1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan-Campuchia: Chưa có giải pháp ngoại giao, 12 người thiệt mạng

(Dân trí) - Tiếng súng hôm nay đã tạm ngưng dọc biên giới Thái Lan - Campuchia, sau 3 ngày giao tranh làm 12 người thiệt mạng. Tuy nhiên, hi vọng về một giải pháp ngoại giao đã bị tiêu tan khi cuộc đàm phán với đại diện cấp cao trong khu vực đột ngột bị hủy bỏ.

 
Thái Lan-Campuchia: Chưa có giải pháp ngoại giao, 12 người thiệt mạng  - 1
Quân đội Campuchia chuẩn bị máy phóng rocket BM21 ở gần biên giới Campuchia - Thái Lan, tại tỉnh Meanchey, cách tây bắc Phnom Penh 450km, ngày 23/4.

7 binh sỹ Campuchia và 5 binh sỹ Thái Lan đã thiệt mạng trong các vụ đọ pháo và súng ở biên giới giữa hai nước trong 3 ngày qua. Thêm một binh sỹ Thái Lan đã thiệt mạng vào cuối ngày hôm qua, phát ngôn viên quân đội Thái Lan ở khu vực biên giới, tướng Prawit Hookaew cho hay.

 

Còn chỉ huy mặt trận Campuchia Suos Sothea cho biết cũng thêm một binh sỹ nước này thiệt mạng vào cuối ngày hôm qua. “Một trong những binh sỹ của chúng tôi đã bị một tay bắn tỉa của Thái Lan giết hại vào đêm qua...khi đang đi tuần”, ông cho hay.

 

Ông cũng cho biết thêm một binh sỹ khác bị mất tích từ hôm thứ sáu vừa qua, khi các cuộc giao tranh mới bắt đầu bùng phát.

 

Ngoài 12 người thiệt mạng, 25 lính Thái Lan và 17 lính Campuchia cũng bị thương.

 

Trong khi đó, tiếng súng hiện đã ngưng ở biên giới Thái Lan – Campuchia, nhưng hi vọng về một giải pháp ngoại giao đã bị tiêu tan khi chuyến công du vào ngày hôm nay của Ngoại trưởng Indonesia kiêm chủ tịch luân phiên của ASEAN Marty Natalegawa tới Thái Lan và Campuchia để đàm phán đã bị hủy bỏ. Thông tin này được quan chức của cả Thái Lan và Campuchia xác nhận.
 
 
Thái Lan-Campuchia: Chưa có giải pháp ngoại giao, 12 người thiệt mạng  - 2
Hàng ngàn người dân ở vùng biên giới Thái Lan - Campuchia phải đi lánh nạn khi những cuộc giao tranh mới bùng phát.
 

Ông Marty Natalegawa đã làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình được Liên hợp quốc ủng hộ vào ngày 22/2 vừa qua, thỏa thuận mà theo đó cho phép các quan sát viên không mặc quân phục từ Indonesia tới khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia. Song thỏa thuận đó chưa bao giờ được thực thi, do Thái Lan cho rằng quan sát viên quốc tế không được yêu cầu và khẳng định tranh chấp có thể giải quyết song phương.

 

Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Panitan Wattanayagorn cho hay chuyến công du bị hủy bỏ bởi Thái Lan và Campuchia chưa nhất trí được về các điều khoản đối với quan sát viên Indonesia.

 

Trung tâm của tranh chấp mới nhất là 2 ngôi đền Hindu được xây dựng bằng tường đá từ thế kỷ 12, Ta Moan và Ta Krabey theo cách gọi của Campuchia (Ta Kwai và Ta Muen theo cách gọi của Thái Lan), nằm ở khu rừng bị gài mìn dày đặc mà cả 2 bên đều tuyên bố chủ quyền. Thái Lan cho biết 2 ngôi đền nằm ở tỉnh Surin của họ, nhưng phía Campuchia khẳng định những tàn tích cổ này nằm trên lãnh thổ Campuchia.

 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi “đối thoại nghiêm túc”, nhằm đưa ra một lệnh ngừng bắn “hiệu quả và có thể giám sát được” và ngừng ngay các vụ tấn công lựu đạn, nã pháo vào nhau giữa hai bên.

 

Mặc dù về bề ngoài, các cuộc giao tranh mới có vẻ như là do tranh chấp lãnh thổ, song nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngại về khả năng như làm mất uy tín nhau hoặc nhằm chiếm lòng tin của các nhà dân tộc chủ nghĩa trong nước. Theo các nhà phân tích, xung đột có thể làm gia tăng tỷ lệ ủng hộ với chính phủ Thái Lan trước thềm cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 7 này.

 

Phan Anh

Theo AFP, Reuters