1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Taliban cấm lao động nữ trong chính quyền Kabul đi làm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Taliban yêu cầu phụ nữ làm việc trong chính quyền thủ đô Kabul ở nhà, động thái làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể không giữ lời hứa trước đó về việc đảm bảo quyền của phụ nữ.

Taliban cấm lao động nữ trong chính quyền Kabul đi làm - 1

Biểu tình đòi quyền lợi cho phụ nữ ở Kabul hôm 19/9 (Ảnh: AP).

Guardian đưa tin, Taliban hôm 19/9 đã đưa ra quy định mới, yêu cầu phụ nữ làm việc trong chính quyền Kabul ở nhà, trừ khi nam giới không thể thay thế được vị trí đó.

Quyết định trên đồng nghĩa với lệnh cấm hầu hết các nữ lao động tại Kabul trở lại công việc. Đây là một dấu hiệu cho thấy Taliban - lực lượng giành quyền kiểm soát Afghanistan từ ngày 15/8 - dường như đang tiếp tục áp đặt các biện pháp quản lý cứng rắn, cực đoan bất chấp trước đó họ đã hứa sẽ thay đổi. Dưới sự kiểm soát của Taliban từ năm 1996 tới 2001, họ đã cấm nữ giới đi học, đi làm, và yêu cầu phụ nữ ra đường phải có đàn ông đi cùng.

Trong những ngày qua, Taliban đã ban hành một số quy định khiến giới quan sát quan ngại rằng ảnh hưởng tới quyền của phụ nữ. Taliban không cho phép trẻ em gái từ lớp 7-12 tới trường. Các nữ sinh đại học bị yêu cầu phải tách riêng lớp với nam giới và mặc trang phục kín từ đầu tới chân theo quy định của Hồi giáo.

Ngày 17/9, Taliban đóng cửa Bộ các vấn đề phụ nữ Afghanistan, thay vào đó là một bộ có nhiệm vụ "truyền bá đạo đức và ngăn chặn hành vi xấu" chuyên thực hiện luật Hồi giáo và áp dụng vào cuộc sống.

Ngày 19/9, một nhóm phụ nữ đã đứng biểu tình bên ngoài cơ quan này, giơ khẩu hiệu viết: "Xã hội mà không cho phép phụ nữ hoạt động là một xã hội chết".

Quyền thị trưởng Kabul do Taliban chỉ định, Hamdullah Namony, cho hay có 1/3 trong tổng số 3.000 nhân viên chính quyền Kabul là nữ giới và làm việc ở mọi bộ phận.

Ông Namony cho hay, các nữ nhân viên phải ở nhà cho tới khi có quyết định tiếp theo. Ông nói rằng, các ngoại lệ sẽ được đưa ra cho các vị trí mà đàn ông không thể thay thế, ví dụ người làm công việc vệ sinh toilet nữ giới.

Theo hãng tin AP, trên khắp Afghanistan, phụ nữ làm việc trong nhiều ngành nghề đã bị yêu cầu không đi làm nữa, ở cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Tuy nhiên, Taliban hiện thời vẫn chưa công bố một chính sách đồng bộ về vấn đề này.

Liên quan tới việc không cho nữ giới đi học trung học, người phát ngôn Taliban Zabiullah Mujahid nói rằng: "Chúng tôi không phản đối hoạt động giáo dục cho phụ nữ, nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét các cơ chế để có thể cho nữ giới đi học".

Ông Mujahid nói rằng, Taliban cần đảm bảo giao thông và môi trường an toàn cho nữ giới trước khi họ đi học hoặc đi làm trở lại.

Giới quan sát hoài nghi về những tuyên bố trên của Taliban. Hồi những năm 1996-2001, Talibantừng đưa ra các phát ngôn tương tự khi lên nắm quyền điều hành đất nước, nhưng trong suốt 5 năm, lời hứa của họ không được thực hiện và quyền lợi của phụ nữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào thời kỳ đó.

Taliban đã cam kết sẽ lập ra một chính phủ toàn diện với phụ nữ tham gia. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời mà họ lập ra hồi đầu tháng lại chỉ có toàn là nam giới và thành viên của Taliban, động thái dấy lên quan ngại về việc Taliban không giữ lời hứa.