1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tướng Mỹ nhận định về khả năng xung đột giữa Ukraine và Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tướng Không quân Mỹ đã đưa ra nhận định về khả năng xung đột giữa Ukraine và Nga, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biên giới.

Tướng Mỹ nhận định về khả năng xung đột giữa Ukraine và Nga - 1

Lính Ukraine và Canada tập trận quân sự ở tây Ukraine (Ảnh: AP).

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 15/4, Tướng Không quân Tod Wolters, Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Âu của quân đội Mỹ, đã đưa ra nhận định về khả năng xung đột giữa Nga và Ukraine sau loạt động thái tăng cường quân sự ở khu vực biên giới.

"Từ thấp đến trung bình", Tướng Wolters nói khi một nghị sĩ đề nghị ông dự đoán nguy cơ xảy ra xung đột trong vài tuần tới.

Khi một nghị sĩ khác đề nghị lý giải liệu nguy cơ xung đột có thay đổi sau khoảng thời gian trên hay không, Tướng Mỹ cho biết: "Câu trả lời là, còn tùy".

"Tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn từ giờ đến ngày mai để đưa ra một câu trả lời khác", ông Wolters nói.

Theo Tướng Wolters, dựa trên xu hướng hiện tại, ông nhận thấy khả năng xảy ra xung đột Nga - Ukraine sẽ giảm xuống.

"Cảm giác của tôi là, với xu hướng như tôi thấy hiện nay, khả năng xảy ra xung đột bắt đầu suy yếu", Tướng Wolters nói với các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ.

Tướng Không quân Mỹ từ chối tiết lộ thông tin tình báo khiến ông đưa ra nhận định trên. Mặc dù quân đội Mỹ được cho là không dự đoán một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào thời điểm này, song Tướng Wolters vẫn không loại trừ kịch bản xung đột.

Nhận định của Tướng Wolters được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang đề nghị sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các nước phương Tây. Ukraine cho rằng việc phương Tây chỉ đưa ra tuyên bố "suông" là chưa đủ, khi căng thẳng ở miền đông nước này ngày càng leo thang.

Lầu Năm Góc từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về quy mô của lực lượng quân sự được Nga triển khai tới biên giới Ukraine gần đây. Tuy nhiên, Nhà Trắng tuần trước cho biết Nga đang duy trì lực lượng ở biên giới phía đông Ukraine nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Nga tuyên bố rằng nước này có thể tự do triển khai lực lượng của mình ở bất kỳ nơi nào mà Nga cho là cần thiết trên lãnh thổ của mình. Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố việc tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới là nhằm ứng phó trước các mối đe dọa an ninh do lực lượng NATO gây ra ở khu vực "sát sườn" Nga.

Căng thẳng leo thang

Tướng Mỹ nhận định về khả năng xung đột giữa Ukraine và Nga - 2

Lính Ukraine bước qua một hình nộm tại vùng đông Luhansk (Ảnh: AFP).

Ukraine và Nga đã đổ lỗi cho nhau về tình hình bạo lực gia tăng trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, nơi quân đội Ukraine đã chiến đấu với lực lượng ly khai. Ukraine cáo buộc Nga hỗ trợ phe ly khai tại Đông Ukraine trong cuộc xung đột mà Kiev cho rằng đã giết chết 14.000 người kể từ năm 2014. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách giáng đòn Nga. Ngày 15/4, Washington đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Mosow với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, tấn công mạng, "bắt nạt" Ukraine và các hành động bị coi là "nguy hiểm" khác của Nga.

Laura Cooper, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nga, Ukraine và khu vực Âu - Á, mô tả cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine là "một cuộc chiến tranh nóng ngay lúc này".

"Kể từ tháng 1, chúng ta đã có 30 quân nhân Ukraine thiệt mạng ở miền Đông", bà Cooper nói.

Tuy nhiên, cả bà Cooper và ông Wolters đều không đề xuất chính quyền Mỹ bổ sung lực lượng để hỗ trợ Ukraine, dù Kiev đã tiếp nhận vũ khí chống tăng và các loại vũ khí khác từ Washington trong những năm gần đây.

Sau cuộc hội đàm hôm 15/4 với những người đồng cấp từ Estonia, Latvia và Lithuania, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã đề nghị các quốc gia Baltic liên hệ với các thành viên khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) và NATO để cung cấp sự "hỗ trợ thiết thực" cho Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ đến Paris trong ngày hôm nay để thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về tình hình căng thẳng hiện nay. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ tham gia cuộc hội đàm trực tuyến giữa 3 nhà lãnh đạo.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ "sự ủng hộ vững chắc" của EU, gồm 27 quốc gia thành viên, đối với Ukraine. Ông Michel nói sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine rằng, các động thái của Nga ở biên giới mang tính "đe dọa và gây bất ổn".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15/4 đã bác bỏ những lo ngại của phương Tây về sự hiện diện quân sự của Nga như một "chiến dịch tuyên truyền", đồng thời kêu gọi phương Tây hối thúc Ukraine giảm leo thang căng thẳng ở miền Đông.

Các quan chức Điện Kremlin cảnh báo Ukraine không nên tìm cách sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát từ phe nổi dậy ở miền Đông, đồng thời cho rằng Nga có thể can thiệp để bảo vệ công dân Nga trong khu vực này.

"Nga không quan tâm đến việc thúc đẩy cuộc nội chiến ở Donbass và sẽ làm mọi thứ để bảo vệ công dân của mình cũng như đảm bảo hòa bình," bà Zakharova nói.

Nhà ngoại giao Nga kêu gọi các đồng minh phương Tây của Ukraine ngừng "hối thúc chính quyền Kiev tham gia vào các cuộc phiêu lưu đẫm máu thảm khốc" bằng cách cung cấp hỗ trợ quân sự và chính trị.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuần này cảnh báo việc Mỹ và các nước thành viên NATO tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ biển Kiev thành một "thùng thuốc súng".

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 15/4 cho biết Mỹ tuần này đã hủy kế hoạch điều hai tàu chiến đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ để tiến vào Biển Đen, sau khi Nga cảnh báo các tàu Mỹ tránh xa khu vực này.

Không có lý do nào được đưa ra cho việc hủy bỏ kế hoạch đi vào Biển Đen của các tàu chiến Mỹ như dự kiến ban đầu. Trong khi đó, Nga đã cảnh báo rằng bất kỳ hoạt động triển khai hải quân nào của Mỹ ở Biển Đen sẽ bị coi là "cực kỳ khiêu khích".