1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

THAAD có “vá” được “lỗ hổng” phòng thủ của Saudi Arabia?

Quyết định điều khí tài quân sự đến Saudi Arabia đã được Mỹ đưa ra, tuy nhiên, hiệu quả của các tổ hợp vũ khí này đang là dấu hỏi lớn.

Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD

Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (Terminal High Altitude Area Defense, trước đó có tên là Theater High Altitude Area Defense) - THAAD, là hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động, dùng để tiêu diệt tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật và tầm trung ở bên trong và bên ngoài khí quyển nhằm bảo vệ các khu dân cư và các mục tiêu hạ tầng trọng yếu, được các tập đoàn công nghiệp (Raytheon, Boeing, Aerojet, Rocketdyne, Honeywell, BAE Systems, Oshkosh Defense,  MiltonCAT,  và Oliver Capital Consortium), đứng đầu là Lockheed Martin Missiles and Space phát triển từ năm 1992, được Mỹ đưa vào hoạt động năm 2005.

THAAD có “vá” được “lỗ hổng” phòng thủ của Saudi Arabia? - 1

Mỹ và đồng minh đang phải trả giá do quá kỳ vọng vào Patriot. Nguồn: Sputnik

Mỗi tổ hợp THAAD bao gồm 5 cấu phần chính: tên lửa đánh chặn (8 tên lửa mỗi bệ, đặt trong các ống phóng kín liên kết thành một module; thời gian nạp tên lửa lại cho bệ phóng 30 phút); 6 bệ phóng dài 12m, rộng 3,25m (đặt trên khung gầm xe đầu kéo 10 tấn М1075 có khả năng việt dã cao), tổng trọng lượng 40 tấn; đài chỉ huy và liên lạc; radar; và thiết bị bổ trợ. Các bệ phóng của THAAD có khả năng tương tác với các hệ thống phòng thủ tên lửa khác, có thể được các vệ tinh trinh sát quân sự như Brilliant Eye cung cấp thông tin, cũng như khả năng không vận bằng máy bay vận tải hạng nặng C-141.

Đài chỉ huy có thể đặt cách xa radar đến 14km, có chức năng xử lý tín hiệu và truyền dữ liệu. Mỗi tổ hợp THAAD được biên chế 2 đài chỉ huy, mỗi đài có 2 vị trí công tác; 2 radar AN/TPY-2 kết nối với nhau thông qua một trung tâm chỉ huy. Radar thứ nhất có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu, radar thứ hai làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường tên lửa đánh chặn mục tiêu. AN/TPY-2 sử dụng 1 anten mạng pha 9,2m² hoạt động ở băng tần I và J (băng X), có khả năng bắt mục tiêu tên lửa ở tầm đến 1.000km, có thể mở rộng lên đến 4.000km. Các thiết bị radar có thể vận chuyển bằng máy bay vận tải C-130.

Không dùng đầu đạn hạt nhân, THAAD áp dụng nguyên lý đánh chặn động năng (hit-to-kill) - sử dụng động năng của tầng đánh chặn để tiêu diệt mục tiêu khi va chạm trực tiếp, mà không dùng thuốc nổ - an toàn hơn, đặc biệt là khi đối phó với các tên lửa hạt nhân. Tên lửa chống tên lửa dùng cho THAAD là loại một tầng tự dẫn kiểu tách, nhiên liệu rắn, có trọng lượng phóng 900kg, chiều dài 6,17m và đường kính thân tối đa 0,37m, có thể tiêu diệt mục tiêu tên lửa chiến dịch-chiến thuật (tầm bắn đến 1.000km) và tên lửa đường đạn tầm trung (tầm bắn đến 3.500km) ở độ cao 40-150km và cự li đến 200km, do Công ty Pratt & Whitney phát triển.

THAAD có “vá” được “lỗ hổng” phòng thủ của Saudi Arabia? - 2

Tổ hợp THAAD trong hệ thống phòng thủ liên hợp. Nguồn: army.mil

Tầng đánh chặn bao gồm đầu tự dẫn hồng ngoại đa phổ hoạt động ở các vùng hồng ngoại giữa (3,3-3,8 micromet) và hồng ngoại xa (7-10 micromet), hệ thống điều khiển lệnh-quán tính, hệ thống động cơ cơ động và định hướng trong không gian, dùng công nghệ định vị hồng ngoại để truy tìm, tấn công mục tiêu. Nhờ động năng cao của tầng đánh chặn, THAAD sẽ có hiệu quả cao hơn nhiều khi tác chiến chống các tên lửa đường đạn lạc hậu như R-17 Scud. Theo thống kê, THAAD đã chặn thành công trong 15 lần thử nghiệm kể từ khi chương trình được bắt đầu, gần đây nhất là vào tháng 7/2017.

Điểm độc đáo ở THAAD là khả năng đánh chặn các mối đe dọa cả hai lớp bên trong và bên ngoài bầu khí quyển (endo và exo-atmosphere) - là lớp phòng thủ bổ sung cần thiết cho các tổ hợp phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện nay của Mỹ là hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot (chỉ có khả năng endo) và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (chỉ có khả năng exo), đồng thời bổ sung khả năng hoạt động linh hoạt rất cần ở các hệ thống Aegis và Patriot hay PAC-3 và C2BMC để đảm bảo khả năng bảo vệ trước các mối đe dọa.

Giới phân tích cho rằng, Mỹ phát triển THAAD nhằm mục đích: đối phó với các mục tiêu tốc độ vượt siêu thanh bay liệng linh hoạt và cơ động giai đoạn cuối hành trình, như YU-71 của Nga và WU-14 của Trung Quốc; cạnh tranh với hệ thống cùng loại như Standard-3 - việc cùng lúc phát triển nhiều hệ thống tên lửa đánh chặn sẽ giúp đưa ra nhiều phương án đánh chặn hơn, khả năng đối phó các mối đe dọa cũng linh hoạt và hiệu quả hơn; thu hẹp quy mô triển khai phòng thủ tên lửa trên bộ - chỉ với một hệ thống THAAD, có thể đảm bảo phòng thủ trong phạm vi 200-250km; và đối phó với mối đe dọa tên lửa đường đạn tầm xa hơn, từ 600-3.600km.

THAAD có “vá” được “lỗ hổng” phòng thủ của Saudi?

Mặc dù có giá thành cao, hơn 1,3 tỷ USD mỗi tổ hợp, chưa kể chi phí duy trì (khoảng 22 triệu USD/năm), song hiệu quả tác chiến của THAAD chưa được như mong muốn. Theo tờ Defense News, tỷ lệ đánh chặn thành công của THAAD hiện đạt hơn 90%. Tuy nhiên, ở những lần đánh chặn được coi là thành công này, THAAD đối phó với một hoặc hai đầu đạn tấn công. “Ðối với các đợt tấn công bằng tên lửa quy mô lớn, hiệu năng phòng thủ của THAAD vẫn bị nghi ngờ”, theo Coyle - chuyên gia cấp cao của Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí của Mỹ.

THAAD có “vá” được “lỗ hổng” phòng thủ của Saudi Arabia? - 3

Tên lửa THAAD đang khai hỏa. Nguồn: pri.org

Sự kiện 14/9/2019 không phải là lần đầu tiên tên lửa Patriot cũng như phòng không Saudi Arabia thể hiện sự bất lực trước một đối thủ yếu kém hơn về nhiều mặt bằng máy bay không người lái (UAV) Qasef-2K và tên lửa hành trình tầm ngắn. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, Patriot của Saudi đã bị UAV mang vũ khí tấn công ít nhất 4 lần, khiến hệ thống này tê liệt trong một thời gian dài. Việc phiến quân cũng đã nhiều lần dùng vũ khí tương tự đánh thẳng vào sân bay quốc tế và hàng loạt mục tiêu dân sự khác gây thiệt hại lớn, cho thấy, mối đe dọa lớn nhất và thường trực nhất với Riyadh không phải là những tên lửa đạn đạo tầm cao mà chính là UAV mang vũ khí.

Các phương tiện truyền thông Mỹ cho biết, ngoài các cuộc thảo luận liên quan đến biện pháp đối phó với các cuộc tấn công tại Saudi, hiện Washington đang cân nhắc khả năng cử thêm phi đội máy bay chiến đấu và các hệ thống tên lửa phòng không THAAD tới khu vực Vịnh Ba Tư - Mỹ đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ đồng minh Saudi và ngành dầu mỏ của quốc gia này. Ngày 11/10, người phát ngôn Lầu Năm Góc Hoffman cho biết, cùng với 3.000 binh sĩ, Mỹ sẽ tăng cường 2 khẩu đội tên lửa Patriot, 1 Hệ thống THAAD, 2 phi đội máy bay tiêm kích và 1 không đoàn viễn chinh tới Saudi Arabia giúp nước này tăng cường năng lực phòng thủ trước các cuộc tấn công đường không từ bên ngoài. Nhiều người nghi ngờ bằng cách thúc đẩy tình hình theo hướng này, Washington muốn Saudi mua thêm vũ khí Mỹ để bổ sung sức mạnh cho những vũ khí hiện có của quốc gia này.

Thất bại liên tiếp của Patriot tại Saudi đã khiến Mỹ và các đồng minh lo lắng cho kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương, do Patriot được xem là trung tâm của kế hoạch này, trong khi Mỹ hầu như không có ứng cử viên có sáng giá để thay thế Patriot. Giới chuyên gia đang nghi ngờ tính hiệu quả việc Mỹ điều cả Patriot và THAAD đến giúp Saudi vá lỗ hổng phòng thủ. Điều này cũng được thể hiện rõ trong bài phỏng vấn mới đây của tướng Brown - Tư lệnh Các lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) với tờ Aviation Week, theo đó, các hệ thống đánh chặn cỡ lớn và nặng nề hiện tại như Patriot hay THAAD không còn hiệu quả. Southfront thì cho rằng, THAAD sẽ không giúp Saudi an toàn hơn trước những cuộc tấn công từ phiến quân, mà nước này nên tăng cường khả năng đánh chặn tầm thấp để đối phó với mối đe dọa thường trực.

Nhận thức được mối đe dọa tiềm ẩn, Saudi đẩy nhanh việc đàm phán mua sắm hệ thống phòng thủ Pantsir-S1 của Nga và phương án 2 là Iron Dome của Israel. Hiện hai phương án này đang được Saudi cân nhắc, nhưng giới chức quốc phòng Saudi nghiêng về phương án Pantsir-S1 nhiều hơn, bởi thành tích ấn tượng vũ khí này thể hiện trong thời gian qua vượt trội hơn Iron Dome. Trong khi quyết định chính thức vẫn chưa ngã ngũ, Riyadh vẫn phải cậy nhờ đồng minh Mỹ mặc dù tính hiệu quả của cả giải pháp và các tổ hợp vũ khí sẽ được Mỹ điều động đang là dấu hỏi lớn.

Theo Lê Ngọc

VOV.VN