1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Khả năng Israel "bắt bài" rồng lửa S-300 của Nga tại Syria

(Dân trí) - Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 do Nga triển khai tới Syria có thể gây khó khăn cho các cuộc không kích của Israel, song Tel Aviv được cho là có đủ khả năng để chặn đứng “rồng lửa” của Moscow.

Uy lực hệ thống phòng không S-300 của Nga

Hệ thống phòng không S-300 của Nga (Ảnh: Reuters)
Hệ thống phòng không S-300 của Nga (Ảnh: Reuters)

Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/9 thông báo kế hoạch nâng cấp năng lực phòng không của Syria bằng hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 hiện đại do Moscow sản xuất. Ngoài việc triển khai S-300, Nga cũng trang bị các hệ thống liên lạc, radar và định vị vệ tinh tại Syria nhằm giúp lực lượng phòng không Syria phát hiện chính xác các mục tiêu trước khi phóng tên lửa, tránh để xảy ra sự cố bắn nhầm máy bay Nga như vụ việc vừa qua.

Động thái trên của Nga đánh dấu sự căng thẳng mới nhất trong mối quan hệ nhiều sóng gió giữa Nga và Israel kể từ khi máy bay trinh sát Il-20 của Moscow bị phòng không Syria bắn rơi hồi tuần trước. Tuy nhiên theo trang tin Times of Israel, mối đe dọa lớn nhất đối với Israel không nằm ở các vũ khí lợi hại do Nga trang bị cho Syria, mà ở mối quan hệ có nguy cơ đổ vỡ giữa hai nước.

Mối quan hệ sóng gió

Từ thập niên 1960 và 1970, Israel buộc phải chấp nhận một thực tế rằng, Nga ngày càng có nhiều động thái đi ngược lại với lợi ích của Israel. Mặc dù Nga hiện cung cấp nhiều loại vũ khí cho các đối thủ của Israel, bao gồm các thương vụ bán S-300 cho Iran, song Israel nhìn chung vẫn cho rằng đây chỉ đơn thuần là hoạt động kinh doanh vũ khí của Nga, chứ không xuất phát từ động cơ riêng tư nào khác.

Nhận thức của Israel về Nga có thể thay đổi sau cuộc khủng hoảng liên quan tới vụ máy bay Il-20 bị bắn rơi. Sự thay đổi này diễn ra như thế nào còn phụ thuộc vào cách xử lý của cả Israel, Nga và Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng các động thái của Nga hiện nay đã cho thấy thái độ “thù hằn” rõ ràng nhất của Moscow đối với Israel từ sau Chiến tranh Lạnh.

Suốt 5 năm qua, Nga từng nhiều lần dọa bán tổ hợp S-300 cho Syria, tuy nhiên sau đó đều rút lại kế hoạch vì “nể mặt” Israel, và đôi khi cả Mỹ.

Với tầm hoạt động 250 km, tổ hợp phòng không S-300 hiện đại hơn nhiều so với tổ hợp S-200 mà quân đội Syria đang sử dụng. Nga cho biết sẽ cung cấp từ 2-4 tổ hợp S-300 cho Syria và sẵn sàng cung cấp thêm nếu cần thiết. Theo truyền thông Nga, các tổ hợp này sẽ được triển khai tại bờ biển phía tây của Syria và khu vực phía tây nam gần biên giới Israel và Jordan. Cả hai khu vực này đều là những nơi lực lượng không quân Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu tại Syria.

Nga hiện vẫn chưa tiết lộ mẫu S-300 nào trong số nhiều phiên bản với các tầm hoạt động khác nhau sẽ được đưa tới Syria. Tuy nhiên, ngay cả hệ thống radar được trang bị trên phiên bản chất lượng thấp nhất của S-300 cũng đủ khả năng giám sát các chuyến bay ở khu vực phía bắc Israel, thậm chí cả các chuyến bay dân sự cất và hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ben Gurion (Israel). Điều này còn phụ thuộc vào vị trí S-300 được triển khai trên lãnh thổ Syria.

Năng lực không quân Israel

Máy bay chiến đấu F-35 (Ảnh: Sputnik)
Máy bay chiến đấu F-35 (Ảnh: Sputnik)

Đối với Israel, hệ thống phòng không S-300 là một rào cản lớn, song vẫn có thể khắc chế được ở Syria - nơi Israel thường xuyên tiến hành các cuộc không kích ném bom các cơ sở và kho vũ khí của Iran và một đồng minh của Iran là nhóm Hezbollah.

Mặc dù tổ hợp S-300 (NATO gọi là SA-10) uy lực hơn nhiều so với hệ thống phòng không S-200 (hay còn gọi là SA-5) hiện thời của Syria, song lực lượng không quân Israel đã chuẩn bị cho kế hoạch đối phó với S-300 từ hàng chục năm nay.

Nhiều đồng minh của Israel đã vận hành S-300. Không quân Israel được cho là đã được tham gia huấn luyện để đối phó với tổ hợp S-300 của Hy Lạp trong các cuộc tập trận không quân chung giữa hai nước từ nhiều năm qua.

Israel cũng “tự hào” vì sở hữu phi đội máy bay chiến đấu F-35 với khả năng tàng hình ngày càng hùng hậu. Không quân Israel hồi đầu năm cho biết các máy bay chiến đấu thế hệ 5 này đã sẵn sàng hoạt động. Theo đó, F-35 có thể được Israel sử dụng để đối phó với khả năng phòng thủ của S-300 trong các cuộc không kích tại Syria.

Ngoài ra, không quân Israel cũng nổi tiếng với khả năng tác chiến điện tử. Trong cuộc chiến tranh Lebanon năm 1982, không quân Israel đã sử dụng radar gây nhiễu để tấn công các hệ thống phòng không của Syria do Liên Xô cung cấp, phá hủy 29 trong tổng số 30 tổ hợp phòng không của Syria.

Israel được cho là đã sử dụng công nghệ tương tự trong cuộc tấn công nhằm vào lò phản ứng hạt nhân của Syria ở Deir Ezzor năm 2007 và chặn đứng các hệ thống phòng không của Syria.

Nguy cơ đối đầu Nga - Israel

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: GPO)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: GPO)

Tuy vậy, đối với Israel, hệ thống phòng không S-300 do Nga cung cấp cho Syria không chỉ đặt ra thách thức về mặt tác chiến, mà còn tiềm ẩn nguy cơ về địa chính trị.

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quân đội Syria đã được đào tạo để sử dụng S-300, song hiện vẫn chưa rõ liệu các quân nhân Nga có tham gia vào quá trình vận hành hay không. Nếu câu trả lời là có, Israel sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định phá hủy bất kỳ tổ hợp S-300 nào để tránh gây ra cuộc đối đầu trực diện với Nga.

Việc Nga lên kế hoạch triển khai tác chiến điện tử để kiềm chế “những cái đầu nóng” Israel như theo cách nói của Bộ trưởng Shoigu cũng đặt ra một rào cản nữa cho không quân Israel.

Theo truyền thông Nga, các hệ thống tác chiến điện tử sẽ tạo ra “vòm vô tuyến điện” với tầm phủ sóng bao trùm hàng trăm km ở khu vực xung quanh phía tây Syria và bờ biển Địa Trung Hải. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới các máy bay Israel mà còn tới các tàu hải quân của Mỹ và Pháp cũng như các máy bay dân sự trong khu vực.

Hồi đầu năm nay, khi Nga dọa cung cấp S-300 cho Syria, giới chức Israel từng tuyên bố không quân nước này sẵn sàng nhắm mục tiêu tới bất kỳ hệ thống phòng không nào tấn công máy bay Israel, dù cho ai cung cấp hay ai vận hành hệ thống đó.

“Nếu hệ thống nào bắn máy bay của chúng tôi, chúng tôi sẽ phá hủy chúng. Không quan trọng đó là S-300 hay S-700”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman từng tuyên bố.

Giới phân tích cho rằng quân đội Israel có thể nắm trong tay công nghệ tác chiến để khắc chế vũ khí của Nga, tuy nhiên các lãnh đạo Israel vẫn phải cân nhắc về việc có triển khai các biện pháp đó hay không. Ngay cả khi không quân Israel đủ khả năng vượt qua hệ thống radar gây nhiễu của Nga, và Israel có quyền phá hủy S-300 nếu tổ hợp này phóng hỏa lực về phía máy bay Israel, song nếu thực sự làm vậy, Israel có thể sẽ đẩy mối quan hệ với Nga tới bờ vực sụp đổ.

Thành Đạt

Tổng hợp