1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tên lửa phòng không mới đến Syria: Chặn IS hay chờ Mỹ-NATO?

Trong một động thái mới, Nga đã quyết định đưa thêm các hệ thống tên lửa phòng không tới Syria để “ngăn chặn IS trộm máy bay và không kích”.

Tên lửa phòng không mới đến Syria: Chặn IS hay chờ Mỹ-NATO? - 1

Nga sẽ triển khai các hệ thống phòng không tiên tiến ở Syria

Tư lệnh lực lượng không quân Nga Viktor Bondarev ngày 5-11 cho biết, Nga sẽ đưa các hệ thống tên lửa phòng không (AAMS) tới Syria để ngăn chặn các vụ tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS trộm máy bay để tấn công và giáng đòn đáp trả.

"Chúng tôi đã tính đến tất cả các mối đe dọa tiềm năng và đưa tới đó không chỉ máy bay chiến đấu, máy bay tấn công, máy bay ném bom, máy bay trực thăng, mà cả các hệ thống tên lửa phòng không. Bởi vì có thể xảy ra các hoàn cảnh bất khả kháng khác” - ông Bondarev nói.

Vị tư lệnh không quân Nga nhấn mạnh, “giả sử có hành vi trộm máy bay quân sự trên lãnh thổ các nước láng giềng Syria và tấn công cụm quân Nga. Vì vậy lực lượng Nga tại Syria phải sẵn sàng cho điều này" - ông Viktor Bondarev nói khi trả lời phỏng vấn báo "Komsomolskaya Pravda".

Ngoài ra, ông Bondarev còn ám chỉ tình huống lực lượng IS có thể tiếp cận và đánh chiếm máy bay chiến đấu Nga hoặc Syria tại các căn cứ không quân nước này, sau đó dùng chiến lợi phẩm thu được đánh trả lại chính lực lượng Nga tại Syria.

Tên lửa phòng không mới đến Syria: Chặn IS hay chờ Mỹ-NATO? - 2

Hệ thống phòng không S-300 và Pantsir-S của Nga

Ngoài ra, tướng Bondarev còn tiết lộ thêm về nguyên nhân việc máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước là để tránh một hệ thống tên lửa phòng không trên bộ trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông cho biết, khi máy bay Nga đang bay dọc biên giới thì hệ thống phát hiện máy bay đang bị một hệ thống phòng không “khóa mục tiêu”. Chính vì vậy phi công buộc phải thực hiện động tác lượn vòng để né tránh, khiến chiếc máy bay hơi lấn sang không phận Thổ Nhĩ Kỳ đôi chút.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria ngày 30-9 vừa qua, Không quân Nga đã tiến hành hơn 1.600 cuộc không kích, phá hủy hơn 2.000 căn cứ khủng bố, tiêu diệt hàng trăm tên khủng bố, hàng ngàn phiến quân đầu hàng quân đội Syria, hàng nghìn trung tâm chỉ huy và nhà kho đã bị phá hủy.

Nga đưa hệ thống phòng không nào đến Syria?

Tháng 9 vừa qua, Nga đã đưa các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến là SA-22 Pantsir-S, do chính lính Nga vận hành đến Syria nhằm bảo vệ các cơ sở trọng yếu của nước này và căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia khỏi sự tấn công của máy bay tầm thấp và các loại vũ khí tấn công mặt đất.

Tên lửa phòng không mới đến Syria: Chặn IS hay chờ Mỹ-NATO? - 3

Hệ thống phòng không Tor-M2 của Nga

Tuy nhiên, Pantsir-S chỉ là các hệ thống phòng không tầm thấp và phạm vi bảo vệ ngắn, khó có thể bảo đảm an toàn cho các căn cứ Nga và các mục tiêu trọng yếu của Syria trước các cuộc không kích của máy bay chiến đấu.

Do đó, có thể trong đợt này Moscow sẽ đưa các hệ thống phòng không tầm trung đến Syria. Có khả năng Nga sẽ triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung Buk-M2 và bổ sung thêm một số hệ thống phòng không tầm gần, độ cao thấp Tor-M2.

Hệ thống phòng không Tor-M2 đưa vào phục vụ từ năm 2008, được nâng cao khả năng tác chiến đánh địch trong điều kiện bị gây nhiễu điện tử mạnh, có khả năng tiêu diệt chiến đấu cơ, trực thăng, tên lửa hành trình, bom, bom liệng, máy bay không người lái...

Tor-M2 được trang bị đạn tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm xa từ 1-15km, độ cao từ 10m tới 10 km, tấn công đồng thời 4 mục tiêu cùng lúc, dùng kiểu dẫn vô tuyến.

Tên lửa phòng không mới đến Syria: Chặn IS hay chờ Mỹ-NATO? - 4

Hệ thống phòng không tầm trung Buk của Nga

Buk-M2 là hệ thống phòng không tầm trung cực mạnh, có thể đánh chặn hầu hết mục tiêu bay, bao gồm cả tên lửa đạn đạo. Tổ hợp trang bị nhiều loại đạn tên lửa, có thể đạt tầm bắn từ 3-50km, độ cao tiêu diệt mục tiêu từ 10m tới 25km, có thể hạ thủ 24 mục tiêu cùng lúc.

Cụ thể, xác suất tiêu diệt tiêm kích F-15 từ 90 - 95%, tên lửa hành trình tấn công mặt đất từ 70 - 80 %, tên lửa đạn đạo từ 60 - 70%, trực thăng, UAV từ 70 - 80%.

Cũng không loại trừ khả năng Nga sẽ triển khai các tổ hợp phòng không S-300, nhưng sử dụng các hệ thống tên lửa tầm bắn tới 200km, có khả năng đánh chặn cả tên lửa đạn đạo này là hơi lãng phí. Hơn nữa, chúng cũng cồng kềnh và không cơ động như các hệ thống trên.

Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng, rất có thể tuyên bố mang hệ thống phòng không sang Syria để đề phòng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo của Nga là nhằm đánh lạc hướng, mục đích chính của Moscow là xây dựng hệ thống phòng không chống máy bay Mỹ-NATO.

Nếu nhận định này là đúng thì Moscow sẽ triển khai cả các hệ thống phòng không tối tân nhất là Pantsir, Tor, Buk và cả S-300 đến Syria để biến nước này thành một pháo đài phòng không mạnh mẽ.

Theo Huy Bình

Đất Việt

Tên lửa phòng không mới đến Syria: Chặn IS hay chờ Mỹ-NATO? - 5