1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự thật về Kim Woo-choong, cựu Chủ tịch tập đoàn Daewoo (kỳ I)

Daewoo: “Cái chết” đã được báo trước

(Dân trí) - Một ngày sau khi cựu Chủ tịch tập đoàn Daewoo Kim Woo-choong trở về Hàn Quốc "chịu trận" về sự thất bại của tập đoàn Daewoo hồi năm 1999, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính nước này khẳng định: Tập đoàn Daewoo sụp đổ là điều không thể tránh khỏi!

Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính, khi lâm vào khủng hoảng, thay vì thực hiển cải tổ thì Kim Woo-choong lại ngập sâu vào nợ nần chồng chất.

“Khả năng sinh lời của tập đoàn theo đó càng sụt giảm rõ rệt, cùng chiều hướng ngày càng đi xuống của thâm hụt tài chính, được phản ánh qua tỷ suất vay nợ lên đến 588,2% vào cuối tháng 6 năm 1999” – trích lời Bộ trưởng Bộ Kinh tế Hàn Quốc.

Để cứu vãn tình thế, chính phủ Hàn Quốc lúc đó đã đưa ra khuyến cáo rằng Daewoo nên tập trung vào cải tổ, bao gồm việc đóng cửa những chi nhánh làm ăn kém hiệu quả.

Mặc dù năm 1999, Daewoo công bố kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn nhưng sau đó đã không thực hiện nổi vì khả năng thanh khoản yếu kém, do hệ thống tài chính ngân hàng từ chối cấp thêm tín dụng.

 

Daewoo: “Cái chết” đã được báo trước - 1
 

Kim Woo-choong đi giám sát một

công trình nhà máy đóng tàu.

Nợ nần chồng chất khiến Daewoo, tập đoàn hùng mạnh vốn 1 thời đứng thứ hai trong cường quốc công nghiệp Hàn Quốc, sụp đổ hoàn toàn vào tháng 7 năm 1999, với tổng số nợ lên tới 80 tỷ USD và nhanh chóng được đưa vào chương trình tái cơ cấu và giải quyết vấn đề nợ do chính phủ trực tiếp chỉ đạo.

Vị chủ tịch tập đoàn đương nhiệm lúc đó, ông Kim Woo-choong không chậm trễ cũng “cao chạy xa bay”.

Sự trở về của ông sau sáu năm lưu vong ở ngoại quốc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi xung quanh việc: liệu vị cựu chủ tịch 69 tuổi này nên bị “trừng trị” thích đáng do những thiệt hại đã gây ra với những người liên quan tập đoàn Daewoo nói chung, nền kinh tế Hàn Quốc nói riêng, hay nên cho ông hưởng đặc ân vì những thành tích ông đã cống hiến cho nước nhà, và một phần vì lý do sức khỏe?

Những người ủng hộ phương án “trừng phạt đích đáng” nhấn mạnh rằng: Chính phủ sẽ không thể thu hồi lại quá nửa số tiền ngân sách thu từ thuế dùng để bảo lãnh cho tập đoàn.

Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Kinh tế Hàn Quốc cho hay, đến cuối tháng 4 năm 2005 Chính phủ đã thu hồi được gần 12,7 triệu won từ các khoản nợ xấu của Daewoo – hiện nay những “tàn dư” của tập đoàn này đang nằm dưới sự quản lý của Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc. 

Trên thực tế, số tiền Chính phủ bỏ ra để cứu vãn tập đoàn này là hơn 30 triệu won. Tiền thu hồi chủ yếu từ các nguồn như nợ xấu, tiền bán những chi nhánh còn lại của tập đoàn như Công ty Thiết kế & Xây dựng Daewoo, Công ty Đóng tàu và các công trình hàng hải Daewoo, Công ty tài chính Daewoo...

Còn phía các chủ nợ thì cho biết: 6 năm trước họ buộc phải đẩy Daewoo vào tình trạng điêu đứng là do những áp lực từ thị trường. Vào thời điểm Daewoo sụp đổ, những ngân hàng cấp tín dụng lớn nhất của nó như Ngân hàng Hàn Quốc, Ngân hàng phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng hối đoái Hàn Quốc đang cho tập đoàn này vay hơn 20 triệu won.

“Lúc đó, chúng tôi đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp cho Daewoo nhưng chỉ có phá sản là sự lựa chọn duy nhất. Chúng tôi không thể đi ngược lại các nguyên tắc của thị trường”.

Kỳ 2: Kim Woo-choong - ông là ai?

Nguyên Minh (theo Korean Herald)

Dòng sự kiện: Kim Woo Choong