1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyển rồng lửa S-300 tới Syria: Nga không chỉ "nắn gân" Israel

(Dân trí) - Việc Nga quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tới Syria sau vụ máy bay trinh sát của Moscow bị bắn rơi có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ căng thẳng trong quan hệ song phương dù hai nước luôn tìm cách hạn chế đối đầu.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters)

Mối quan hệ giữa Nga và Israel đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Vào ngày 17/9, một vụ việc liên quan tới các máy bay chiến đấu F-16 của Israel đã khiến hệ thống phòng không của Syria bắn rơi một máy bay trinh sát Il-20 của Nga khiến toàn bộ 15 người trên khoang thiệt mạng.

Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Israel gây ra thảm kịch này, cho rằng các máy bay chiến đấu Israel đã sử dụng máy bay Nga như một lá chắn để “núp bóng” khi hệ thống phòng không Syria bắt đầu trút hỏa lực. Chính quyền Israel đã ngay lập tức bác bỏ mọi cáo buộc, thậm chí cử một phái đoàn quốc phòng tới Nga để cung cấp các thông tin làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Israel đều không xoa dịu được cơn giận của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/9 thông báo sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tới Syria trong vòng 2 tuần tới. Động thái này của Nga sẽ hạn chế khả năng của Israel trong việc tiến hành các cuộc không kích tại Syria, đồng thời làm xấu đi mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa hai nước.

Khi Nga bắt đầu tham gia cuộc xung đột tại Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 9/2015, Israel đã hoan nghênh Moscow vì xem đây là cách để kiềm tỏa Iran. Nga và Israel đã đạt được thỏa thuận chung là không xâm phạm “lằn ranh đỏ” của nhau ở Syria.

Israel thực hiện các chiến dịch không kích ở Syria với hai mục tiêu, thứ nhất nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng quân sự của Iran tại Syria, thứ hai nhằm ngăn chặn việc sản xuất và vận chuyển các tên lửa tối tân cho một đồng minh khu vực của Iran là Hezbollah ở phía nam Lebanon.

Nhờ mối quan hệ gần gũi giữa Israel và Nga, Israel đã chấp thuận để Iran mở rộng lực lượng gần biên giới chung giữa hai nước nhằm hỗ trợ Nga thực hiện các chiến dịch chống lực lượng vũ trang nổi dậy tại Syria. Trong khi đó, Nga cũng để cho Israel tự do hoạt động với mục đích bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của Israel tại Syria.

Để đảm bảo không xảy ra bất kỳ vấn đề nào với các chiến dịch không kích của Israel, ngay từ khi triển khai lực lượng tại Syria, Nga đã thiết lập một đường dây nóng với Israel. Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon, Israel không cần phải thông báo cho Nga về các chiến dịch của Israel tại Syria vì quân đội Nga đủ khả năng nhận dạng đâu là máy bay của Israel và không can thiệp vào chiến dịch của Israel.

Kể từ đầu năm 2018, Israel bắt đầu tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu Iran và Hezbollah tại Syria với sự chấp thuận ngầm của Nga. Tuy nhiên, chính sách của Nga, trong đó Moscow đồng ý không can thiệp vào một số chiến dịch nhất định và được tính toán kỹ lưỡng của Israel tại Syria, đã bị Israel hiểu nhầm. Tel Aviv tưởng rằng Moscow luôn đồng ý với mọi hành động của mình tại Syria.

Nga gần như không có bất kỳ động thái lớn nào để kiềm chế Iran. Thực tế, trong hơn 3 năm qua, những thành công của lực lượng Nga đã cho phép Iran mở rộng sự hiện diện tại Syria, từ đó làm tiêu tan hy vọng của Israel và làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Nga và Israel. Các quan chức Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, nhiều lần thuyết phục Israel rằng Nga không thấy sự hiện diện của Iran tại Syria là mối đe dọa sống còn với Israel.

Căng thẳng Nga - Israel

Uy lực hệ thống tên lửa phòng không Nga sắp cấp cho Syria

Trong một năm qua, sự hiện diện ngày càng tăng của Iran tại Syria đã trở thành vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Israel. Hồi tháng 2, căng thẳng leo thang khi hệ thống phòng không Syria bắn hạ một máy bay Israel gần cao nguyên Golan - nơi Israel đang nắm quyền kiểm soát. Vụ việc này thách thức sự tồn tại của “lằn ranh đỏ” của Nga và có nguy cơ làm xói mòn lợi ích chính trị của Moscow tại Syria.

Hồi tháng 5, Nga đã đạt được một thỏa thuận với Israel, cho phép chính quyền Syria đưa lực lượng tới các tỉnh Deraa và Quneitra ở phía bắc sau khi Mỹ bỏ rơi các nhóm đối lập do Washington hỗ trợ tại đây. Đổi lại, Nga đồng ý thuyết phục các lực lượng Iran duy trì khoảng cách so với cao nguyên Golan là 100 km và cam kết sẽ rút bớt các lực lượng do Iran dẫn đầu khỏi Syria. Thỏa thuận trên đã khiến căng thẳng giữa Nga và Israel tạm thời lắng dịu, song vẫn không thể thiết lập lòng tin giữa hai nước.

Vụ máy bay Nga bị bắn rơi hôm 17/9 đã cho thấy mối quan hệ đối tác giữa Nga và Israel mong manh như thế nào. Giọng điệu cứng rắn của Bộ Quốc phòng Nga khiến nhiều người bất ngờ vì trước đây Moscow thường rất cẩn trọng khi bình luận về các hoạt động của Israel tại Syria.

Cách đây vài tháng, Nga vẫn chần chừ trong việc cấp hệ thống S-300 cho Syria vì lo ngại phản ứng của Israel. Giới chức Israel từng nhiều lần tuyên bố họ không đồng ý với kế hoạch này của Nga.

Theo một số chuyên gia, mặc dù việc đưa S-300 tới Syria là dấu hiệu cho thấy căng thẳng leo thang, song động thái này của Nga sẽ không làm thay đổi các toan tính của Israel tại Syria. Israel sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu tại Syria như nước này từng làm trong suốt những năm qua. Các mục tiêu này bao gồm: lực lượng vệ binh cách mạng Iran, nhóm Hezbollah của Lebanon, các lực lượng chính quyền Syria tham gia vào việc vận chuyển các tên lửa tấn công Israel và một số mục tiêu mà Israel cho là đe dọa tới họ.

Nga hiểu được ý đồ của Israel. Moscow biết rằng Israel sẽ không dừng các chiến dịch tại Syria nếu chỉ vì họ phải đối mặt với một mối đe dọa lớn hơn. Đó là lý do Nga chỉ đưa hệ thống S-300 tới Syria, thay vì hệ thống S-400 hiện đại hơn. Theo suy tính của Nga, trong khi S-400 có thể gây ra mối đe dọa lớn với các máy bay Israel, Israel có thể dễ dàng hơn trong việc khắc chế S-300 nhờ các vũ khí tác chiến điện tử.

Tổng thống Putin đương nhiên không muốn S-300 bắn hạ bất kỳ máy bay nào của Israel hay Israel phá hủy bất kỳ hệ thống S-300 nào của Nga. Ngoài việc ngăn chặn nguy cơ xảy ra một vụ bắn nhầm như vừa xảy ra, nhà lãnh đạo Nga cũng muốn gửi một thông điệp lớn hơn tới cộng đồng quốc tế khi đưa S-300 tới Syria. Trong bối cảnh Nga đang chịu sức ép từ phương Tây liên quan tới cáo buộc tấn công hóa học tại Syria, Tổng thống Putin muốn khẳng định rằng Nga không phải quốc gia yếu ớt. Thay vào đó, Moscow sẵn sàng hành động mạnh tay khi cần thiết.

Quyết định đưa S-300 tới Syria là thông điệp mạnh mẽ nhất của Nga gửi tới Israel. Động thái này có lẽ ảnh hưởng rất ít tới các chiến dịch của Israel tại Syria, nhưng đây là lần đầu tiên Moscow biến lời nói thành hành động trong quan hệ với Tel Aviv.

Đã có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy Nga đang leo thang căng thẳng với Israel và điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài tới quan hệ song phương. Mặc dù cơ chế giảm xung đột giữa hai quốc gia vẫn tiếp tục được thực thi, song nguy cơ xảy ra đối đầu bất ngờ đang cao hơn bao giờ hết.

Thành Đạt

Theo Washington Examiner, Alijazeera