1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tại sao Mỹ sợ Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400?

Có rất nhiều nguyên nhân sâu xa ẩn giấu đằng sau phản đối của Mỹ đói với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua sắm hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 Nga, sau khi Mỹ không bán Patriot

Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đàm phán thành công về việc mua các hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga để trang bị cho lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa của quốc gia NTO này, Mỹ đã bắn tín hiệu quan ngại về vấn đề này.

Đặc biệt, hôm 19/7, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo các nhà chức trách Ankara rằng, các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga không phù hợp các tiêu chuẩn của Liên minh Đại Tây Dương và chắc chắn chúng sẽ không được kết nối.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga, trong khi có nhiều nước NATO cũng mua vũ khí của Nga, đặc biệt là Romania, Bulgaria, Hy Lạp và Đức đang nắm giữ trong tay các hệ thống tên lửa phòng không thế hệ trước là S-200 và S-300?

Trả lời câu hỏi phỏng vấn Sputnik về tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm Góc, ông Mesut Hakkı Chashin, sĩ quan Không quân Thổ Nhĩ Kỳ về hưu, giáo sư Quan hệ Quốc tế của Học viện Không quân và Đại học Ozyegin ở Istanbul nhấn mạnh rằng, quan ngại của Mỹ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các tổ hợp S-400 là vô căn cứ.

Theo ông, Ankara đã từng liên hệ với NATO để mua các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, Mỹ đã không bán mà chỉ đồng ý đưa các hệ thống này đến đặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để làm cái ô che chở của khối cho nước này. Sau đó, vì lý do chính trị, Mỹ và Đức đã thu hồi các tổ hợp Patriot để làm con bài gây áp lực chính trị với chính quyền của ông Erdogan.


Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga

Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga

Bên cạnh đó, tính năng hạn chế của tổ hợp Patriot cũng khiến nó không thể bao trùm tất cả các khu vực có thể bị uy hiếp của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, hệ thống S-400 có tất cả các những đặc điểm ưu việt nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ cần đến, với tầm xa 400 km, tầm cao lên đến 30 km.

Dòng tên lửa SAM này có thể đồng thời bắn trúng 36 mục tiêu, nếu cần thiết, có thể bắn trúng 72 mục tiêu với sự hỗ trợ của thiết bị phụ trợ. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả điều này là những yếu tố rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng, là một quân nhân có kinh nghiệm, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhận thức được điều này.

Theo ông Chashin, Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng, trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988, Iraq đã tấn công tên lửa nhằm vào Iran. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và năm 2003, nước này cũng đã chứng kiến tác dụng của tên lửa mà Baghdad sở hữu.

Sau đó, bắt đầu từ năm 2015, dân thường trong khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã bắt đầu phải chịu đựng các cuộc tấn công tên lửa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vào Syria. Bên cạnh đó, tên lửa đạn đạo xuất phát từ Iran và các nước láng giềng là mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng.

Vì vậy, hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên phải đối mặt với các cuộc tấn công đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Vấn đề trầm trọng nhất trong hệ thống quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã không được giải quyết từ những năm 1990 để lại hậu quả cho đến bây giờ.

Vị chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng, rõ ràng là đất nước ông có nhu cầu cấp thiết về việc sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất; nên việc sở hữu những hệ thống phòng không tiên tiến hàng đầu thế giới như S-400 của Nga là nhu cầu cấp bách của nước này.

Chỉ trích tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm Góc về việc nước này mua S-400 Nga, ông Chashin cho biết, mặc dù là thành viên của NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia độc lập có chủ quyền; do đó, nước này có quyền mua từ các nước khác những loại vũ khí cần thiết cho an ninh quốc gia.

Ông nhấn mạnh rằng, việc sử dụng hay không sử sụng các loại vũ khí mà Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu là công việc của Liên minh, còn nước này có quyền mua tất cả những vũ khí nào mà mình cảm thấy cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Lúc đầu, Mỹ đã không chấp nhận các điều khoản của Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua sắm các hệ thống Patriot. Tiếp theo, Mỹ chống thỏa thuận giữa Ankara và Bắc Kinh về việc cung cấp các hệ thống phòng không Hồng Kỳ 9 (HQ-9) cũng với lí do không tương thích.

Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đã tổ chức đấu thầu, đưa ra các điều kiện trước đó và một lần nữa Mỹ không hài lòng. Đến khi nước này quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, chính quyền Washington cũng ra tay ngăn cản. Đó là kiểu tư duy gì?


Mỹ ngăn cản thương vụ S-400 vì lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga

Mỹ ngăn cản thương vụ S-400 vì lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có các hệ thống phòng không mạnh mẽ, điều đó sẽ chỉ có lợi cho Hoa Kỳ và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Chúng ta đã có điều kiện chứng kiến điều đó ở Đông Địa Trung Hải khi Moscow đưa S-400 đến Syria để bảo vệ các căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartous của Nga ở tỉnh Latakia.

Hơn nữa, ông Mesut Hakkı Chashin cũng nhấn mạnh rằng, không thể hiểu tại sao vũ khí của các nước NATO khác được mô tả như là loại tương thích, mà các hệ thống S-400 lại bị đề cập là không tương quan với các tiêu chuẩn của liên minh, trong khi một số nước NATO khác vẫn đang sử dụng các hệ thống tương tự của Nga.

Nếu nói rằng S-400 không thể tích hợp vào hệ thống phòng thủ chung của NATO thì đây là quan điểm rất sai lầm từ góc độ kỹ thuật. Bất kỳ loại vũ khí nào cũng đều có thể tích hợp được với nhau. Do đó, sự phản đối của Mỹ đơn thuần chỉ là từ góc độ chính trị.

Mỹ không muốn Ankara mua sắm các hệ thống vũ khí Nga, không muốn ông Putin bắt tay với ông Erdogan đưa khí đốt sang châu Âu, không muốn Moscow đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, không muốn vv…vv …, tóm lại là Washington không muốn bất cứ thứ gì khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau, khiến chính quyền Ankara tăng mức độ phụ thuộc vào đối thủ không đội trời chung là Moscow.

Đó mới là nguyên nhân chính khiến Mỹ phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua sắm các hệ thống phòng không của Nga, chứ không hề có khúc mắc gì về kỹ thuật đối với các hệ thống vũ khí Nga-NATO.

Theo Huy Bình

Báo Đất việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm