1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tàu chiến Ukraine dọa nổ súng vào tàu Nga, Moscow "khóa" một phần Biển Đen

Thành Đạt

(Dân trí) - Các tàu Ukraine và Nga đã chạm trán vào đêm 14/4, trước khi Nga thông báo hạn chế hoạt động đi lại ở một số khu vực của Biển Đen trong 6 tháng.

Tàu chiến Ukraine dọa nổ súng vào tàu Nga, Moscow khóa một phần Biển Đen - 1

Tàu pháo lớp Gyurza-M của Ukraine (Ảnh: Hải quân Ukraine).

Theo Dailymail, vụ chạm trán xảy ra vào đêm 14/4 và rạng sáng 15/4 giữa 3 tàu pháo lớp Gyurza-M và 5 tàu chưa được xác định thuộc lực lượng tuần duyên của An ninh Liên bang Nga (FSB).

Ukraine cáo buộc các tàu của Nga có "hành động khiêu khích" xung quanh các tàu của Ukraine ở khu vực gần eo biển Kerch. Các tàu của Nga chỉ rời đi sau khi các tàu của Ukraine dọa sẽ nổ súng.

Eo biển Kerch cũng là nơi xảy ra vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine hồi năm 2018, khi Nga bắt giữ 3 tàu của Ukraine với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga và chặn lối vào eo biển bằng một tàu container. Vụ việc đã thổi bùng căng thẳng ngoại giao giữa hai nước trong thời gian dài.

Các tàu của Ukraine được tự do qua lại eo biển Kerch cho tới khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Nga sau đó xây cầu dài 19 km nối liền Crimea với lãnh thổ của mình.

Không lâu sau khi xảy ra vụ "chạm trán" giữa các tàu Nga và Ukraine, Moscow thông báo hạn chế hoạt động di chuyển của tàu quân sự và tàu công vụ nước ngoài tại một số khu vực ở Biển Đen tới tháng 10 năm nay.

"Từ 21 giờ ngày 24/4 đến 21 giờ ngày 31/10, hoạt động đi qua lãnh hải của Liên bang Nga đối với tàu quân sự và tàu công vụ khác của nước ngoài sẽ bị đình chỉ", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông cáo ngày 15/4.

Lệnh hạn chế đi lại sẽ ảnh hưởng tới mũi phía tây của bán đảo Crimea và bờ biển phía nam của bán đảo này, từ Sevastopol đến Hurzuf, cũng như khu vực ngoài khơi bán đảo Kerch gần Khu bảo tồn thiên nhiên Opuksky. 

Một trong những nơi bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế đi lại của Nga là khu vực nằm gần eo biển Kerch nối giữa Biển Đen và Biển Azov. Đây là tuyến đường đóng  vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và thép từ Ukraine.

Ukraine, NATO phản đối lệnh hạn chế của Nga

Lệnh hạn chế đi lại một phần Biển Đen của Nga đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước, đặc biệt là Ukraine.

Ukraine nhấn mạnh rằng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, "Nga không được cản trở hoặc đình chỉ hoạt động đi lại qua eo biển quốc tế đến các cảng ở Biển Azov".

Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng lệnh hạn chế đi lại một phần Biển Đen của Nga là "diễn biến rất đáng lo ngại".

Theo quan chức EU, động thái này "mâu thuẫn với các quy định về tự do hàng hải và luật pháp quốc tế", đồng thời làm gia tăng căng thẳng xung quanh việc Nga "tăng cường lực lượng quân sự" ở khu vực biên giới với Ukraine.

Người phát ngôn của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 16/4 cho rằng "việc Nga quân sự hóa Crimea, Biển Đen và Biển Azov là những mối đe dọa tiếp theo đối với nền độc lập của Ukraine, đồng thời làm suy yếu sự ổn định trong khu vực".

"Việc phong tỏa Biển Đen là động thái không chính đáng và là một phần trong lối hành xử cứng rắn của Nga", người phát ngôn cho biết thêm.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cáo buộc Nga đang biện minh cho kế hoạch phong tỏa Biển Đen để chuẩn bị các cuộc tập trận quân sự. Lầu Năm Góc kêu gọi Nga dừng cản trở các tàu thuyền trong khu vực, cũng như chấm dứt việc tăng cường lực lượng dọc biên giới Ukraine, đồng thời khẳng định Washington luôn ủng hộ Kiev.