, các các cuộc biểu tình lẻ tẻ vẫn tiếp diễn ở Bangkok.

“Họ sẽ bị giam giữ tới một tuần, dựa vào việc họ liên quan trực tiếp như thế nào (đối với những bất ổn chính trị ở Thái Lan)”, phát ngôn viên quân sự, tướng Winthai Suvaree cho biết với các phóng viên.

Trong thông báo mới nhất trên trang twitter của mình, tư lệnh quân đội Thái Lan, Tướng Prayut Chan-O-Cha, đã lên án chính phủ dân sự, và cho biết hành động của quân đội là nhằm ngăn chặn vương quốc Thái Lan trở thành một “Ukraine hoặc Ai Cập”.

Dưới sự nắm quyền của quân đội, tự do dân sự bị kiểm soát chặt chẽ. Lệnh giới nghiêm ban đêm cũng bị áp đặt.

Cựu Thủ tướng Yingluck và hàng chục nhân vật khác trong chính quyền bị lật đổ và đảng Peua Thai của bà cũng như nhiều đối thủ chính trị của họ đã bị quân đội triệu tập vào ngày hôm qua. Sau đó họ đã bị bắt giữ. Trung tướng Thirachai Nakwanich, tư lệnh Quân khu miền trung ương, bao gồm cả thủ đô Bangkok, cho biết bà Yingluck vẫn khỏe và bà cùng những người khác bị bắt giữ theo một điều khoản của luật quân sự, cho phép quân đội bắt giữ người trong 7 ngày mà không cần cáo buộc.

Hiện chưa rõ có cáo buộc nào đưa ra với họ hay không.

Thêm người bị gọi trình diện

Quân đội cho biết 135 người cho đến nay đã tới trình diện theo lệnh triệu tập, trong đó có cả người kế nhiệm bà Yingluck, thủ tướng tạm quyền Niwattumrong Boonsongpaisan. Hầu hết những người này là thành viên của đảng Puea Thái và đồng minh của họ.

Theo thông tin mới nhất quân đội Thái đã lệnh thêm hơn 35 người nữa, trong đó có cả những học giả nổi tiếng, phải tới trình diện họ cho tới chiều nay 24/5.

Hiến pháp sẽ thay đổi?

Giới phân tích chính trị xem cuộc đảo chính là nỗ lực lớn nhất của một nhóm quyền lực ở Bangkok, cùng với quân đội, những nhân vật bảo hoàng, nhằm loại bỏ “nguy cơ chính trị” do anh trai của bà Yingluck, hay cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, tạo ra.

Ông Thaksin, một tỷ phú chuyển sang làm chính trị, đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và đã chạy trốn ra nước ngoài 2 năm sau đó nhằm tránh án tù do cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên gia đình và đồng minh của ông tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sau đó.

Hiến pháp đã được thay đổi vào năm 2006 trong đó có điều khoản nhằm hạn chế ảnh hưởng đối với các cuộc bầu cử của ông Thaksin. “Lần này những thay đổi hiến pháp sẽ còn sâu rộng hơn nữa”, một nhà phân tích chính trị Thái Lan Paul Chambers cho hay.

Ông cho rằng, những thay đổi sẽ bao gồm những biện pháp chống gian lận bầu cử, “thậm chí trao quyền lực lớn hơn cho tòa án và cuối cùng, và cũng là điều đáng ngại nhất, trao quyền nhiều hơn cho quân đội”.

Vũ Quý

Theo AFP, BBC