1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đòn sấm sét, chiến trường Syria chuẩn bị tư thế đàm phán

Hãng tin Ria Novosti cho hay quân đội Chính phủ Syria chỉ còn cách Palmyra - thành phố cổ hiện đang bị các phần tử khủng bố kiểm soát khoảng 20 km.

Tấn công toàn diện

Với sự yểm trợ từ trên không của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga, sư đoàn 18 thuộc Quân đoàn 3 của Syria đang tấn công các cứ điểm của lực lượng khủng bố ở ngoại ô Palmyra bằng pháo và súng cối.

Trước đó, tin cho hay quân đội Syria, được không quân Nga yểm trợ, đã chọc thủng vòng vây quanh sân bay quân sự Kvayres ở tỉnh Aleppo, vốn bị các tay súng bao vây hơn 2 năm qua.

Hoạt động tấn công bất ngờ của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho các tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đòn sấm sét, chiến trường Syria chuẩn bị tư thế đàm phán - 1

Binh sĩ quân đội chính phủ Syria. (Ảnh: Press TV)

Trong một diễn biến khác, Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/11 cho biết, trong vòng 48 giờ qua Không quân Nga đã tiến hành 85 lần không kích, tấn công 277 mục tiêu tại các tỉnh Aleppo, Damascus, Latakia, Hama, Homs và Idlib.

Tại các vùng lân cận khu dân cư Mhin, tỉnh Homs, các máy bay ném bom Su-34 đã phá hủy kho đạn dưới lòng đất của nhóm khủng bố "Dzhebhat en-Nusra".

Không quân Nga đã sử dụng bom xuyên phá bê tông BETAB-500 không kích tiêu diệt hoàn toàn mục tiêu.

Tại tỉnh Hama, máy bay ném bom Su-24M cũng tiêu diệt đại đội súng cối của các tay súng thuộc nhóm khủng bố trên.

Còn tại tỉnh Damascus, các máy bay Nga đã phá hủy kho đạn dược (chủ yếu gồm mìn và đạn pháo) của các chiến binh thuộc nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS).

Cách thành phố Tadmur, tỉnh Homs 45km về phía nam, máy bay ném bom Su-24M đã không kích trúng đoàn xe bọc thép của IS nhờ những thông tin mà máy bay không người lái của Nga trinh sát về mục tiêu; kết quả phá hủy 3 xe tăng và 2 xe chiến đấu bộ binh của khủng bố.

Ông Konashenkov khẳng định, nhờ sự yểm trợ từ trên không của Không quân Nga, những thông tin về vị trí bố trí trận địa hỏa lực, sở chỉ huy khủng bố vây quanh sân bay Kveyras từ phe đối lập Syria và trung tâm thông tin ở Baghdad, nên Quân đội Chính phủ Syria mới có thể phá vỡ sự phong toả sân bay quân sự Kveyras tại tỉnh Aleppo.

Iran: Giải pháp cho Syria không nên chỉ nhằm vào ông Assad

Ngày 11/11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định bất cứ giải pháp nào cho cuộc xung đột ở Syria cũng đều phải tập trung vào việc thiết lập một chính quyền vững chắc ở Damascus chứ không chỉ xoáy vào số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trả lời truyền thông Pháp, mặc dù không nêu tên nhà lãnh đạo Syria, ông Rouhani nói "đó không phải là vấn đề về một người, mà là vấn đề về an ninh và ổn định."

Tổng thống Iran đồng thời nhấn mạnh "tất cả chúng ta cần nỗ lực để tiêu diệt khủng bố tại Syria và đảm bảo việc khôi phục hòa bình và ổn định... chính người dân Syria sẽ quyết định ai là người điều hành đất nước."

Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách Các vấn đề Arab và châu Phi Hossein Amir-Abdollahian ngày 11/11 cho biết Tehran vẫn chưa quyết định có tiếp tục tham gia vòng đàm phán quốc tế về vấn đề Syria, dự kiến diễn ra ngày 14/11 tại thủ đô Vienna của Áo, hay không.

Thứ trưởng Amir-Abdollahian hé lộ nguyên nhân của vụ việc là do Mỹ chưa đưa ra câu trả lời liên quan đến "các hành động đơn phương của một số bên tham gia cuộc đối thoại quốc tế này."

Đòn sấm sét, chiến trường Syria chuẩn bị tư thế đàm phán - 2

Thứ trưởng Hossein Amir-Abdollahian. (Nguồn: Press TV)

Tại vòng đàm phán trước diễn ra ngày 30/10, các nước tham dự đều nhất trí về việc tôn trọng sự thống nhất và chủ quyền quốc gia của Syria, cũng như mục tiêu tiêu diệt các nhóm khủng bố đang hoạt động tại các nước Arab. Tuy nhiên, các đại diện vẫn bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong tiến trình chính trị của nước này.

Một số nước phương Tây và Trung Đông cho rằng Tổng thống al-Assad không thể là một phần của bất kỳ chính phủ nào trong tương lai ở Syria, trong khi Iran và Nga tuyên bố chỉ người dân Syria mới có thể quyết định về các vấn đề nội bộ của Syria.

Nga đã đề xuất kế hoạch 8 điểm kêu gọi tiến hành bầu cử sau một quá trình cải cách hiến pháp kéo dài 18 tháng ở Syria.

Tuy nhiên, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Matthew Rycroft ngày 11/11 cho biết đề xuất của Nga sẽ không phải là nội dung trọng tâm của cuộc đàm phán sắp tới.

Theo Thùy Dung (Tổng hợp)

Đất Việt

Đòn sấm sét, chiến trường Syria chuẩn bị tư thế đàm phán - 3