1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tác động của thỏa thuận lịch sử giữa Iran và P5+1

(Dân trí) - Sau 18 ngày thương lượng căng thẳng với thời hạn chót liên tục bị đẩy lùi, ngày 14/7 đã đi vào lịch sử khi Iran và P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện, chấm dứt 18 tháng "cân não" trên bàn đàm phán và mở ra chương mới trong hợp tác giữa Iran và phương Tây.

Thỏa thuận đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa Iran và phương Tây (Ảnh:
Thỏa thuận đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa Iran và phương Tây (Ảnh: Al Arabya)
 
Rất hiếm khi trong lích sử ngoại giao thế giới, một cuộc đàm phán lại kéo dài và phức tạp đến vậy. Sau nhiều lần bỏ lỡ hạn đích và những cuộc đàm phán giằng co, Iran và các nước trong P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã có thể đi tới thỏa thuận cuối cùng về hồ sơ hạt nhân. Thỏa thuận được ký tại thủ đô Vienna của Áo ngày 14/7, ngay sau phiên họp toàn thể diễn ra sáng cùng ngày.
 
“Đây là một thành công chưa từng có của ngoại giao đa phương về một vấn đề lớn liên quan đến an ninh tập thể”, ông Ali Vaez phát biểu trên báo Le Monde của Pháp. Ông là chuyên gia về Iran của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG).

“Thỏa thuận đạt được tại Vienna là một thành quả quan trọng của chính sách bền bỉ và ngoại giao quốc tế. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực cũng như ngoài khu vực”, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho rằng “việc đạt được thỏa thuận rất quan trọng… và thế giới đang tiến bộ”.

“Bản thỏa thuận cho thấy các bên tham gia đàm phán đã kiên quyết lựa chọn ổn định và hợp tác”, Tổng thống nga Vladimir Putin nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cam kết Nhà nước Hồi giáo sẽ tuân chủ triệt để thỏa thuận lịch sử mà ông coi là một sự khởi đầu của lòng tin.

“Tehran sẽ không bao giờ tìm kiếm vũ khí hạt nhân vì nó đi ngược lại tôn giáo của Iran và trái với sắc lệnh của lãnh đạo tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Đây là sự khởi đầu của lòng tin. Nếu thỏa thuận được thực hiện một cách nghiêm túc, chúng ta có thể dần dần loại bỏ được sự ngờ vực”, nhà lãnh đạo Iran quả quyết.

Theo các  văn bản được công bố, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 gồm 3 nội dung chính: 

- Iran sẽ cắt giảm 2/3 số máy ly tâm, từ khoảng 19.000 xuống còn 6.104 máy, và duy trì con số này trong vòng 10 năm. Những máy ly tâm bị cắt giảm sẽ được sử dụng cho các mục đích khác ngoài việc làm giàu urani.

- Quốc tế từng bước dỡ bỏ cấm vận kinh tế chống Iran. Tuy nhiên lệnh cấm vận vũ khí vẫn sẽ được tiếp tục duy trì trong 5 năm và cấm vận tên lửa trong 8 năm.

- Tăng cường các biện pháp kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran thông qua các chuyến giám sát thường xuyên và đột xuất tới các cơ sở hạt nhân, kể cả các cơ sở ngầm dưới lòng đất.

Trong con mắt của phương Tây, rõ ràng những điều khoản trên sẽ giúp cộng đồng quốc tế có thêm "tai mắt" và chế tài để theo dõi, kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran, cũng như các căn cứ hạt nhân bí mật của nước này. Nói như lời của bà Merkel, thỏa thuận sẽ “giúp các bên tiến gần hơn tới mục tiêu không để Iran có được vũ khí hạt nhân thông qua một hệ thống kiểm soát quốc tế  chưa từng có”,

Ở chiều ngược lại, thỏa thuận tạo cơ sở cho Nhà nước Hồi giáo được tiếp tục chương trình hạt nhân dân sự, thay vì phải ngừng toàn bộ chương trình này như ý kiến khăng khăng ban đầu của châu Âu. Tất nhiên, Iran sẽ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở hạt nhân để đảm bảo sẽ không sở hữu vũ khí giết người hàng loạt trong tương lai. 

Tuy nhiên, với Israel và một số quốc gia theo dòng Hồi giáo Sunni ở Trung Đông, việc Iran được dỡ bỏ từng phần các biện pháp trừng phạt (tùy theo tiến độ thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận) đang khiến các nước này như "ngồi trên đống lửa".

Bởi, dù phương Tây đã "trói"Iran vào điều khoản sẽ nối lại trừng phạt trong vòng 65 ngày nếu Tehran vi phạm thỏa thuận, nhưng số tiền 150 tỷ USD tài sản sắp được "phá băng" sẽ giúp Nhà nước Hồi giáo, cũng là quốc gia đứng đầu trục Shi'ite trong khu vực, có thể "rộng tay" hỗ trợ cho các lực lượng cùng dòng ở các nước đồng minh.

Khoản ngân quỹ này cũng sẽ giúp Iran nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự, không phải bằng vũ khí hạt nhân mà bằng các thiết bị khác cũng tinh vi và có tính sát thương rất lớn. Từ đó, Iran có thể can dự tích cực hơn vào các cuộc khủng hoảng lớn trong khu vực, từ Syria tới Iraq, Libannon đến Yemen. 

“Thỏa thuận đặt ra 2 nguy cơ chính là sẽ cho phép Iran có đủ khả năng để tự trang bị các loại vũ khí hạt nhân trong vòng 10-15 năm và sẽ cung cấp hàng tỷ USD cho cỗ máy chiến tranh, khủng bố mà Iran vốn đe dọa Israel và cả thế giới”, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh  mối lo ngại của Nhà nước Do Thái trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tất nhiên, lập luận để Israel và các thế lực Sunni, cùng những tiếng nói phản đối khác, đưa ra để phản bác thỏa thuận Vienna là văn kiện này chỉ trì hoãn, chứ không ngăn chặn được Iran trở thành cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, nó không đủ sức thuyết phục các nhà đàm phán phương Tây vốn đã quá mệt mỏi sau 18 tháng đàm phán liên tục, đặc biệt khi các bài học nhỡn tiền cho thấy đối thoại luôn là giải pháp tốt nhất và duy nhất để tháo ngòi nổ khủng hoảng tiềm tàng.

Cũng cần lưu ý một thực tế rằng từ nhiều tháng nay Iran đã gần như có đủ khả năng chế tạo thành công bom hạt nhân, song vì nhiều lý do họ đã quyết định dừng lại. Vì thế, việc không đạt được thỏa thuận đôi khi lại gây tác dụng ngược, đẩy Iran tiến gần hơn tới tham vọng này.

Ngoài ra, còn một lý do khác bảo vệ cho thỏa thuận Vienna là nó sẽ giúp chặn đứng khả năng mở rộng kho thiết bị hạt nhân của Iran. Xưa nay, trừng phạt chỉ có tác dụng làm chậm, chứ không loại bỏ chương trình hạt nhân của TehIran.

Đơn cử, khi các cuộc thương lượng đầu tiên mới diễn ra, Iran chỉ có khoảng 160 máy ly tâm. Sau 12 năm đàm phán bất thành và liên tục hứng các đòn trừng phạt của phương Tây, Iran đã nâng tổng số máy li tâm lên con số gần 20.000. Nếu toàn bộ số máy này được làm giàu ở mức độ cao, nó sẽ tạo đủ nhiên liệu cho một quả bom hạt nhân. Do đó, nhiều nhà phương Tây cho rằng thà đạt được thỏa thuận để kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran còn hơn là đặt cược vào các lệnh trừng phạt vốn không thể ngăn cản tham vọng của Nhà nước Hồi giáo.

Vậy thỏa thuận lịch sử này sẽ tạo ra những thay đổi địa chiến lược gì?

"Giống như các thỏa thuận giải trừ vũ khí khác, thỏa thuận Vienna tập trung vào một khía cạnh rất hẹp nhưng liên quan đến tất cả các vấn đề giữa Iran và phần còn lại của thế giới”, chuyên gia Ali Vaez nói.

Theo ông, Iran là một nhân tố quan trọng, một cường quốc có vai trò không thể bỏ qua ở Trung Đông. Và đây là điều cả Mỹ và châu Âu đều đang cần.

Thỏa thuận, vì thế, sẽ tạo bước ngoặt mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Iran, vốn đã bị cắt đứt từ năm 1979 sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Nó cũng sẽ giúp hai nước tăng cường hợp tác trong giải quyết các cuộc khủng hoảng Iraq và Syria, cũng như chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Trên thị trường năng lượng thế giới, thỏa thuận chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng không nhỏ do những hạn chế xuất khẩu dầu mỏ của Iran dần được dỡ bỏ. Theo các nguồn tin, ngay sau khi thỏa thuận đạt được, thị trường dầu mỏ đã có những phản ứng tích cực. Trước đó, trong quá trình đàm phán tại thủ đô Áo, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng đã công khai nói về những tác động tích cực này khi nói về triển vọng sau khi đạt thỏa thuận.

Nhìn lại tiến trình đàm phán hạt nhân của Iran, có thể thấy con đường đạt được kết quả đầy chông gai, song thỏa thuận với Iran sẽ góp phần giải quyết vấn đề hạt nhân ở Trung Đông, mang lại hy vọng giải tỏa các "điểm nóng" trên thế giới bằng giải pháp ngoại giao. Bên cạnh đó, thỏa thuận hạt nhân Iran tạo ra một bầu không khí thuận lợi đối với giới kinh doanh và đặc biệt là cơ hội đầu tư vào một nền kinh tế với rất nhiều tiềm năng để phát triển như Iran.

Đức Vũ