1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Lưới phòng thủ hiện đại của Ả rập Xê út bị vũ khí giá rẻ “bắt bài”

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định rằng vụ tấn công vào 2 nhà máy thuộc tập đoàn dầu khí Aramco của Ả rập Xê út dường như cho thấy Riyadh dễ tổn thương trước các vụ tấn công sử dụng vũ khí với công nghệ đơn giản, dù quốc gia Trung Đông hiện được bảo vệ bởi mạng phòng thủ khá dày đặc và hiện đại.

Lưới phòng thủ hiện đại của Ả rập Xê út bị vũ khí giá rẻ “bắt bài” - 1

17 địa điểm bị tấn công trong 2 nhà máy dầu khí thuộc Aramco (Ảnh: Digital Globe)

Theo một thống kê, Ả rập Xê út năm ngoái đã chi 65 tỷ USD để mua vũ khí quân sự, hầu hết nhập từ Mỹ bao gồm các hệ thống radar, máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không Patriot. Họ cũng được bảo vệ bởi khí tài của quân đội Mỹ tại Trung Đông.

Tuy nhiên, ngày 14/9, hai nhà máy thuộc tập đoàn dầu khí Aramco của Riyadh đã bị tấn công bất ngờ, khiến sản lượng dầu sản xuất của quốc gia Trung Đông giảm một nửa và ảnh hưởng mạnh tới giá dầu thế giới.

Phiến quân Houthi tại Yemen đã nhận trách nhiệm và tuyên bố họ dùng 10 máy bay chiến đấu không người lái để thực hiện vụ tấn công rung chuyển Ả rập Xê út. Các nguồn thạo tin từ quan chức Mỹ nói rằng đã có 17 vụ tấn công riêng rẽ nhằm vào 2 nhà máy Aramco.

17 địa điểm bị phá hủy trong cơ sở dầu khí Ả rập Xê út bị tấn công

Giới chuyên gia nhận định vùng không phận xung quanh Iran và Ả rập Xê út được đánh giá là một trong những khu vực được bảo vệ chặt chẽ, và giám sát kỹ lưỡng nhất trên trái đất nhờ hàng chục năm được củng cố bằng khí tài của Mỹ.

Trả lời Business Insider, một cựu quân nhân hải quân giấu tên của Mỹ nói rằng: “Thật khó tưởng tượng khi một chuỗi 17 vụ tấn công vào cơ sở dầu khí Ả rập Xê út mà không bị các radar trên mặt đất và trên biển dò ra. Quanh khu vực vịnh Ba Tư, việc tấn công là khá khó vì có rất nhiều các hệ thống radar. Ngoài ra, các tàu Mỹ ở Bahrain cũng có thể dùng radar phòng không để nắm được thông tin về mục tiêu”.

Lưới phòng thủ hiện đại của Ả rập Xê út bị vũ khí giá rẻ “bắt bài” - 2

Hiện trường vụ tấn công (Ảnh: Reuters)

Trên thực tế, ngoài các hệ thống bán cho Ả rập Xê út, Mỹ cũng đặt hàng loạt các thiết bị quân sự ở Kuwait, Qatar, Bahrain để theo dõi các mục tiêu tấn công. Mỹ cũng đặt tàu ở khu vực và dược trang bị hệ thống phòng thủ Aegis.

Theo các chuyên gia, các hệ thống này có thể giúp Mỹ xác định xem thực sự vụ tấn công xuất phát từ đâu khi mặc dù Houthi đã nhận trách nhiệm, nhưng Mỹ lại cáo buộc Iran đứng sau vụ việc.

Nhưng câu hỏi được đặt ngược lại là lỗ hổng nào đã khiến hệ thống phòng thủ dày đặc như vậy bị các máy bay không người lái công nghệ thấp, giá thành rẻ “qua mặt” khi chúng xuất hiện trong không phận Ả rập Xê út và thực hiện các vụ tấn công ồ ạt.

Mỹ và Ả rập Xê út dường như đều không tin Houthi đứng sau vụ việc, lý giải rằng nhóm phiến quân không có đủ công nghệ để thực hiện vụ tấn công.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự lại tin rằng chính vì sử dụng công nghệ đơn giản và giá rẻ, vũ khí của Houthi mới có thể xâm nhập và qua mặt được các hệ thống hiện đại triển khai xung quanh quốc gia Trung Đông.

“Phòng không Ả rập Xê út rõ ràng là để lộ khoảng trống và Houthi đã dùng máy bay không người lái để tấn công”, chuyên gia Becca Wasser từ Rand Corp nói với AFP.

Trong khi đó, chuyên gia Bobby Ghosh từ Bloomberg nhận định rằng: “Bản chất của tác chiến bất đối xứng là các lực lượng du kích với vũ khí giá thành rẻ có khả năng gây gián đoạn và gây nên những vụ tấn công bất ngờ và mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, ông Ghosh cũng nhận định Ả rập Xê út cần phải trả lời nhiều câu hỏi vì các mối đe dọa từ máy bay không người lái có thể tấn công các cơ sở ở Riyadh là điều không mới. Họ đã trang bị các hệ thống hiện đại nhưng vẫn bị những vũ khí đơn giản qua mặt.

Mỹ hiện tại vẫn cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công nhưng họ chưa khẳng định chính thức điều này. Nghi vấn của Washington không phải là không có cơ sở vì họ sở hữu dàn radar hùng hậu ở Trung Đông và có thể xem xét lại các dữ liệu điều tra.

Nhưng bằng chứng mà Mỹ đưa ra về vụ việc đến giời mới chỉ là các bức ảnh vệ tinh cho thấy vụ tấn công đi từ hướng tây trong khi Yemen nằm phía nam Ả rập Xê út và Iran nằm ở phía đông và phía bắc.

Giới quan sát cũng cho rằng việc Mỹ cũng ở trong thế khó nếu họ công bố chi tiết về vụ tấn công, vì chúng có thể khiến cho dư luận hoài nghi về năng lực của khí tài Washington khi bị dàn máy bay không người lái công nghệ thấp "qua mặt".

Đức Hoàng

Theo Business Insider, Dailymail