1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tên lửa tầm xa Storm Shadow sẽ tác động thế nào tới chiến sự Nga-Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, tên lửa tầm xa Storm Shadow mà Anh cấp cho Ukraine có thể tạo bước ngoặt trong chiến sự với Nga, nhưng Moscow cũng có những biện pháp để ứng phó.

Tên lửa tầm xa Storm Shadow sẽ tác động thế nào tới chiến sự Nga-Ukraine? - 1

Tên lửa Storm Shadow dưới cánh máy bay chiến đấu Typhoon của Anh (Ảnh: The Drive).

Anh xác nhận đã chuyển tên lửa tầm xa cho Ukraine với kỳ vọng khí tài này có thể thay đổi "cuộc chơi". Theo Eurasian Times, tên lửa Storm Shadow được xem là một trong những tên lửa hành trình uy lực nhất thế giới hiện nay.

Việc Anh chấp nhận chuyển tên lửa này cho Ukraine có nhiều ý nghĩa, nhưng điều quan trọng nhất là London đã phá vỡ tâm lý chần chừ của phương Tây trong thời gian qua về việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev. Trước đó, các nước NATO nhiều lần bày tỏ lo ngại việc đưa khí tài tầm xa tới Ukraine có thể gây ra rủi ro khiến xung đột lan rộng vượt tầm kiểm soát. Storm Shadow có thể trở thành một tiền lệ để các nước phương Tây khác ra quyết định tương tự, theo giới quan sát. 

Theo The Drive, Storm Shadow đã được chuyển tới Ukraine với cam kết rằng nó sẽ không được sử dụng để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga, mà chỉ tấn công trong phạm vi lãnh thổ chủ quyền của Ukraine. Do Anh và Ukraine công nhận Crimea thuộc về phía Kiev, nên các chuyên gia nhận định, có khả năng Storm Shadow được dùng để tập kích các mục tiêu tại bán đảo trên.

Storm Shadow là một tên lửa đáng gờm trong kho vũ khí của Anh. Được đồng phát triển và sản xuất bởi các nhà thầu Matra, British Aerospace và MBDA, Storm Shadow là tên lửa chạy bằng động cơ phản lực có tốc độ Mach 0,8 (987km/h) với tầm bắn tối đa 560km.

Đó là một tên lửa tương đối nhỏ, chỉ nặng 1,3 tấn, mang theo đầu đạn nặng 450kg. Storm Shadow có chiều dài 5,1m, đường kính thân tối đa 48cm.

Storm Shadow sở hữu hàng loạt công nghệ tên lửa hàng đầu của Anh. Một trong những tính năng nổi bật là tên lửa này có kích thước nhỏ và cấu tạo giúp nó khó bị radar mặt đất đối phương truy dò và phát hiện. Mặt khác, nó có khả năng điều hướng bán tự động đến mục tiêu ở mức độ thấp bằng cách sử dụng kết hợp hệ thống định vị toàn cầu GPS và bản đồ địa hình. Nếu Nga gây nhiễu bằng tác chiến điện tử (EW) khiến GPS bị vô hiệu, tên lửa sẽ sử dụng bản đồ địa hình để cập nhật vị trí, định vị lại mục tiêu tấn công. Đây là một tính năng quan trọng trong bối cảnh Nga là cường quốc về EW.

Cơ chế tấn công là một điểm mạnh của Storm Shadow. Khi tới gần khu vực có mục tiêu, tên lửa sẽ tăng mạnh lên độ cao đủ để xác định mục tiêu. Sau đó, nó hướng xuống và kích hoạt một camera đo nhiệt độ có độ phân giải cao ghi lại bối cảnh trong khu vực. Từ dữ liệu sẵn có trong bản đồ địa hình, tên lửa sẽ xác định mục tiêu vào lao vào.

Đầu đạn BROACH nặng 450kg của tên lửa có khả năng xuyên phá vào lòng đất, tấn công boong-ke, trung tâm điều khiển, hầm trú ẩn máy bay kiên cố, đường băng, tòa nhà, cầu, căn cứ phòng không và tàu trong cảng. Đầu đạn uy lực với tầm tấn công xa có thể giúp Storm Shadow phá hủy những mục tiêu có giá trị cao của đối phương.

Những thách thức

Một trong những thách thức khi triển khai Storm Shadow là nó không tương thích hoàn toàn với các nền tảng phóng vũ khí mà Ukraine đang sở hữu. Về nguyên tắc, dòng tên lửa này có thể tích hợp trên các tiêm kích hiện đại của phương Tây như Rafale và Eurofighter Typhoon. Các dòng tiêm kích này có thể lên chương trình bay cho tên lửa trước khi phóng, bao gồm hình ảnh hồng ngoại của mục tiêu, bản đồ địa hình kỹ thuật số, hệ thống phòng không của đối phương dọc theo đường bay…

Storm Shadow dường như khó tương thích hoàn toàn với các tiêm kích chuẩn Liên Xô của Ukraine như Su-24, Su-25 hoặc MiG-29. Vì vậy, việc lập trình trước khi phóng tên lửa sẽ cần phải được thực hiện trước trên mặt đất trước khi vũ khí được lắp vào bệ phóng. Điều này gây ra hạn chế là tên lửa sẽ chỉ tấn công hiệu quả các mục tiêu định trước khi tiêm kích xuất phát, mà khó tập kích các mục tiêu phát sinh bất ngờ khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, dù Storm Shadow khó bị phòng không phát hiện, nhưng Nga cũng sở hữu công nghệ radar chống tàng hình khá hiệu quả. Theo Izvestia, Nga đang sử dụng radar Niobium ở Ukraine để phát hiện máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa phóng loạt. Radar có thể phát hiện máy bay không người lái làm bằng vật liệu composite. Niobium có thể quét các mục tiêu đa dạng trong phạm vi 500km.

Mặt khác, chuyên trang quân sự Avia Pro dẫn lời chuyên gia Alexei Leonkov cho biết, các hệ thống phòng không của Nga được cho từng đánh chặn thành công Storm Shadow ở chiến trường Syria vào năm 2018. Chưa có bằng chứng nào được đưa ra cho tuyên bố nói trên. 

Theo ông Leonkov, các tổ hợp Buk và Tor của Nga có thể làm được điều này. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, mối đe dọa từ tên lửa này là không thể xem nhẹ, vì nếu nó qua mặt được các lá chắn phòng không, nó có thể gây ra sức công phá nghiêm trọng.

Theo Eurasian Times, The Drive