1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tăng sức mạnh quân sự, cách Mỹ giữ vai trò ở châu Á-Thái Bình Dương

Sau khi ông D.Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, chính sách an ninh - quốc phòng của Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TBD) được dự báo có nhiều thay đổi.

Châu Á-TBD vẫn là khu vực tối quan trọng đối với Mỹ, vì vậy Mỹ sẽ tăng chi tiêu quốc phòng để duy trì sức mạnh quân sự; linh hoạt hơn với đồng minh; cứng rắn với đối thủ... mục đích giữ chắc vị thế lãnh đạo ở khu vực châu Á-TBD bằng chiến thuật khôn ngoan hơn.

Kết hợp gần với xa, tĩnh với động, chiến lược với chiến thuật

Cùng với trọng điểm chiến lược quân sự của Mỹ trên thế giới chuyển dịch sang châu Á-TBD cũng như việc Mỹ đưa ra và đẩy mạnh chiến lược tái cân bằng châu Á-TBD, các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực này thu hút sự chú ý của mọi người hơn bao giờ hết.

Theo chính sách mà Donald Trump từng tuyên bố, ông rất có thể cắt giảm viện trợ cho các nước đồng minh, trong đó có cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan... song một số tiết lộ mới đây cho thấy, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác theo hướng tự chủ hơn giành cho các nước, quan hệ đồng minh sẽ thiên về hướng hợp tác cùng có lợi.

Qua phân tích các số liệu công khai cho thấy, năm 2013 về tổng thể Mỹ cắt giảm chi tiêu, nhưng riêng châu Á-TBD vẫn không ngừng được tăng cường, không chịu tác động của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng. Khi đề xuất ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á-TBD, đầu tư nhằm vào các quốc gia mới nổi để duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở khu vực này.

Trong đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm 2017 của Mỹ yêu cầu ngân sách cho các hành động khẩn cấp ở nước ngoài tăng khoảng 5 tỷ USD so với năm tài khóa 2016, đồng thời tập trung tăng cường năng lực phòng vệ trên biển với các nước đồng minh. Bản đệ trình ngân sách này còn lấy mối đe dọa Iran và Triều Tiên như là cái cớ để gấp rút triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Á-TBD.

Một khu căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản. Ảnh: Al Jazeera.
Một khu căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản. Ảnh: Al Jazeera.

Các biện pháp cụ thể rõ ràng được đề xuất trong bản ngân sách này bao gồm: Triển khai nhiều hơn nữa máy bay chiến đấu F-35 và tàu khu trục Aegis ở Nhật Bản, triển khai luân phiên máy bay trinh sát và săn ngầm P-8 Poseidon ở Singapore, thực hiện luân phiên quân đội Mỹ ở miền Bắc Australia, đưa lính thủy đánh bộ đến căn cứ ở Guam, tăng cường triển khai luân phiên ở Philippines.

Ngoài ra, Mỹ còn tăng cường mở rộng căn cứ quân sự ở châu Á-TBD. Căn cứ quân sự của Mỹ trải khắp 5 châu lục, 4 đại dương ngoại trừ châu Nam Cực, phủ khắp hơn 50 quốc gia trên thế giới, với tổng số 587 căn cứ quân sự. Trong số này, khu vực châu Á-TBD và Ấn Độ Dương có giá trị chiến lược hết sức quan trọng đối với Mỹ khi Mỹ có tổng cộng 7 nhóm căn cứ quân sự ở khu vực, chiếm gần 50% tổng số căn cứ ở nước ngoài. Trong đó, tại Nhật Bản có 122 căn cứ và ở Hàn Quốc là 83 căn cứ.

Các căn cứ quân sự thường trực của Mỹ ở châu Á-TBD chia thành 5 nhóm khu vực có quy mô tương đối lớn: Nhóm căn cứ Đông Bắc Á gồm các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc hợp thành; nhóm căn cứ Tây Nam Thái Bình Dương lấy Guam làm trung tâm; nhóm căn cứ Đông Nam Á, Australia lấy Philippines và Singapore làm trung tâm; nhóm căn cứ Hawaii lấy Hawaii làm trung tâm; nhóm căn cứ Alaska. Trong đó, quân đội Mỹ đang tăng cường triển khai quân sự ở Okinawa và Guam, tìm cách biến nó thành đầu mối chiến lược cho sự hiện diện quân sự liên hợp của Mỹ ở châu Á-TBD.

Tuy quân đội Mỹ không thiết lập căn cứ vĩnh viễn ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, nhưng đã thông qua các phương thức như đồn trú luân phiên, chuyến thăm của tàu chiến và tập trận chung... để triển khai lực lượng quân sự. Trong đó, quân đội Mỹ hiện diện tại căn cứ hải quân Changi của Singapore, trách nhiệm chủ yếu của căn cứ này là tiếp viện và bảo vệ cho Hạm đội 7.

Những năm gần đây, Mỹ và Philippines đã đạt được nhận thức chung về việc quân đội Mỹ sử dụng nhiều căn cứ quân sự của Philippines, căn cứ hải quân Kota Kinabalu của Malaysia... Ngoài ra, Mỹ còn lên kế hoạch đưa hải quân Australia tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD).

Theo phân tích của các chuyên gia quân sự, mục đích việc xây dựng hệ thống căn cứ quân sự châu Á-TBD chính là kết hợp giữa gần với xa, trạng thái tĩnh với trạng thái động và chiến lược với chiến thuật.

Tăng cường vũ khí và lực lượng quân sự

Theo số liệu thống kê công khai, tính đến năm 2015, Mỹ đã bố trí 368.000 quân ở khu vực châu Á-TBD, chiếm hơn 50% trong tổng số lực lượng quân sự của Mỹ ở nước ngoài, những lực lượng này về cơ bản đều thuộc Bộ Tư lệnh TBD. Ở Tây TBD, số lính của Mỹ vào khoảng 153.000 người, chủ yếu bố trí ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam, Hawaii và Alaska.

Dưới sự chỉ đạo của chiến lược tái cân bằng châu Á-TBD, quân đội Mỹ đang từng bước triển khai tàu chiến mặt nước tiên tiến nhất của nước này đến khu vực châu Á-TBD, chủ yếu bao gồm tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan (CVN-76) được bố trí năm 2015, tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) được bố trí trước năm 2020...

Trong vài năm tới, quân đội Mỹ sẽ mua 395 máy bay chiến đấu F-35, phần lớn trong đó sẽ được bố trí ở khu vực châu Á-TBD. Trước đó, Tổng thống đắc cử D. Trump và cố vấn an ninh của ông từng cho biết sẽ nâng số tàu hải quân của Mỹ từ 274 chiếc hiện nay lên 350 chiếc. Nhiều chuyên gia cho rằng, rất có thể thời gian tới Mỹ sẽ tăng thêm tàu chiến mặt nước, do đó có thể Mỹ sẽ bố trí nhiều tàu chiến hơn đến khu vực châu Á-TBD.

Ngoài ra, Mỹ còn đẩy mạnh sự đầu tư đối với năng lực tác chiến quan trọng, thiết lập kênh thu thập tin tức tình báo, giám sát và trinh sát có thể vận hành liên tục và hoạt động ở khoảng cách xa hơn. Hệ thống tình báo tiên tiến của Mỹ được cho là để bảo đảm an toàn cho hàng trăm nghìn binh sĩ đóng quân trải rộng khắp khu vực, đồng thời đây cũng là cách để Mỹ tăng cường chia sẻ với các nước đồng minh, giám sát các “đối thủ” từ xa.

Trước mắt, để tăng cường chiến lược tái cân bằng châu Á-TBD, hải quân và không quân Mỹ đang tăng tốc phát triển khả năng tấn công tầm xa mạnh mẽ hơn, đó là năng lực tình báo, giám sát, trinh sát và tấn công chính xác tầm xa. Hải quân Mỹ dốc toàn lực tăng cường năng lực tấn công tầm xa của tàu ngầm tấn công lớp Virginia, dùng máy bay tác chiến không người lái để tăng thêm phạm vi thực hiện tình báo, giám sát, trinh sát và khả năng tấn công của tàu sân bay.

Các căn cứ quân sự ở châu Á-TBD là chỗ dựa quan trọng để Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-TBD. Vì vậy, hải quân Mỹ đang không ngừng củng cố căn cứ không quân, hải quân ở Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam. Đối với bất kỳ tổng thống kế nhiệm nào, làm suy yếu sức mạnh quân sự của Mỹ đều là điều không thể chấp nhận.

"Chính sách mới khôn ngoan"

Tạp chí Chính sách đối ngoại vừa đăng bài viết của ông Michael Green, chuyên gia về các vấn đề châu Á, với nhận định rằng ông D.Trump ít bị ảnh hưởng từ quá khứ và từ những điều kiêng kỵ trong việc định hình chính sách đối ngoại so với những người tiền nhiệm trong hai thế hệ qua. Ông Trump có ý định điều hành chính sách đối ngoại của Mỹ theo cách hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm. Một số quan điểm về Iran, Triều Tiên, Nga hay với Trung Quốc khi ông D.Trump phát biểu đã cho thấy rõ điều này.

Michael Green nhận xét, D.Trump có thể xem xét lại chính sách "xoay trục sang châu Á" và đánh giá về sự hiện diện, cam kết của Mỹ đối với châu Á, khả năng cao là ông D.Trump có thể từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song với những gì đang diễn ra, khi mà lợi ích của Mỹ còn gắn chặt với châu Á-TBD thì Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á-TBD.

Tổng thống Mỹ đắc cử D.Trump từng nói với tờ Diplomat về chính sách châu Á của ông: “Tôi sẽ nói những gì mà tôi đã nói với các nhà ngoại giao: Chúng tôi rất nghiêm túc về những gì chúng tôi đã nói và cũng rất linh hoạt về những việc mà chúng tôi làm”.

Tờ Diplomat đánh giá, chính sách đối ngoại của ông Trump nếu được thực hiện sẽ khác rất nhiều so với chính sách của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Việc ông Trump đưa ra khẩu hiệu “nước Mỹ là trước tiên” cho thấy xu thế đánh giá về vị trí của Mỹ trên thế giới hiện nay, hiểu theo nghĩa hẹp là lợi ích của Mỹ và cách Mỹ quan hệ với cộng đồng quốc tế.

Điều này khác xa với những gì chúng ta thường nghe từ các ứng cử viên Tổng thống Mỹ truyền thống - những người hiếm khi đặt câu hỏi về chủ nghĩa biệt lập và vai trò không thể thiếu của Mỹ đối với thế giới, với các đồng minh và các thỏa thuận thương mại được hình thành từ những cam kết của Mỹ với trật tự thế giới.

Một số khu vực có căn cứ Mỹ đóng ở châu Á. Ảnh: BBC.
Một số khu vực có căn cứ Mỹ đóng ở châu Á. Ảnh: BBC.

Tổng thống đắc cử Trump cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh là lãng phí, không có đường hướng, không đáng tin cậy và không hiệu quả. Do đó, ông Trump khẳng định sẽ tập trung hơn vào việc tái xây dựng quân đội và nền kinh tế Mỹ, ngăn chặn sự mở rộng của Hồi giáo cực đoan theo mô hình mà ông cho là "chính sách đối ngoại mới khôn ngoan của Mỹ".

Chính sách “Xoay trục” mang “thương hiệu” D.Trump?

Các chuyên gia dự báo, trái ngược với việc rút khỏi châu Á, dưới thời ông Trump, các mối liên minh sẽ được tăng cường và củng cố. Chính quyền của ông thậm chí còn có thể hỗ trợ an ninh-quốc phòng chặt chẽ hơn, dựa trên giả định rằng các nước đồng minh này sẽ làm lợi nhiều hơn cho an ninh-quốc phòng của chính nước Mỹ khi sẽ giúp ngăn chặn được sự mất cân bằng quyền lực gây mất ổn định ở khu vực châu Á-TBD.

Sự hỗ trợ như vậy cũng sẽ rất hợp với ưu tiên hàng đầu của ông Trump là ngăn chặn sự suy giảm quyền lực của Mỹ thông qua việc đổi mới trong nước một cách toàn diện, trong đó có việc kiềm chế sự thâm hụt ngân sách đang gia tăng của Mỹ. Nhìn một cách tổng thể, hiện nay không có cường quốc đơn lẻ nào có thể tồn tại theo cách biệt lập, thậm chí là cả Mỹ. Chính vì vậy, Mỹ luôn theo đuổi chiến lược tái cân bằng châu Á-TBD.

Đối với Mỹ, bất kỳ nước nào giành được vị trí lãnh đạo khu vực đều là cơn “ác mộng” không thể chấp nhận được. Vì vậy, ngăn chặn sự xuất hiện của một nước nào đó có vai trò lãnh đạo ở khu vực Đông Á, thậm chí cả khu vực châu Á-TBD là nền tảng cơ sở trong chính sách của Mỹ đối với châu Á-TBD.

Như vậy có thể dễ dàng hiểu được chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump sẽ không từ bỏ vai trò lãnh đạo ở châu Á-TBD. Chỉ có điều chiến lược tiếp nối này có thể sẽ được gọi bằng tên gọi này hay tên gọi khác mà thôi. Walid Phares, cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch của Trump, đã nói rằng ông Trump sẽ thiên về sức mạnh quân sự và cứng rắn trong hành động.

Quan điểm này được chính ông Trump đưa ra ngày 7/9/2016, trong bài phát biểu về chính sách quốc phòng, Trump bày tỏ nếu trúng cử tổng thống, sẽ dỡ bỏ sự hạn chế đối với ngân sách quốc phòng trong cơ chế “tự động cắt giảm bội chi ngân sách”, tăng mạnh ngân sách quốc phòng, tăng thêm lực lượng quân sự và trang bị vũ khí cho các quân chủng.

Theo ý tưởng của ông, lục quân Mỹ sẽ tăng từ 475.000 người hiện nay lên 540.000 người, lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ mở rộng đến 36 tiểu đoàn, không quân đảm bảo sở hữu ít nhất 1.200 máy bay chiến đấu, số lượng tàu chiến của hải quân tăng từ 274 hiện nay lên 350 chiếc.

D. Sean, chuyên gia phân tích chính trị châu Á nhận định, ông Trump vẫn có thể duy trì sự “xoay trục” của Mỹ, nhưng theo cách riêng của chính quyền mới. Bởi, nước Mỹ luôn phải duy trì là cái neo an ninh chính ở châu Á-TBD đối mặt rất nhiều thách thức có tác động trực tiếp tới nước Mỹ. Trong khi nhiều thế lực và tham vọng hiện diện trong khu vực châu Á-TBD đang nổi lên và đe dọa trực tiếp lợi ích của nước Mỹ, thật khó để ông Trump có thể cắt giảm những hoạt động triển khai quân sự và các tài sản của Mỹ tại khu vực này.

Nhiều khả năng ông Trump sẽ giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình để đầu tư nguồn lực lớn hơn cho quân đội, nhằm giữ gìn hình ảnh “cứng rắn” của mình, có thể cho phép hải quân và không quân Mỹ bắt đầu các chiến dịch trinh sát và tự do hàng hải nhiều hơn ở các vùng biển tại khu vực châu Á-TBD, tạo ra sức nặng với chiến lược trong chính sách xoay trục sang châu Á của mình trong một phiên bản mới với điều chỉnh mang “thương hiệu” riêng.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới