1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine cảnh báo hậu quả nếu Nga vượt "lằn ranh đỏ"

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine đã đưa ra cảnh báo cứng rắn với Nga trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực biên giới leo thang.

Ukraine cảnh báo hậu quả nếu Nga vượt lằn ranh đỏ - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới thăm vùng Donetsk ở đông Ukraine hồi tháng 2 (Ảnh: France 24).

"Họ (Nga) đang công khai đe dọa Ukraine", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với các phóng viên trong cuộc họp báo cùng những người đồng cấp từ các nước thuộc Liên Xô cũ gồm Estonia, Latvia và Lithuania hôm nay 15/4.

Ngoại trưởng Kuleba cáo buộc "các hành động và tuyên bố của Nga làm leo thang căng thẳng quân sự và làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột Nga - Ukraine".

"Lằn ranh đỏ của Ukraine là biên giới quốc gia. Nếu Nga vượt qua lằn ranh đỏ, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả", ông Kuleba cảnh báo, đồng thời cho rằng "thế giới sẽ đứng về phía Ukraine".

Tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng chính phủ chiến đấu với phe ly khai từ năm 2014, tăng nhiệt trở lại. Ukraine cáo buộc Nga hỗ trợ phe ly khai tại nước này, song Moscow nhiều lần bác bỏ.

Ukraine và các đồng minh phương Tây tuần này đã lên tiếng cảnh báo về số lượng lớn quân nhân Nga tập kết dọc biên giới phía bắc và phía đông của Ukraine, cũng như trên bán đảo Crimea - khu vực được Nga sáp nhập vào năm 2014.

Ngoại trưởng các nước Lithuania, Latvia và Estonia đã tới Ukraine vào sáng nay trong một động thái được cho là nhằm thể hiện sự gắn kết với Ukraine trước tình hình căng thẳng ở khu vực giáp biên giới Nga. Trước đó, Mỹ cũng cam kết sẽ ủng hộ "vững chắc" Ukraine trước các động thái của Nga.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis một lần nữa khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine, tuyên bố "Ukraine sẽ không bao giờ phải hành động một mình".

"Chúng tôi sát cánh với các bạn", ông Landsbergis nhấn mạnh.

Nga từng giải thích rằng các hoạt động chuyển quân của nước này không gây ra mối đe dọa nào và chỉ mang tính chất phòng thủ. Moscow cũng tuyên bố các đơn vị của Nga sẽ vẫn đóng quân tại biên giới cho tới thời điểm Điện Kremlin thấy phù hợp.

Tuy nhiên, việc tập kết lực lượng của Nga đã khiến các đồng minh của Ukraine lo ngại, buộc NATO phải kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh rút quân.

Ngày 14/4, các thành viên NATO gồm Đức và Mỹ đã hối thúc Nga đảo ngược tình hình và giảm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Moscow từ chối thay đổi kế hoạch. Trong tuần này, Nga đã đổ lỗi cho NATO và Mỹ vì biến Ukraine thành "thùng thuốc súng" khi tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Trong tuyên bố công khai đầu tiên về hoạt động triển khai lực lượng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 13/4 cho biết Moscow đã điều hai đơn vị lục quân và ba đơn vị lính dù đến biên giới phía tây của Nga. Đây là một phần của cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và ứng phó với hành động quân sự của NATO.

Ông Shoigu cũng cáo buộc NATO triển khai 40.000 quân và 15.000 thiết bị quân sự gần biên giới Nga, chủ yếu ở Biển Đen và các vùng Baltic. Tuy nhiên NATO đã bác bỏ thông tin này.

Nga trước đó đã cáo buộc NATO gây mất ổn định châu Âu bằng việc tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Baltic và Ba Lan kể từ khi Nga sáp nhập Crimea.