1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tấn công khủng bố tại Bangladesh: Sự thay đổi chiến thuật của IS

Sau hàng loạt các vụ tấn công tại châu Âu, vụ tấn công của IS tại Bangladesh đánh dấu sự mở rộng ảnh của tổ chức này sang khu vực Nam Á.

Sau hàng loạt các thông tin thất thủ tại Iraq và Syria gần đây, nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS lại tiếp tục làm chấn động truyền thông quốc tế bằng một vụ tấn công vào quán cà phê tại thủ đô Dhaka của Bangladesh vào hôm 1/7 vừa qua, sát hại ít nhất 20 người, trong đó chủ yếu là người nước ngoài.

Vệ binh Bangladesh tập trung gần quán cà phê Gulshan, Tp. Dhaka đang bị các tay súng chiếm giữ. - Ảnh: Reuters.
Vệ binh Bangladesh tập trung gần quán cà phê Gulshan, Tp. Dhaka đang bị các tay súng chiếm giữ. - Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina ngày 2/7 tuyên bố quốc tang 2 ngày, bắt đầu từ hôm nay (4/7), để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Hasina cho rằng, Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình và không nên làm ảnh hưởng tới tôn giáo này bằng những hành động gây thù hận, sát hại người dân vô tội.

Thủ tướng Hasina cũng khẳng định, Bangladesh kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức: “Những kẻ khủng bố này không có tôn giáo. Thay vì đi cầu nguyện họ lại ra tay sát hại người dân vô tội. Chúng phá hủy hòa bình của người dân Bangladesh và chúng ta sẽ không cho phép chúng tồn tại tại Bangladesh. Quân đội Bangladesh đã rất cố gắng trong chiến dịch này và tiêu diệt những kẻ khủng bố. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của họ”.

Các nước hiện đang nhanh chóng xác nhận những công dân thiệt mạng trong vụ tấn công tại Bangladesh. Italy thông báo 9 công dân nước này thiệt mạng, trong khi chính phủ Nhật Bản ra thông báo xác nhận 7 công dân nước này thiệt mạng trong vụ bắt cóc con tin tại Bangladesh.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi vụ tấn công này là một hành động không thể dung thứ: “Tôi lên án mạnh mẽ việc những người dân vô tội phải thiệt mạng do các hành động khủng bố vô nhân đạo này. Đây là một thách thức đối với toàn cầu và không nên được tha thứ”.

Mỹ cũng xác nhận một công dân nước này nằm trong số 20 nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ tấn công ở Bangladesh, đồng thời đề nghị hỗ trợ Bangladesh sau vụ tấn công.

Những bức ảnh ghê rợn tại quán cà phê thời điểm xảy ra vụ tấn công được tổ chức Nhà nước Hồi giáo đăng trên trang mạng như một thông điệp khẳng định sự hiện hữu của nhóm này tại Nam Á.

Một số chuyên gia chống khủng bố cho rằng, mặc dù IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công, nhưng đây có thể là chiến thuật của nhóm này nhằm lôi kéo các phần tử vũ trang Hồi giáo tại Bangladesh gia nhập tổ chức của chúng.

Một số quan chức chính phủ Bangladesh cũng bác bỏ những cáo buộc về việc có sự tồn tại của nhánh IS tại nước này và cho rằng một số tay súng trong nhóm tấn công là các chiến binh Hồi giáo cực đoan trong nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố cũng cảnh báo, có nhiều dấu hiệu cho thấy sau khi thực hiện các vụ tấn công chấn động tại châu Âu, IS đang tìm cách mở rộng sang khu vực màu mỡ tại Nam Á.

Đầu tuần này, các nhà chức trách Ấn Độ đã bắt giữ 11 người. Theo cơ quan điều tra Ấn Độ, nhóm người này nhận chỉ thị của các tay súng IS ở nước ngoài và lên kế hoạch tấn công các địa điểm tôn giáo với các thiết bị tự chế. Tại quốc gia có đông người Hồi giáo như Bangladesh, cảnh sát cũng đã bắt giữ được một số kẻ có liên quan đến việc tuyển mộ tay súng cho IS.

Animesh Roul- một chuyên gia phân tích tại Ấn Độ cho rằng, các nhóm Hồi giáo tại Bangladesh dường như đang có tiếp xúc thường xuyên với IS, mặc dù chưa có bằng chứng về việc IS đang hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm vũ trang tại Nam Á. Lời kêu gọi của chúng cũng đang nhận được sự ủng hộ tích cực của một số phần tử tại quốc gia có đông người Hồi giáo này.

Mặc dù khả năng mở rộng ảnh hưởng của IS tại Bangladesh chưa đủ mạnh, nhưng giới quan sát cũng cảnh báo, với vị trí thuận lợi, Bangladesh sẽ là một mảnh đất màu mỡ để IS khai thác và tận dụng để vươn tầm ảnh hưởng sang các nước lân cận, đồng thời hợp tác với các nhóm cực đoan địa phương khác để củng cố sức mạnh của mình./.

Theo Phạm Hà/VOV-Trung tâm Tin (Tổng hợp)