1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới nói gì về thỏa thuận hạt nhân Iran?

(Dân trí) - Dư luận quốc tế và trong chính giới Mỹ đã có những phản ứng trái chiều về thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa đạt được giữa Iran với nhóm P5+1. Người khen cũng lắm, kẻ chê cũng nhiều, xuất phát từ những lợi ích địa chiến lược khác nhau.

Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận ngày 14/7. (Ảnh:
Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận ngày 14/7. (Ảnh: Guardian)
 
Sau những căng thẳng, hồi hộp, hy vọng, chờ đợi, thất vọng rồi lại hy vọng và chờ đợi, những người đã dõi theo các vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 trong suốt 18 tháng qua, đặc biệt trong những ngày cuối của chặng đua nước rút ở thủ đô Vienna của Áo, đã được vỡ òa trong hạnh phúc.

Một thỏa thuận hạt nhân toàn diện đã được các bên cán đích vào những giờ phút cuối, đầy gay cấn và ngoạn mục.

Người khen cũng lắm

Tất nhiên, với tất cả những ai ủng hộ thỏa thuận này, đây là một bước tiến lịch sử không chỉ trong vấn đề hạt nhân Iran, mà còn trong cả lịch sử ngoại giao thế giới và lịch sử quan hệ giữa thế giới Hồi giáo với thế giới phương Tây.  

Lãnh đạo nhiều nước, nhất là Iran và những quốc gia thành viên trong P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã ca tụng thỏa thuận này hết lời.

“Với văn kiện này, mọi con đường dẫn tới vũ khí hạt nhân đều đã bị cắt đứt… Thỏa thuận sẽ  tạo ra cơ hội để tiến tới một hướng đi mới, giúp ngăn chặn tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông”, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Nhà Trắng với sự có mặt của Phó Tổng thống Joe Biden.

“Thoả thuận đạt được tại Vienna là một thành quả quan trọng của chính sách bền bỉ và ngoại giao quốc tế. Với kết quả đạt được, các bên đã tiến gần hơn mục tiêu không để Iran phát triển vũ khí nguyên tử thông qua một hệ thống kiểm soát quốc tế chưa từng có”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh.

Theo bà, kết quả này “có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình an ninh khu vực cũng như ngoài khu vực” và rằng Iran và phương Tây đã “vượt qua một trong những cuộc xung đột quốc tế khó khăn nhất bằng con đường ngoại giao”.

“Việc đạt được thỏa thuận rất quan trọng … Nó cho thấy thế giới đang tiến bộ”, Tổng thống Pháp Francois Hollande  khẳng định.

“Bản thỏa thuận cho thấy các bên tham gia đàm phán đã kiên quyết lựa chọn ổn định và hợp tác. Mátxcơva sẽ nỗ lực hết sức để thỏa thuận này được triển khai đầy đủ”, Tổng thống nga Vladimir Putin tuyên bố.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon , Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh một khi được triển khai đầy đủ, thỏa thuận giữa Iran và P5+1 sẽ giúp củng cố an ninh toàn cầu.

Từ London, Bộ Ngoại giao Anh ra thông cáo của Ngoại trưởng Philip Hammond nhấn mạnh việc đạt được thỏa thuận hạt nhân có ý nghĩa quan trọng, sẽ mở đầu cho sự thay đổi đáng kể trong quan hệ của Iran với phần còn lại của thế giới. Theo ông, giờ là lúc các nước phải tập trung vào việc thực thi đầy đủ và nhanh chóng để đảm bảo vũ khí hạt nhân nằm ngoài tầm với của Iran.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá thỏa thuận hạt nhân sẽ bảo vệ hệ thống không phổ biến hạt nhân toàn cầu và là minh chứng cho thấy thế giới có thể giải quyết các vấn  đề cấp bách thông qua đối thoại.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng chúc mừng đồng mình then chốt của mình và đánh giá đây là "bước ngoặt lớn đối với lịch sử của Iran, khu vực và thế giới".

Một quan chức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng khẳng định nước này hoan nghênh thỏa luận lịch sử giữa Iran và các cường quốc và rằng thỏa thuận sẽ mở ra "trang mới" cho vùng Vịnh, giúp khu vực hóa giải sự chia rẽ bè phái cũng như khủng bố cực đoan.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng Dân chủ vào năm tới, cũng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân, cho rằng đây là “một bước tiến quan trọng” đối với nỗ lực kiềm chế chương trình hạt nhân của Nhà nước Hồi giáo.

Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani coi việc đạt được thỏa thuận là sự khởi đầu của lòng tin, đồng thời cam kết Nhà nước Hồi giáo sẽ tuân chủ triệt để thỏa thuận lịch sử này.

 “Đây là sự khởi đầu của lòng tin. Nếu thỏa thuận được thực hiện một cách nghiêm túc, chúng ta có thể dần dần loại bỏ được sự ngờ vực”, nhà lãnh đạo Iran quả quyết, đồng thời nêu rõ “Tehran sẽ không bao giờ tìm kiếm vũ khí hạt nhân vì nó đi ngược lại tôn giáo của Iran và trái với sắc lệnh của lãnh đạo tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei”

Người chê cũng nhiều

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và phương Tây cũng đang nhận được những tiếng nói phản đối mạnh mẽ, cho rằng văn kiện này là một sự thắng thế cho Tehran, thể hiện sự yếu thế của phương Tây trước những diễn biến căng thẳng ở chảo lửa Trung Đông và biến động trên thị trường năng lượng thế giới thời gian qua.

Trong phản ứng gần như ngay tức thì sau khi nhận được thông tin về thỏa thuận, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gọi văn kiện này là "một sai lầm lịch sử".

“Thỏa thuận là một sai lầm lịch sử. Nó đặt ra 2 nguy cơ chính, đó là sẽ cho phép Iran có đủ khả năng tự trang bị các loại vũ khí hạt nhân trong từ 10-15 năm và sẽ cung cấp hàng tỷ USD cho cỗ máy chiến tranh và khủng bố Iran vốn đe dọa Israel và cả thế giới”, ông nhấn mạnh.

“Israel sẽ không bị ràng buộc với thỏa thuận hạt nhân này và luôn tự bảo vệ mình”, nhà lãnh đạo của Israel nói thêm.

Chính giới Mỹ cũng có những phản ứng trái chiều về thỏa thuận hạt nhân Iran.  Một số nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã bày tỏ nghi ngờ đối với thỏa thuận hạt nhân cuối cùng mà P5+1 đạt được với Iran, cho rằng văn kiện này trao cho Tehran quá nhiều không gian hành động và không bảo vệ được các lợi ích quốc gia Mỹ.

“Thỏa thuận này không thể chấp nhận được vì sẽ chỉ khuyến khích Iran và thậm chí có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trên phạm vi toàn cầu”, Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói. Ông cũng tuyên bố sẽ làm tất cả để ngăn chặn văn kiện này.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Ed Royce và người đồng cấp ở Thượng viện Bob Corker cũng bày tỏ quan ngại về thỏa thuận hạt nhân mới. Theo hai nhà lập pháp này, thỏa thuận không bắt buộc Iran từ bỏ công nghệ chế tạo bom và sẽ cho phép Tehran phát triển chương trình hạt nhân quy mô lớn trng vòng 10 năm.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Tom Cotton, người hồi tháng Ba vừa qua đã gửi một lá thư cho giới lãnh đạo Iran, thì miêu tả thỏa thuận “là sai lầm nguy hiểm khủng khiếp” vì sẽ mở đường cho một nước Iran hạt nhân.

Ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng Cộng hòa Lindsey Graham tuyên bố thỏa thuận là "án tử tiềm tàng đối với Israel" và “sẽ làm mọi việc tồi tệ hơn”.

Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ben Cardin cho rằng không nên đặt niềm tin vào Iran và Quốc hội Mỹ cần phải “xem xét một cách cẩn trọng và sáng suốt”.

Một số nghị sỹ Mỹ thẳng thắn tuyên bố sẵn sàng bác bỏ thỏa thuận tại cơ quan lập pháp cao nhất nước.

Trong nỗ lực hóa giải những nghi ngại của đồng minh thân cận Israel và chính giới đang chia rẽ trong nước,  Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu để khẳng định về cam kết bảo vệ các lợi ích của đồng minh.

“Washington sẽ luôn giữ vững cam kết của mình đối với an ninh của Israel”, ông Obama quả quyết, đồng thời thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter sẽ thăm Israel trong tuần tới, một động thái được cho là nhằm xoa dịu các mối lo ngại của đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông.

Trong thông báo mới nhất, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha cho biết Mỹ đang chuẩn bị sẵn sàng cho một bản dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhằm đặt ra lịch trình thực thi thỏa thuận hạt nhân của Iran. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tiết lộ nhiều khả năng HĐBA sẽ thông qua dự thảo nghị quyết ngay trong “vài ngày tới”.

Theo quy định, thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và P5+1 sẽ chính thức có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi HĐBA thông qua nghị quyết chấp thuận thỏa thuận này.
 
Đức Vũ