1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sự thật về Kim Woo Choong, cựu Chủ tịch tập đoàn Daewoo (kỳ III):

Tập đoàn Deawoo sụp đổ như thế nào?

(Dân trí) - “Lỗi lầm lớn nhất của tôi là quá tham vọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô. Tôi đã thực hiện nó quá vội vã, gấp gáp, muốn có được tất cả sau 5 năm thay vì 15 năm. Tôi đã đầu tư mà không cần biết đến thị trường và chỉ chăm chăm cho mục tiêu duy nhất: bán càng nhiều ô tô càng tốt”, Kim Woo Choong.

Những cột mốc đáng nhớ

 

Khi lập nên Daewoo từ một công ty thương mại dệt may cuối năm 1967, Kim Woo Choong thể hiện mình là một nhà kinh doanh giàu tham vọng nhưng hơi quá mức khi muốn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng thương mại toàn cầu. Kim đã khởi động cho tham vọng bằng việc nhảy vào lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may và đồ trang điểm sang thị trường Mỹ.

 

Mục tiêu của Kim là giành được phần khổng lồ trong chiếc bánh quota bé nhỏ mà Mỹ dành cho Hàn Quốc. Chỉ sau 5 năm, Daewoo đã chiếm tới 1/3 tổng số hạn ngạch mà Mỹ cấp cho Hàn Quốc. Kim Woo Choong trở thành người phân phối quota đầy uy quyền.

 

Đến năm 1976, Kim đã kịp nắm trong tay 11 công ty, từ dệt may, tài chính, máy móc đến mỹ phẩm. Daewoo hay Kim Woo Choong đã nhanh chóng trở thành một hình ảnh tiêu biểu thu nhỏ của nền kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy, vươn mình trở thành một chú hổ châu Á.

 

Đến giữa thập kỷ 80, Hàn Quốc bước vào cuộc khủng hoảng “rớt giá” thê thảm của hầu hết các mặt hàng. Lúc này, giới quan chức Hàn Quốc đề nghị hạ bệ đế chế của Kim Woo Choong, một việc làm dễ dàng như ném bỏ một chiếc bút vì lúc này, xí nghiệp đóng tàu và một số công ty khác của Kim Woo Choong đang bên bờ vực phá sản.

 

 

Tập đoàn Deawoo sụp đổ như thế nào? - 1
 

Ông Kim đang thư giãn ở Việt Nam trong

khi Interpol đang truy tìm.

Tuy nhiên, nhờ biết trước, Kim đã ra nước ngoài trốn tránh, không để đặc phái viên của chính phủ triệu hồi về nước. Khi tình hình lắng dịu, Kim trở về,  cam kết sẽ sớm bàn giao lại cho các nhà quản lý tài giỏi hơn. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi trở lại, tham vọng bành trướng của Kim lại trỗi dậy.

 

Được khuyến khích, ông bước vào thị trường ôtô. Daewoo đã tham gia vào một cuộc phiêu lưu với General Motors (GM) và “trêu tức” tập đoàn này khi bày ra các dự án rồi lại huỷ bỏ nó. Say sưa với tham vọng bành trướng, làm bá chủ thế giới, Kim Woo Choong đã cắt đứt mối liên hệ với chính phủ và cũng quên luôn lời hứa dịch chuyển đầu tư và từ nhiệm.

 

Bước vào những năm cuối của thập kỷ 90, Daewoo đứng trước sức ép một là cải tổ hai là chết. Một cựu giám đốc ngân hàng Seoul đã từng là đối tác của tập đoàn này cho biết: “Tại tập đoàn Samsung, ý kiến tập thể luôn được đánh giá cao nhất và đứng thứ 2 là không ngừng đổi mới. Còn ở Daewoo, ban lãnh đạo chưa bao giờ tổ chức thảo luận chúng ta sẽ đổi mới như thế nào. Tất cả đều do ông Kim quyết định”.

 

Tài sản của Daewoo - Ai mua mà bán?

 

Trước sức ép tái cơ cấu lại tập đoàn, tháng 4 năm 1998, Kim quyết định sẽ bán đi một cơ số tài sản trị giá 7,5 tỉ USD (bao gồm cả Xí nghiệp đóng tàu mà ông rất trân trọng) để tập trung nhiều hơn nữa cho việc kinh doanh ôtô và tài chính. Nhưng vấn đề của Daewoo là “không ai thực sự muốn mua những gì họ muốn bán, thậm chí chẳng ai thèm hỏi giá”, Lee Namuh, giám đốc một chi nhánh của Samsung nói.

 

Daewoo muốn bán Xí nghiệp đóng tàu cho một công ty Nhật Bản với giá khoảng 4 tỉ USD. Tuy nhiên, công ty này lại đang có kế hoạch cắt giảm vì nó “ngốn” quá nhiều vốn. Daewoo giao bán 2 khách sạn Hilton: một Hilton tọa lạc ở trung tâm Seoul với giá 250 triệu USD và một Hilton ở Kyongju với giá gần 180 triệu USD. Một lần nữa, chẳng có ông trùm hay nhà đầu tư nào tỏ ý quan tâm. Vấn đề ở đây chính là giá cả không đi cùng giá trị thực: một cái giá “trên trời”.

 

 “Daewoo chưa bao giờ có thương hiệu của mình. Họ chưa bao giờ là đầu tầu trong bất cứ lĩnh vực nào. Họ cũng không đầu tư nhiều cho các nghiên cứu mang tính phát triển. Hyundai có lẽ còn nợ nần kinh khủng hơn Daewoo nhưng họ có thực lực, có thương hiệu và đầu tư khá chu đáo để có được công nghệ tối ưu. Anh không thể bán khi ra một cái giá thiếu thực tế như vậy”, ông Hunsaker nói.

 

 

Tập đoàn Deawoo sụp đổ như thế nào? - 2
 

Người đàn ông đầy quyền lực giờ lọt thỏm

trong vòng vây của báo giới và cảnh sát.

Khi việc tìm kiếm người mua những tài sản khổng lồ đó trở thành “mò kim đáy bể”, Daewoo chuyển hướng sang đề nghị hợp tác, chia sẻ lợi nhuận với các đối tác. Kim Woo Choong đã đề nghị Samsung mua lại nhà máy sản xuất hàng điện tử nhưng Samsung đã từ chối khéo rằng họ chưa có ý định mở rộng. “Lý do duy nhất mà Samsung muốn mua Xí nghiệp điện tử Daewoo chỉ là để xoá bỏ nó hoàn toàn”, một chủ ngân hàng ở Seoul nói.

 

Canh bạc cuối cùng

 

Một khi không thể khẳng định sức mạnh của mình bằng việc bán hay nhượng lại các tài sản thì hiển nhiên là Daewoo đang mấp mé bên bờ vực của một cuộc khủng hoàng tài chính. Để lấp liếm, ông Kim tuyên bố, Daewoo đã có được 10 tỉ USD sau khi tung cổ phiếu ra thị trường Hàn Quốc (chiếm 80% tổng giá trị cổ phiếu giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc).

 

Sự khuyếch đại có chủ ý và sự hối thúc của Chính phủ đã khiến các ngân hàng Hàn Quốc phải mở hầu bao, cho tập đoàn này vay thêm hơn 20 triệu won. Kết quả là các ngân hàng trong nước đã “sống dở chết dở” khi Daewoo buộc phải tuyên bố phá sản.

 

Các ngân hàng Hàn Quốc lại “nhắm mắt đưa chân” trong khi các nhà đầu tư nước ngoài thì gần như đứng ngoài cuộc. Trên thực tế, có những chaebol Hàn Quốc (Tổng công ty Nhà nước) được các nhà đầu tư nước ngoài săn đón và đầu tư số tiền chiếm tới hơn 50% số vốn hiện có hoặc hơn thế thì Daewoo chỉ nhận được chưa đến 5% các khoản đầu tư cho tất cả các lĩnh vực đang triển khai.

 

Sự thật hé mở

 

Kim Woo Choong khẳng định rằng tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung và một số thế lực khác đã đề nghị ông che giấu các khoản nợ nhằm hoàn thành công cuộc tái cơ cấu năm 1999 với lời hứa rằng ông sẽ không phải đối mặt với bất cứ tòa án nào. Nếu có vấn đề gì, ông vẫn sẽ tiếp tục quay trở lại và tiếp tục điều hành tập đoàn ôtô Daewoo. "Tổng thống nói với tôi qua điện thoại chính xác như vậy trước khi mọi chuyện kết thúc chỉ một thời gian ngắn sau đó”, ông Kim trả lời phỏng vấn trên tạp chí Fortune.

 

Ông Kim lại bồi thêm một bất ngờ nữa khi tuyên bố trên Fortune rằng sự ra đi “không kèn không trống” của ông năm 1999 là do Chính phủ, cụ thể là tổng thống đương nhiệm Kim Dae Jung bật đèn xanh. Tổng thống đã khuyên ông Kim rằng: “Hãy rời khỏi Hàn Quốc và nằm im cho đến khi bầu không khí chính trị nóng bỏng xung quanh vụ sụp đổ của Daewoo lắng dịu”.

 

Tất cả đều tin rằng: “Không một quốc gia nào cho phép một doanh nghiệp lớn như Daewoo phá sản. Sự sụp đổ của một chaebol lớn như Daewoo sẽ tạo nên những dư luận không tốt về tiềm lực tài chính quốc gia. Củng cố thêm niềm tin này  là thông báo từ Bộ trưởng Bộ công nghiệp Kang: “Chủ tịch Kim hứa sẽ nỗ lực gấp hai lần để cắt giảm các khoản nợ của Daewoo ở mức có thể chấp nhận: từ 527% hiện tại xuống 200% vào cuối năm 1999, theo yêu cầu của chính phủ”.

 

Sự hỗ trợ hào phóng của Chính phủ với mong muốn vực dậy ngành công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới này đã giúp ông Kim có được các khoản vay ưu đãi “vô tội vạ” và chẳng hề chú ý tới tính hiệu quả. Một chiến lược mang tính phá hoại nhiều hơn là xây dựng đã được Chính phủ vun đắp trong suốt hơn 30 năm liên tục.

 

Kỳ cuối: Daewoo và những hệ luỵ

 

Tấn Long

Dòng sự kiện: Kim Woo Choong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm