1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kỳ cuối: Sau sự sụp đổ của tập đoàn Deawoo

Kim Woo Choong và những hệ lụy

(Dân trí) - Rất lâu trước khi Enron và WorldCom (*) trở thành một cái tên quen thuộc thì đã có tập đoàn Daewoo. Chính vì thế, sự sụp đổ của nó không chỉ tác động sâu sắc tới cuộc sống của nhiều người lao động Hàn Quốc và gây chấn động thế giới mà còn là bài học đắt giá đối với nhiều quốc gia châu Á đang trong giai đoạn phát triển kinh tế.

Những “hậu duệ” của Kim Woo Choong

 

Sự bành trướng vượt ra khỏi đất nước Hàn Quốc của ngành công nghiệp ô tô Daewoo có thể được xem là cái “bong bóng” lớn nhất trong chiến lược “doanh thu từ những khoản nợ khổng lồ” để xây dựng đế chế của Kim Woo Choong. Daewoo chỉ là mở màn cho những “quả bóng” ở các quốc gia châu Á khác vỡ theo. Gần gũi và điển hình hơn cả là Trung Quốc.

 

Ở thời điểm những năm cuối 80 - đầu 90, rất nhiều doanh nghiệp “lớn” với thị trường nội địa nhưng “non” với thương trường thế giới cũng tỏ ra hăng hái, sốt sắng như Kim Woo Choong trong cuộc chạy đua vươn tới ngôi vị bá chủ thế giới nhưng rồi kết thúc cuộc đời và danh tiếng trong sự tán gia bại sản, thậm chí tù tội.

 

Báo chí Trung Quốc đưa tin về nhân vật Zhou Zhengyl, một triệu phú tại Thượng Hải, đang bị điều tra, tình nghi về việc làm sai nguyên tắc tài chính. Điều này nhắc tới một số triệu phú khác như: Mou Qizhong, Liu Xiaoging và Yang Biu thuộc tầng lớp giàu có nhất tại Trung quốc cũng có kết cục tương tự. Tất cả đều dựa vào những mối quan hệ chính trị, đi lên từ 2 bàn tay trắng với những tham vọng ngất trời: Zhengyl khởi thủy từ một hẻm cụt kinh doanh một tiệm ăn; Yang Bin, một "doanh nghiệp nông dân", không một xu dính túi; Mou Qizhong, thường huênh hoang là "cơn gió thổi vào Trung Quốc từ Ấn Độ Dương", thực tế trước thập niên 1990 chẳng có gì... nhưng chỉ sau vài năm, với sự hậu thuẫn của những mối quan hệ “cấp cao”, họ đã nhanh chóng trở thành những triệu phú với tham vọng bành trướng thế giới. Mà cụ thể nhất là trường hợp của triệu phú Yang Bin, một nhà kinh doanh hoa tươi Trung Quốc, người đã có tham vọng làm chủ những đồn điền rộng lớn nhất thế giới nhưng thiếu trình độ quản lý và chiến lược thực hiện nên đã đưa ông tới sự phá sản.

 

Trong những vụ việc tương tự, nhà sáng lập ngành công nghiệp hóa dầu Thái Lan Prachai Leophairatana đã trở thành con nợ lớn nhất của chính phủ Thái Lan sau cuộc khủng hoảng kinh tế khi được vay tới 2,7 tỉ USD để thực hiện cải tổ. Hoặc như một nhà kinh doanh Indonesia, dựa vào mối quan hệ thân tín với tổng thống Suharto đã biển thủ hàng tỉ đô la cho những dự án trên trời rồi chạy trốn ra nước ngoài. Có thể nói một cách ngắn gọn rằng, sự sụp đổ của những tập đoàn hùng mạnh ở châu Á phản ánh chính xác mặt trái của quá trình toàn cầu hóa. Đó là sự trỗi dậy quá nhanh và quá mạnh của các công ty nhỏ thành những tập đoàn lớn đã thôi thúc những con người hăng hái với những ý tưởng vĩ đại nhưng lại non kém về trình độ quản lý cố “vươn cao bay xa” hơn nữa.

 

Cơn bão dư luận

 

Quay trở lại Hàn Quốc sau ngày Kim Woo Choong chạy trốn. Ngày 15/2/2001, đại diện Tập đoàn Daewoo tuyên bố: Daewoo bắt đầu kế hoạch cắt giảm 1.700 công nhân (giảm 40% số công nhân của Tập đoàn Daewoo). Daewoo phải làm như vậy vì sức ép lớn của các nhà đầu tư, các chủ ngân hàng cũng như của hãng xe hơi Mỹ. Khi kế hoạch này được công bố, Công đoàn Daewoo đã tiến hành bãi công, biểu tình, thậm chí có những hành động phản kháng “không thể tưởng tượng” như dựng hàng rào, sử dụng bom xăng, đạp phá đường phố... để chống đối lại cảnh sát. Họ hô vang khẩu hiệu “Đả đảo chính phủ của tổng thống Kim Dae-Jung, những kẻ muốn hất chúng tôi ra đường”.

 

Trong khi đó Hwang Yee-Min, Yoo Man-Hyoung và Park Jum Kyu, 3 nhà hoạt động xã hội của Liên đoàn Hàn Quốc cầm đầu đoàn biểu tình với khẩu hiệu “Sang châu Âu lùng bắt ông Kim” vì cho rằng chính phủ đã không làm gì để bắt ông Kim về chịu tội. Những ngày sóng gió đó đã tạm ngủ yên nay lại có dịp bùng phát khi Kim Woo Choong quyết định trở về nước. Đón chào ông là những đám đông phẫn nộ, hô vang khẩu hiệu: “Truy tố Kim Woo-Choong! Không được ân xá! Hãy tổ chức điều tra cấp quốc hội!”. Sở dĩ sự phẫn nộ không hề nguôi ngoai chính là vì lời phát biểu phủ nhận mọi việc làm của mình trên tạp chí Fortune cách đây gần 3 năm.

 

Về nước, ông Kim ngay lập tức phải đối mặt với bản cáo trạng nghi ngờ ông chuyển 25.000 tỉ won sang tài khoản các ngân hàng ở nước ngoài thông qua công ty tài chính bí mật của Daewoo là Trung tâm tài chính Anh (BFC).  Theo số liệu của tòa án, ông Kim còn dùng 10 tỉ won từ số tiền trên để mua một trang trại ở nước ngoài và tặng trường đại học ở Mỹ, nơi con trai ông đang học, 2,5 triệu USD. Các nhà chức trách cho biết họ có trong tay khá đầy đủ bằng chứng kết tội Kim Woo Choong có dính líu tới khoản tiền 20 tỉ USD tiền lừa đảo.

 

Một quan chức giấu tên cho biết cuộc điều tra chỉ sẽ tập trung vào những hành động sai trái của ông Kim vì những tội danh khác như làm giả sổ sách kế toán của Daewoo. Một công tố cấp cao cho biết: “Vòng luận tội đầu tiên kể từ ngày 16/4 đã tập trung vào những hành vi liên quan đến sổ sách, vay mượn, và những khoản tiền bị tuồn ra nước ngoài. “Còn trong vòng thứ 2 (bắt đầu từ 5/7), các nhà điều tra sẽ đào sâu những bí mật chung quanh vụ đào tẩu ra nước ngoài của ông Kim, về tài sản có khả năng bị cất giấu, việc hối lộ các chính trị gia, và bối cảnh sụp đổ Tập đoàn Daewoo”. Công tố viên này cũng dự đoán rằng giai đoạn điều tra thứ hai có thể kéo dài trong khoảng 1 tháng. Và không biết sẽ còn bao nhiêu vòng luận tội nữa nhưng theo dự đoán của giới phân tích thì chắc chắn ông Kim sẽ phải chịu mức án thấp nhất là 5 năm tù và tối đa là chung thân.

 

Nhiều bài báo ca ngợi  rằng: sự phát triển của tập đoàn Daewoo có thể được coi là một lịch sử thu nhỏ của đất nước Hàn Quốc; Daewoo đã trỗi dậy mạnh mẽ từ 2 bàn tay trắng; Kim bắt đầu sự nghiệp với 5 triệu won vay mượn... Nhưng rõ ràng “công cao tội dày”, chính phủ Hàn Quốc không thể ân xá cho ông Kim vì trên thực tế sự ra đi dễ dàng của ông Kim trước đây đã gây ra những tiêu cực trong nhận thức của người dân Hàn Quốc. Mặc khác, các nhà đầu tư sẽ đặt dấu hỏi về về cam kết của Hàn Quốc trong việc lành mạnh hóa nền kinh tế nếu ông Kim không bị xét xử.

 

Tuấn Long (theo Asia week, Korean Daily)

 

(*) Hai tập đoàn lớn của Mỹ đã phá sản

Dòng sự kiện: Kim Woo Choong