1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Căng thẳng leo thang, Mỹ tính đưa tàu chiến tới "sân nhà" của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ cân nhắc đưa tàu chiến đến Biển Đen trong vài tuần tới để khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh Nga tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới.

Căng thẳng leo thang, Mỹ tính đưa tàu chiến tới sân nhà của Nga - 1

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Porter của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, trên đường tới Biển Đen (Ảnh: Reuters).

CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ ngày 8/4 cho biết, hải quân Mỹ vẫn thường xuyên hoạt động ở Biển Đen - nơi được xem là "sân nhà" của Nga. Tuy nhiên việc Mỹ triển khai các tàu chiến tới khu vực trong thời điểm này nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Moscow rằng, Washington vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến ở miền đông Ukraine.

Theo hiệp ước năm 1936 cho phép Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển dẫn vào Biển Đen, Mỹ cần thông báo trước 14 ngày nếu có ý định đưa tàu chiến tới khu vực này.

Quan chức quốc phòng cho biết hải quân Mỹ sẽ triển khai máy bay trinh sát hoạt động trên Biển Đen nhằm giám sát mọi hoạt động hải quân và bất kỳ động thái quân sự nào của Nga ở Crimea. Ngày 7/4, 2 máy bay ném bom B-1 của Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ ở biển Aegean.

Mặc dù Mỹ không coi việc Nga tập trung lực lượng sát biên giới Ukraine là dấu hiệu của một cuộc tấn công, song quan chức quốc phòng Mỹ cho biết "nếu tình hình thay đổi, Mỹ sẵn sàng phản ứng".

Ở thời điểm hiện tại, Mỹ nhận định Nga chỉ đang tiến hành diễn tập và huấn luyện, trong khi tình báo Mỹ chưa phát hiện dấu hiệu cho thấy Nga sẽ hành động quân sự. Tuy vậy, Washington nhận thức rõ rằng tình hình có thể thay đổi bất kỳ lúc nào.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại về căng thẳng leo thang giữa Ukraine và Nga. Trong những tuần gần đây, Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Tony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đều đã trao đổi với những người đồng cấp Ukraine.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 8/4 cho biết động thái của Nga "đáng lo ngại sâu sắc."

"Mỹ ngày càng lo ngại trước những hành động cứng rắn của Nga gần đây ở miền đông Ukraine, bao gồm các hoạt động của Nga ở biên giới Ukraine. Nga hiện triển khai nhiều binh sĩ ở biên giới Ukraine hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014. Chỉ riêng trong tuần này đã có 5 lính Ukraine thiệt mạng. Tất cả đều là những dấu hiệu đáng lo ngại", bà Psaki nói.

Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết việc xem xét các hành động của Nga sẽ chỉ diễn ra trong "vài tuần, chứ không phải vài tháng" và các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow sẽ chưa được công bố trong tuần này.

Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về hành động của Nga ở miền đông Ukraine.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby tuần này cho biết điều quan trọng là "tất cả các bên phải tuân thủ Thỏa thuận Minsk" và Nga cần tôn trọng "toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine"

Theo một người phát ngôn của chính phủ Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 8/4 đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin rút quân để hạ nhiệt tình hình. Theo thông báo từ Điện Kremlin về cuộc gọi, Tổng thống Putin cáo buộc Ukraine về "các hành động khiêu khích".