Tại sao Scotland lại thuộc Vương quốc Anh?
Scotland được ví là “cha của Australia”. Người Scotland từng hình thành nên nhà nước Ấn Độ hiện đại. Người Scotland là người châu Âu đầu tiên vượt biển tới Canada. Vai trò quan trọng là vậy nhưng tại sao mảnh đất này lại thuộc về Vương quốc Anh? Tất cả xuất phát từ một dự án đầu tư mạo hiểm mà sau này biến thành một thảm họa với Scotland.
Kỳ 1: Ảo vọng Darien
Scotland cuối thể kỷ 17 là một đất nước khủng hoảng. Hàng chục năm chiến tranh liên miên cùng với 7 năm nạn đói đã khiến người dân bị đẩy ra khỏi nhà, chen chúc trong các thành phố lớn trong cảnh vô gia cư để tìm việc, chết đói như ngả rạ trên các đường phố. Thương mại của Scotland bị ảnh hưởng nặng nề khi người Anh tiếp tục chiến tranh chống lại châu Âu. Trong bối cảnh đó, người ta cho rằng cần phải làm một điều gì đấy để phục hồi kinh tế Scotland trước khi nước này bị các láng giềng giàu có nuốt chửng.
William Paterson.
Người nảy ra giải pháp cho vấn đề của Scotland là nhà tài phiệt William Paterson, một trong những thành viên sáng lập Ngân hàng Anh. Ông Paterson trở về Edinburgh với một kế hoạch táo bạo nhằm biến Scotland trở thành một trạm trung chuyển xuyên Thái Bình Dương. Trong khi ở London, ông đã gặp một thủy thủ tên là Lionel Wafer, người đã kể với ông về một thiên đường tuyệt vời ở eo đất Panama. Đó chính là Darien, một nơi mà người thủy thủ này nói là toàn những người thân thiện, đất đai trù phú, giàu có. Ông Paterson ngay lập tức coi Darien có tiềm năng trở thành một thuộc địa thương mại của Scotland.
Thời đó, buôn bán với các thị trường Thái Bình Dương béo bở rất tốn kém vì các tàu buôn phải trải qua một hành trình nguy hiểm vòng quanh mũi Horn ở phía nam Nam Mỹ. Hành trình này mất cả vài tháng và tàu buôn có nguy cơ đắm giữa đại dương. Nếu lập một thuộc địa ở Darien, hàng hóa có thể được chuyển từ Thái Bình Dương qua Panama và chuyển lên tàu ở Đại Tây Dương từ đó, nhờ đó tăng tốc quá trình buôn bán, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ông Paterson không biết rằng người Tây Ban Nha đã kiểm soát khu vực đó của Panama.
Sơ đồ 2 hành trình của người Scotland tới Darien.
Ý tưởng về thuộc địa Darien của Scotland rất nổi tiếng. Ông Paterson đã thành lập Công ty Thương mại Scotland với châu Phi và Ấn Độ tháng 6/1695. Công ty này không chỉ khiến người Tây Ban Nha “ngứa mắt” mà còn cả công ty Đông Ấn của Anh. Đông Ấn sợ mất thế độc quyền làm ăn của người Anh với người Ấn Độ, nên đã vận động thành công quốc hội Anh phản đối công ty, buộc các nhà đầu tư Anh vào dự án Darien phải rút vốn.
Không bị nhụt chí, ông Paterson và đồng nghiệp quay về Scotland để tìm vốn đầu tư. Nhà tài phiệt Scotland William Paterson đã làm lóa mắt người Scotland khi nói về sự giàu có mà họ sẽ hưởng ở Darien: “Thương mại sẽ tăng, tiền sẽ tự sinh ra, thế giới thương mại không cần nhiều việc để làm mà cần nhiều người để làm hết việc”.
Đối với một đất nước mà mùa màng luôn thất bát và nội chiến triền miên như Scotland, triển vọng trở thành một trạm trung chuyển của cả châu Âu trở nên khả quan đến mức khó cưỡng lại. Vương quốc Scotland đột nhiên dốc toàn lực theo kế hoạch của ông Paterson. Chỉ trong vòng 6 tháng, người Scotland, từ giàu đến nghèo, rót 400.000 bảng Anh vào dự án Darien. Kế hoạch thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp, từ tầng lớp quý tộc, người thu nhập cao, thương gia cho đến người dân bình thường, không ngoại trừ một ai, kể cả những phụ nữ trẻ cũng sẵn sàng ném tài sản ít ỏi của mình để mua cổ phiếu, kể cả những bà quả phụ sẵn sàng bán tài sản thừa kế.
Chỉ trong vài tháng, dự án đầu tư của Paterson đã gom được hơn một nửa tiền bạc ở Scotland. Đến thời điểm nhóm 1.500 tình nguyện viên Scotland đầu tiên háo hức nhổ neo năm 1698, có tới 1/5 tổng tài sản ròng của cả Scotland đổ vào kế hoạch này. Họ không ngờ mình đang tham gia vào một thảm họa.
Số tiền dùng để đầu tư cho 5 con tàu nhổ neo tới Darien. Chuyến hàng đầu tiên là hàng nghìn chiếc lược và gương mà người Scotland định bán cho người Ấn Độ, cùng với nhiều thùng tóc giả và những thứ lẩm cẩm khác.
Theo tính toán của ông Paterson, thay vì đi quanh mũi Horn, đội tàu buôn Scotland sẽ dỡ hàng hóa trên bờ phía tây của khu vực họ gọi là New Caledonia. Sau đó, người Scotland sẽ tìm cách chuyển hàng hóa xuyên qua rừng rậm đưa đến bờ bên kia. Ông Paterson tính toán: “Bằng cách đó, thời gian và chi phí hàng hải tới Trung Quốc, Nhật Bản và quần đảo Spice cũng như các khu vực xa xôi như Đông Ấn (East Indies) sẽ giảm hơn một nửa”.
Tuy nhiên, câu chuyện của anh thủy thủ Lionel Wafer mà ông Paterson được nghe chỉ vẽ ra một góc rất nhỏ của Darien. Những người tình nguyện tham gia hành trình đầu tiên tới Darien không biết điều gì đang chờ họ.
Đón đọc kỳ cuối: Vỡ mộng với thiên đường