1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Taliban mời gọi phương Tây "mang tiền đến đầu tư, đừng mang súng"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Taliban đang kêu gọi các nước trở lại giúp quốc gia Trung Nam Á khôi phục kinh tế, sau khi Afghanistan bị tàn phá do cuộc chiến kéo dài 20 năm.

Taliban mời gọi phương Tây mang tiền đến đầu tư, đừng mang súng  - 1

Thống đốc tỉnh Helmand, Afghanistan Talib Mawlawi (Ảnh: Guardian).

Thống đốc mới của tỉnh Helmand, Afghanistan Talib Mawlawi, người đã lãnh đạo lực lượng thuộc Taliban đối đầu với phương Tây trong hàng chục năm tại thị trấn Sangin, tỉnh Helmand vẫn đặt một khẩu súng trên bàn làm việc. Tuy nhiên, ông khẳng định với Guardian rằng, chiến tranh giờ đây đã khép lại sau khi Mỹ và phương Tây rút quân khỏi nước này hồi tháng trước.

Ông kêu gọi các nước thành viên liên minh quân sự NATO rằng, họ hãy thừa nhận Taliban là lãnh đạo chính danh của Afghanistan, và hãy quay trở lại, nhưng với tiền đầu tư, chứ không phải là súng đạn.

"Chúng tôi đã từng đối đầu nhau trong các trận chiến. Giờ đây, quý vị (các nước phương Tây) có thể khiến chúng tôi phấn chấn nếu như quý vị thừa nhận chính phủ này", ông Mawlawi, ám chỉ chính phủ lâm thời Afghanistan mà Taliban mới lập ra hồi tuần trước.

Giờ đây, khi Taliban kiểm soát thủ phủ Lashkar Gar của Helmand, các cuộc đối đầu đã lần đầu tiên dừng lại sau 20 năm. Giống hầu hết các nơi khác tại Afghanistan, Helmand đang đứng bên bờ vực có thể dẫn tới sự sụp đổ về kinh tế. Và cũng giống như các quan chức Taliban khác trên khắp quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh này, ông Mawlawi cũng kêu gọi chính phủ nước ngoài hỗ trợ cho nỗ lực khôi phục kinh tế.

Ông cho rằng, các quốc gia nước ngoài đã gây ra chiến tranh ở Afghanistan và "cộng đồng quốc tế nên giúp chúng tôi với các nỗ lực viện trợ nhân đạo và tập trung vào việc phát triển giáo dục, kinh doanh và thương mại".

"Cộng đồng quốc tế thường giúp các quốc gia nhận được sự ủng hộ từ dân thường tại nước đó. Chúng tôi mang lại an ninh và chúng tôi có được sự ủng hộ từ người Afghanistan, vì vậy họ nên giúp chúng tôi và thừa nhận chính phủ của Taliban", ông Mawlawi nhấn mạnh.

Người dân gặp khó khăn chồng chất

Taliban mời gọi phương Tây mang tiền đến đầu tư, đừng mang súng  - 2

Tay súng Taliban đứng gác trên đường phố Lashkar Gah, Helmand (Ảnh: AP).

Theo Guardian, những kêu gọi từ một người từng là kẻ thù không đội trời chung với phương Tây trong 2 thập niên qua dường như cho thấy thực tế là Taliban đang phải đối mặt với khó khăn khi chèo lái một quốc gia nghèo đói, bị tàn phá nghiêm trọng.

Chính phủ chưa thể trả lương trong vài tuần qua. Nhiều người làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã di tản hoặc dự án họ làm việc bị dừng lại. Các nhà hàng vắng khách, và tình hình làm ăn ở các cửa hàng khá chậm chạp.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đang được đặt ra cho triển vọng liệu nước ngoài có viện trợ cho Taliban hay không là vấn đề quyền của phụ nữ. Dưới áp lực từ cộng đồng quốc tế, Taliban đã cho phép bé gái đi học tiểu học. Các cơ sở đào tạo cấp cao hơn cũng đã cho phép phụ nữ theo học, dù Taliban tuyên bố sẽ áp dụng các quy tắc Hồi giáo cứng rắn như không cho họ học cùng nam giới và phải mặc đồ che kín cơ thể khi đi học.

Những câu hỏi khác về số phận của phụ nữ Afghanistan vẫn còn bỏ ngỏ ví dụ như, liệu ngoài ngành y tế và giáo dục, phụ nữ có được phép trở lại làm việc ở những ngành khách hay không? Phụ nữ sẽ có vai trò gì trong chính quyền mới? Ông Mawlawi nói rằng chính phủ lâm thời do Taliban lập ra đang bàn bạc về việc này.

Quan chức này giờ đây khẳng định rằng, người dân địa phương nơi ông quản lý có thể xây dựng lại những gì đã mất trong hòa bình và mọi người có thể kiếm sống. "Đã chiến tranh 20 năm rồi và giờ đây sẽ cần một khoảng thời gian để mọi thứ trở lại bình thường", ông Mawlawi cho biết.

Với người dân ở Lashkar Gah, tỉnh Helmand, họ ủng hộ tình hình an ninh ổn định hiện tại sau khi Taliban lên nắm quyền. Những cuộc chiến kéo dài hàng chục năm đã tàn phá nơi họ sinh sống. Họ cũng lo ngại về tình hình kinh tế và liệu Taliban có tiếp tục áp dụng đường lối quản lý hà khắc theo luật Hồi giáo như 2 thập niên trước hay không.

Samiullah, 26 tuổi, chủ một cửa hàng bán trang sức và đồ trang trí, kêu gọi phương Tây hỗ trợ kinh tế cho Afghanistan, đồng thời bày tỏ hy vọng Taliban sẽ không can thiệp vào đời sống cá nhân của người dân.

Khatera, người mẹ 4 con, trở thành góa phụ khi người chồng là cựu quân nhân Afghanistan thiệt mạng hồi đầu năm nay. Cô phải đi làm giúp việc cho các gia đình giàu có hơn để nuôi con, nhưng giờ đây họ đã rời hết đi sau khi Taliban lên nắm quyền. Khoản tiền ít ỏi cô được nhận định kỳ sau cái chết của người chồng quân nhân giờ cũng chấm dứt. Không còn tiền bạc, gia đình cô giờ đây phải ngủ trong chợ.

"Tôi không có vấn đề với Taliban nhưng các con tôi cần được ăn. Chính phủ trước đã được thế giới công nhận nên tôi mong quốc tế sẽ công nhận chính phủ mới để họ có thể giúp chúng tôi", Khatera nói.