Tập trận Hổ Mang Vàng 2019: Mỹ đảm bảo an ninh với đồng minh
Thông qua cuộc tập trận Hổ mang Vàng 2019, Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò và cam kết an ninh đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bắt đầu từ ngày 12/2, cuộc tập trận thường niên mang tên Hổ mang Vàng (Cobra Gold) đang diễn ra tại Thái Lan với sự góp mặt của 29 quốc gia trong vai trò tham gia tập trận hoặc quan sát. Thông qua cuộc tập trận này, Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò và cam kết an ninh đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Được cho là cuộc tập trận lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với sự tham dự của khoảng 4.500 quân nhân, cùng với Thái Lan và Mỹ, 7 nước khác gồm Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc là các nước tham gia chính trong cuộc tập trận năm nay. Cuộc tập trận Hổ Mang Vàng lần thứ 38 dự kiến kết thúc vào ngày 22/2 tới, bao gồm 3 nội dung diễn tập chính: huấn luyện quân sự, hỗ trợ nhân đạo và huấn luyện cứu trợ thảm họa.
Theo các quan chức Mỹ và Thái Lan, tập trận Hổ Mang Vàng được thiết kể nhằm thúc đẩy an ninh khu vực và đảm bảo phản ứng hiệu quả với các cuộc khủng hoảng khu vực bằng cách tập hợp một lực lượng đa quốc gia mạnh mẽ để giải quyết các mục tiêu chung và các cam kết an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận đổ bộ là một hoạt động quan trọng trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng lần thứ 38. Hơn 1.100 binh lĩnh Mỹ, Thái Lan và Hàn Quốc đã tham gia vào cuộc tập trận đổ bộ này, cùng với đó là chục tàu hải quân, tàu đổ bộ và máy bay chiến đấu F16 và máy bay trực thăng. Các lực lượng đã phối hợp tác chiến tích hợp trên bộ, trên biển và trên không.
Phát biểu sau cuộc tập trận đổ bộ ngày 16/2/2019, tại bãi biển Hat Yao, tỉnh Sattahip, Thái Lan, Thiếu tướng Pete Johnson, Phó Tổng tư lệnh, Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương – Mỹ cho biết: "Điều này thực sự quan trọng đối với tất cả chúng ta. Đây là cuộc tập trận với sự tham dự của các đối tác đến từ khắp nơi trong khu vực. Cuộc tập trận này không chỉ là xây dựng sự sẵn sàng, mà còn là xây dựng mối quan hệ, sự hiểu biết chung để khi khủng hoảng diễn ra, chúng ta đã hiểu rõ về cách chúng ta có thể phối hợp cùng nhau".
Tập trận Hổ Mang Vàng được cho là biểu tượng của hợp tác quân sự giữa Mỹ và đồng minh Thái Lan, thể hiện sự can dự của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Kể từ khi Mỹ hạ cấp quan hệ với Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, số lượng quân nhân Mỹ tham gia vào các cuộc tập trận quân sự Hổ Mang Vàng được duy trì ở mức 3.600 mỗi năm, kể từ năm 2018, Mỹ đã nâng số quân nhân tham gia và đưa trở lại hạng mục diễn tập tấn công đổ bộ.
Theo giới quan sát, mối quan tâm chính của Mỹ ở châu Á là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, căng thẳng tiếp diễn ở Biển Đông, và vấn đề hạt nhân diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, theo Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng 2018, chính quyền Trump đã xác định cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ.
Do đó, Washington nhận thức được vai trò rất quan trọng của việc mở rộng các liên minh và quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương để hình thành một cấu trúc an ninh có khả năng ngăn chặn sự xâm lược và duy trì sự ổn định. Hợp tác quốc phòng chặt chẽ đòi hỏi việc tăng doanh số bán vũ khí cho các nước trong khu vực và tăng cường các cuộc tập trận quân sự, bao gồm cả Hổ Mang Vàng. Làm như vậy, Mỹ tin rằng họ sẽ có thể trấn an các đồng minh và đối tác cũng như chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1982, Hổ Mang Vàng là cuộc tập trận đa phương thường niên lớn nhất châu Á, khởi nguồn từ cuộc tập trận song phương giữa Mỹ và Thái Lan, đồng minh lâu năm nhất của Mỹ tại châu lục này. Hổ Mang Vàng lần thứ 38 được đánh giá có quy mô lớn hơn so với các năm trước đây với nhiều vũ khí, khí tài hiện đại cũng như số lượng binh sỹ tham dự.