Thảo luận xung đột Thái Lan-Campuchia tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN
(Dân trí) - Ngoại trưởng Indonesia chiều qua cho biết xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra từ ngày 7-8/5 tại Jakarta, sau khi hai nước chấm dứt 7 ngày giao tranh vốn làm 15 người của cả hai bên thiệt mạng.
Theo Bangkok Post, giao tranh đã ngừng, nhưng tình hình biên giới vẫn căng thẳng.
“Cuộc xung đột sẽ được thảo luận song phương hoặc ba bên”, Ngoại trưởng Natalegawa nói tại cuộc gặp với người đồng cấp Thái Lan Kasit Piromya tại văn phòng của ông.
“Trên căn bản, hai bên phải tự kiềm chế, vì chúng ta hiện nay đang ở trong vòng luẩn quẩn, bên này nói một đằng, bên kia nói một nẻo. Đổ lỗi và buộc tội lẫn nhau. Nói một cách chính xác, đây là một vòng luẩn quẩn mà chúng tôi đang nỗ lực đảo ngược”, ông Natalegawa nói thêm trong cuộc họp báo.
Theo ông, “nếu quả thật tin về ngưng bắn là đúng thì rất đáng khích lệ và hai bên cần phải nhận thức được rằng chỉ có con đường duy nhất giải quyết cuộc tranh chấp này là qua đường lối ngoại giao”.
Với vị trí là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, Indonesia đã đề xuất đối thoại để chấm dứt bạo lực giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á. Bangkok và Phnom Penh đã đồng ý giải quyết tranh chấp biên giới thông qua biện pháp ngoại giao có vai trò của ASEAN.
Indonesia sẽ triển khai các quan sát viên tới khu vực biên giới tranh chấp để giám sát việc thực thi thoả thuận ngừng bắn giữa hai bên.
Sáng hôm qua, xung đột vũ trang tại vùng biên giới giữa Thái Lan và Campuchia tiếp tục xảy ra với quy mô nhỏ. Lãnh đạo hai nước cùng ngày đều có phản ứng một cách thận trọng. Thủ tướng Thái Lan Abhist bác bỏ thông tin nói rằng Thái Lan đình chỉ đàm phán ngừng bắn, còn Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi hai nước chấm dứt xung đột vũ trang tại vùng biên giới và sẵn sàng hội đàm với Thủ tướng Thái Lan về xung đột biên giới tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra vào tháng tới.
Tư lệnh lực lượng biên giới của hai bên sau đó đã đạt được thoả thuận ngừng bắn.
Chuyên gia về ASEAN của Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, ông Tống Thanh Nhuận cho rằng, xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia có dấu hiệu dịu lại bởi hai nguyên nhân: Thứ nhất, cuộc đụng độ lần này gây thương vong quá lớn, diễn ra trên diện rộng, cái giá phải trả đắt như vậy đã khiến hai nước nếu tiếp tục đụng độ sẽ là không sáng suốt.
Thứ hai, cộng đồng quốc tế tích cực can dự và dàn xếp. Từ khi xảy ra xung đột đến nay, ASEAN, LHQ, Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Thái Lan và Campuchia kiềm chế, giải quyết xung đột bằng phương thức hoà bình. Indonesia đã tích cực dàn xếp cuộc xung đột giữa hai nước - nguyên nhân quan trọng làm cho tình hình hai nước dịu lại.
Từ hai năm nay, thỉnh thoảng vẫn xảy ra những trận đụng độ giữa hai nước láng giềng về vùng biên giới không được phân định rõ ràng. Bên nọ đổ lỗi cho bên kia đã gây hấn trước trong những cuộc xung đột trong tháng này.
Nguyễn Viết