"Tàu chiến Anh giống con nhím khi thiếu tên lửa tấn công mặt đất"
(Dân trí) - Chuẩn đô đốc Chris Parry, cựu sĩ quan hải quân cấp cao Hải quân Anh, đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng các tàu chiến Anh thiếu sức mạnh cần thiết để răn đe đối thủ.
Telegraph đưa tin, việc không có tàu khu trục hoặc khinh hạm nào của Hải quân Hoàng gia Anh có khả năng bắn tên lửa vào đất liền khiến Mỹ phải đảm nhận trọng trách chính vô cùng nặng nề trong những cuộc tấn công các mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen, với sự hỗ trợ từ máy bay Không quân Hoàng gia Anh xuất kích từ căn cứ cách đó 2.400km.
Một nguồn tin quốc phòng Anh cho biết, tàu khu trục HMS Diamond của Anh đóng tại Biển Đỏ đã không tham gia các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu của Houthi vì nó không có "khả năng bắn vào các mục tiêu trên bộ".
Bộ Quốc phòng Anh (MoD) cho biết, thay vào đó chiến hạm của họ đã "trực tiếp tham gia tiêu diệt thành công các máy bay không người lái của Houthi nhắm mục tiêu vào hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ".
Cuối tuần qua, một tàu container có liên hệ với Anh đã bốc cháy sau khi trở thành tàu mới nhất bị lực lượng Houthi nhắm tới.
Một cựu đô đốc cho rằng, việc Anh không thể tấn công các căn cứ của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn từ tàu chiến cho thấy, nếu xảy ra xung đột, Hải quân Anh sẽ không thể đối đầu với các tàu chiến của Trung Quốc và Nga. Hiện tại, vũ khí duy nhất trên tàu khu trục có thể bắn vào tàu khác hoặc đất liền là khẩu pháo ở mũi.
Trong khi các tàu khu trục của Mỹ có thể bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu trên đất liền, lựa chọn duy nhất của Anh cho các cuộc tấn công như vậy là triển khai máy bay hoặc tàu ngầm.
Ông Tobias Ellwood - cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh - cảnh báo rằng tình hình không bền vững. Ông Ellwood nói: "Chúng tôi không thể tiếp tục làm điều này với một hạm đội mặt nước quá nhỏ và không thể bắn vào đất liền ở tầm xa".
Đô đốc Tony Radakin, hiện là Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Anh, từng cảnh báo về sự cần thiết phải đẩy nhanh quá trình mua sắm các loại vũ khí bao gồm hệ thống tên lửa tấn công mặt đất từ cách đây 5 năm, khi ông còn là Tư lệnh Hải quân Anh.
Trong vài tháng đầu tiên dưới quyền Thủ tướng Boris Johnson, vị Đô đốc trên đã công khai chủ trương thay thế tên lửa chống hạm Harpoon bằng một loại vũ khí có thể dùng để tấn công các mục tiêu trên bộ.
Tuy nhiên, tên lửa Harpoon đã bị Hải quân Anh cho nghỉ hưu vào năm ngoái và tên lửa thay thế tạm thời của nó là tên lửa tấn công hải quân (NSM) do Na Uy sản xuất - có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền - mới chỉ được lắp đặt trên một tàu để thử nghiệm nhưng chưa được bắn đạn thật.
Hệ thống này sẽ được triển khai cho 11 khinh hạm và tàu khu trục trước khi hệ thống tên lửa hành trình mới dự kiến được triển khai vào năm 2028.
Một cựu lãnh đạo quốc phòng cấp cao nói rằng, "thật là tai tiếng khi các tàu Hải quân hiện không được trang bị tên lửa đất đối đất".
Cựu quan chức nói: "Rõ ràng đó là một vụ bê bối và hoàn toàn không thỏa đáng. Đây là điều xảy ra khi Hải quân Hoàng gia buộc phải đưa ra những quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng đến năng lực chiến đấu. Vương quốc Anh đang phải chỉ huy các máy bay phản lực của Không quân Hoàng gia bay hàng ngàn dặm để thực hiện công việc mà một tên lửa đất đối đất có thể làm được".
Những tiết lộ này được đưa ra sau khi Carlos Del Toro - Bộ trưởng Hải quân Mỹ - cảnh báo rằng, "trước những mối đe dọa ngắn hạn đối với Vương quốc Anh và Mỹ", các khoản đầu tư vào Hải quân Hoàng gia là "quan trọng đáng kể".
Các nghị sĩ cho rằng việc thiếu tên lửa tấn công mặt đất khiến tàu chiến Anh giống "con nhím" - phòng thủ tốt nhưng không đủ khả năng tấn công.
"Không thể đối đầu với các đối thủ nếu chạm trán"
Chuẩn đô đốc Chris Parry, cựu sĩ quan hải quân cấp cao, cảnh báo rằng việc thiếu tên lửa đất đối đất phù hợp đã khiến Hải quân Anh gặp nguy hiểm. Ông nói: "Điều lo lắng thực sự là chúng ta sẽ không thể đối đầu với các đối thủ Trung Quốc và Nga nếu chạm trán".
"Bạn cần phải xem xét hiệu ứng mà bạn muốn đạt được. Hiệu ứng đó sẽ là khi một khinh hạm hoặc tàu khu trục của Anh xuất hiện, người Trung Quốc và người Nga sẽ nói "Ồ, đó là người Anh. Đó chính là ý nghĩa của sự răn đe. Hoặc thay vào đó họ sẽ nói, nó có một khẩu súng ngắn ở phía trước, không có tên lửa đất đối đất..., vậy tại sao chúng ta lại phải lo lắng?". Vấn đề là bạn không thể mang theo dao khi đấu súng, và hiện tại chúng tôi chỉ có dao còn họ có súng", vị Chuẩn đô đốc ví von.
Mark Francois, cựu bộ trưởng lực lượng vũ trang, cho biết: "Việc thiếu tên lửa tấn công mặt đất của đội tàu mặt nước của Hải quân Hoàng gia đã được nhấn mạnh cụ thể trong báo cáo của Ủy ban Quốc phòng khoảng 2 năm trước. Điều tích cực là tên lửa này đã được đặt hàng, nhưng cũng đáng thất vọng là nó vẫn chưa được đưa vào sử dụng".
Ông Francois nói thêm rằng thật "xấu hổ" khi 1 trong 3 tàu quét mìn của Hải quân phải ngừng hoạt động hồi đầu tháng này khi nó va chạm với một tàu quét mìn khác của Anh ở Bahrain. Ông nói: "Năng lực hải quân quan trọng nhất mà chúng tôi cung cấp cho đồng minh Mỹ của mình là 3 tàu chống mìn đồn trú tại Bahrain".
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh cho biết: "Giống tất cả các hoạt động của liên minh, các chỉ huy sẽ chọn thiết bị tốt nhất cho nhiệm vụ. HMS Diamond là tàu khu trục phòng không, đã trực tiếp tham gia tiêu diệt thành công máy bay không người lái của Houthi nhắm vào tàu bè ở Biển Đỏ. Tương tự, Không quân Hoàng gia có khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ với độ chính xác cao, các cuộc tấn công của máy bay tiêm kích Typhoon đã làm giảm khả năng tiến hành các cuộc tấn công tương tự của Houthi".
Một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Anh nói thêm: "Với khả năng của tiêm kích Typhoon, chúng tôi đã chứng tỏ rằng chúng tôi là lực lượng dẫn đầu trong số các đồng minh trong việc bảo vệ Biển Đỏ. Chúng tôi tự hào về những người phục vụ dũng cảm vì tất cả những gì họ đang làm...".