1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Syria và hậu quả sau những cuộc không kích

Hoạt động của Nga tại Syria đã đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của Nga trong cuộc chơi giành Trung Đông với tư cách là một bên tham gia chính về quân sự và chính trị, có khả năng làm thay đổi động lực của cuộc chơi ở cả Syria lẫn trong khu vực nói chung. Báo Pháp Le Figaro vừa có những đánh giá đáng chú ý về “điểm nóng” này…

Theo Le Figaro, việc Nga can thiệp quân sự vào vùng Levant, bao gồm Iraq và Syria, làm thay đổi cục diện bế tắc của cuộc xung đột, nhưng cũng có khả năng gây ra những xáo trộn nguy hiểm. 

Lo hậu quả nguy hiểm

Vẫn còn quá sớm để nhận định liệu chiến dịch quân sự của Nga có thể giải quyết được khủng hoảng hay không, mặc dù nó đã làm thay đổi diện mạo tình hình trên thực địa.

“Điểm tích cực, đó là sự can dự của một nhân tố mới vào tình hình vốn đã rơi vào bế tắc từ nhiều năm nay. Với việc phá vỡ thế giằng co, Nga có thể tạo ra tình huống mới để nắm bắt cơ hội. Còn điểm tiêu cực, đó là nhân tố Nga sẽ làm phức tạp thêm tình hình. Họ chưa biết được sẽ phải làm như thế nào” - một quan chức quân sự phương Tây giấu tên bình luận. 

Nếu như mục tiêu của Nga là đẩy lùi các đường ranh giới mặt trận sao cho có lợi cho chính quyền Damascus, sau đó sử dụng ảnh hưởng mà họ vừa giành được trong khu vực để buộc đồng minh Syria phải chấp nhận giải quyết khủng hoảng bằng con đường ngoại giao, Syria có thể sẽ có lợi từ bối cảnh mới. 

Saudi Arabia đã cảnh báo sự can thiệp của Nga có thể gây ra những “hậu quả nguy hiểm”, còn Thổ Nhĩ Kỳ gọi đó là “một sai lầm lớn”. 

Việc có nhiều nhân tố, nhiều cường quốc khu vực can dự vào cuộc chiến với ý đồ và mục tiêu khác nhau khiến cho triển vọng đạt được một quá trình chuyển tiếp chính trị trở nên xa vời hơn.

Liệu Nga có sa lầy?

Đằng sau tuyên bố chống IS, thực chất Tổng thống Putin đang nhằm mục tiêu chính là hậu thuẫn Damascus để duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông và vực lại vị thế cường quốc lớn của nước Nga. Trong khi đó, phương Tây, buộc phải thừa nhận chính sách “không IS, không Bashar”, đã không còn coi việc tổng thống Syria ra đi là điều kiện tiên quyết cho quá trình chuyển tiếp chính trị. 

Một quan chức Pháp bình luận: “Cả Bashar al-Assad và Putin sẽ không phái người tới Pháp để gây khủng bố, như các phần tử thánh chiến. Trên thang đo mức độ khủng bố của Liên minh Châu Âu, IS được xếp là mối đe dọa lớn nhất. Dù muốn hay không, chúng ta buộc phải nói chuyện với chế độ Syria. Và chúng ta không thể giải quyết được vấn đề Syria hay vấn đề Ukraine mà không có Putin”. 

Tuy nhiên, khó có thể hình dung một nước Syria hòa bình trở lại với người đứng đầu bị coi phải chịu trách nhiệm chính. Câu hỏi đặt ra hiện nay là Moskva có thiện chí và khả năng sử dụng những thành quả ngoại giao mà họ vừa thu được do cuộc can thiệp quân sự mang lại, cùng với đồng minh Iran, buộc Bashar al-Assad phải thỏa hiệp hay không.

Lần gần đây nhất, Moskva triển khai lực lượng bên ngoài không gian Xô Viết là tại Afghanistan năm 1979. Quân đội Liên Xô chỉ rút khỏi vùng đất này sau đó 10 năm và thiệt hại tới 15.000 quân. Hiện nay, nước Nga không có ý định đưa bộ binh tới Syria mà chỉ bằng lòng với chiến lược không kích bằng máy bay và tên lửa nhưng ít ai biết khi nào nó sẽ kết thúc. 

Khi đưa quân can thiệp vào Chechnya năm 1994, các nhà lãnh đạo Nga đã không thể dự báo được việc họ sẽ bị sa lầy ở đây trong thời gian khá lâu. Với việc đứng ra dẫn dắt trục Shiite tại Trung Đông, Nga đã tự biến mình thành kẻ thù tượng trưng của phe Sunni. Tấn công vào lợi ích của Nga tại Syria, khủng bố ở Nga hay vùng Caucasus, giết hại công dân Nga: danh sách những mối đe dọa đối với nước Nga ngày càng dài, nguy cơ bị sa lầy lớn dần. 

Tổ chức Al-Qaeda tại Syria đã kêu gọi các phần tử thánh chiến “tiêu diệt” người Nga. Ông Michel Goya, cựu sỹ quan hải quân đồng thời là nhà sử học Pháp, viết trên blog riêng “Con đường của thanh kiếm” cho rằng: “Sự can thiệp của “những kẻ bảo trợ Nga” sẽ chỉ kích động thêm xu hướng cực đoan thánh chiến”.

Với việc can thiệp đồng thời cả ở Syria và Ukraine, quân đội Nga đang bị kéo căng ra, trong khi nền kinh tế trải qua một giai đoạn khủng hoảng sâu sắc. Liệu Nga sẽ đủ khả năng quân sự để thực hiện tham vọng của mình ở Syria trong bao lâu nữa? Họ đã chuẩn bị sẵn kịch bản rút khỏi đây nếu như cuộc tấn công của quân đội Syria, được Hezbollah hậu thuẫn, không đủ tái chiếm lãnh thổ?

Giữa nguy cơ bị Afghanistan hóa và thắng lợi quân sự, các chuyên gia phân tích dự báo khả năng thứ ba: “không hiệu quả”. Khả năng này có thực. Việc một nhân tố rất mạnh như Nga bước vào cuộc sẽ làm cho không phận ở Trung Đông nhộn nhịp và vướng víu thêm. 

“Bốn trong số năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã can dự vào chiến trường Iraq-Syria, cộng với các nước trong khu vực. Theo chuyên gia Jean-Yves Mongrenier, Viện nghiên cứu Thomas More, với chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” nhằm răn đe, dọa dẫm đối thủ”, nước Nga đang gây ra những nguy cơ va chạm tại Syria. Các vụ xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ của máy bay ném bom Nga đã bị cả Ankara và NATO lên án. 

Nguy cơ leo thang còn rộng hơn. Lần đầu tiên kể từ nhiều thập kỷ, người Nga và Mỹ, kẻ thù của nhau trong Chiến tranh Lạnh, đã mặt đối mặt ở một nước thứ ba, với tầm nhìn rất khác nhau về tương lai của Syria. 

Một số chuyên gia cho rằng một “cuộc chiến tranh lạnh mới” đã xuất hiện ở Syria. Ông Jean-Yves Mongrenier nói: “Khoảng cách giữa các mục tiêu quân sự và chính trị của liên minh phương Tây và liên minh do Nga dẫn dắt khiến cho việc tìm kiếm một thỏa thuận khu vực ngày càng khó khăn. Nếu muốn hợp tác, Nga chỉ nên tập trung vào ném bom các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo và đầu tư cho giai đoạn hậu Assad. 

Nhưng thay vì thế, nước Nga, bị phương Tây cô lập về ngoại giao và chiến lược ở Ukraine, lại mở ra một mặt trận mới trong khuôn khổ chiến lược “không thẳng thắn”.

Trong lúc cuộc xung đột giữa hai phe Sunni và Shiite lan rộng khắp Trung Đông, tới tận Yemen, nơi Saudi Arabia ném bom phiến quân Houthi, đồng minh của Iran, cuộc chạm trán giữa Riyad và Tehran ngày càng căng thẳng. Với việc quân đội các nước tiếp xúc với nhau trên thực địa, các giá trị và lợi ích của các cường quốc mâu thuẫn với nhau, Syria rơi vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm và thành một thùng thuốc súng.

Syria và hậu quả sau những cuộc không kích - 1

Syria chìm trong khói lửa 

Ai được, ai mất?

Được lợi nhất trong ngắn hạn từ cuộc can thiệp này là Tổng thống Bashar al- Assad, chế độ của ông nhờ đó đã được cứu vãn. Các cuộc tấn công của máy bay Nga cho phép quân đội Syria, vốn trước đó phải lui về bảo vệ các khu vực trọng yếu, mở các cuộc phản công, mặc dù cho đến nay chưa giành được thắng lợi quyết định nào. 

Nhờ có bước đi chiến thuật, Nga đã giành lại vị thế là một nhân tố lớn trong khu vực mà các nước khác phải tính đến khi giải bài toán về Syria. 

Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định Moskva có được hưởng lợi từ bối cảnh mới này hay không. Sự can thiệp của Nga tại Trung Đông một phần bắt nguồn từ chính sách thụ động của ông Barack Obama, người luôn muốn giảm can dự vào khu vực. Thái độ do dự của Tổng thống Mỹ kể từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay đã bị các đối thủ khai thác triệt để.

Về phần Liên minh Châu Âu, sự chia rẽ giữa các nước thành viên cộng với thất bại của chính sách của họ đối với Syria dường như đã khiến cho khối bị gạt ra ngoài lề. Kể từ khi lực lượng đối lập ôn hòa gần như biến mất trên thực địa, EU không còn đồng minh nào để hỗ trợ. 

Về phần IS, tổ chức này mới đây đã tranh thủ các đợt không kích của Nga xuống các lực lượng nổi dậy khác để tiến về phía thành phố Aleppo. Liệu chúng có giành được ưu thế do Nga tạo ra hay không? Một số nhà phân tích lo ngại về điều này. 

Một sỹ quan cấp cao giấu tên phân tích: “Vấn đề không phải là Iraq hay Syria mà là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Các vụ khủng bố do Hồi giáo thánh chiến dòng Sunni gây ra đang xuất hiện khắp nơi. Trước một Liên minh Châu Âu lâm vào khủng hoảng cả về tinh thần và kinh tế, các phần tử Hồi giáo thánh chiến, có nhiều tiền và quyết tâm cao, đang mở rộng ảnh hưởng. 

Cả Nga lẫn liên minh phương Tây đều không thể đánh bại IS bằng sức mạnh quân sự. Điều mà chúng ta cần hiện nay là một chiến lược quốc tế để tiến tới một giải pháp ngoại giao và chính trị cho Syria. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì điều này không thể”. 

Trong khi chờ đợi, bị mất mát nhiều nhất là người dân Syria...

Theo Lâm Tuyền (Tổng hợp)

Pháp luật Việt Nam

Syria và hậu quả sau những cuộc không kích - 2