1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sức mạnh kinh ngạc của Nga sau chiến dịch ở Syria

Về việc Nga đột ngột rút quân khỏi Syria, các chuyên gia đã bàn nhiều. Trong phạm vi bài này, xin tạm chỉ bàn về khía cạnh quân sự.

1/ Rút quân

Như đã biết, ngày 14/3 Tổng thống Nga V.Putin đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga S.Shoigu bắt đầu rút lực lượng quân sự chính khỏi Syria (xin lưu ý – bắt đầu rút quân, rút bao nhiêu, không có thông tin cụ thể nhưng theo một số thông tin mới nhất tại Syria còn khoảng 20 máy bay tiêm kích và từng ấy máy bay ném bom).

2/ Kết quả

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu đã tổng (sơ) kết chiến dịch quân sự tại Syria bắt đầu từ 30/9/2015 với các con số cụ thể sau:

- Các máy bay của Bộ đội đường không – vũ trụ Nga đã tiến hành hơn 9.000 lần xuất kích tác chiến.

- Giải phóng 392 điểm dân cư và hơn 10.000 km2 (chính xác là 10.140 km2) lãnh thổ (Syria),

- Phá hủy 209 mục tiêu là các mỏ khai thác và cơ sở chế biến dầu.

- Phá hủy 2.912 phương tiện vận chuyển các sản phẩm dầu.

- Về cơ bản, đã tiêu diệt (phá huỷ) các mục tiêu là cơ sở hạ tầng quan trọng của IS (và các tổ chức khủng bố khác), ngăn chặn được nguồn đảm bảo cho phiến quân, tạo điều kiện cho Quân đội chính phủ (Assad) giành thế chủ động chiến lược.

3/ Những phương tiện chiến tranh Nga điều đến Syria

Nga có 2 căn cứ quân sự (tạm thời ) tại Syria: Tartus (cảng biển – tên gọi đầy đủ là cơ sở đảm bảo vật chất – kỹ thuật ) và Khmeymim (sân bay). Tại 2 căn cứ này Nga đã bố trí :

- Máy bay tiêm kích Su-30,

- Máy bay ném bom chiến trường (chiến thuật) Su-24 và Su-34,

- Máy bay cường kích Su-25,

- Máy bay AWACS (radar cảnh giới từ xa) A-50,

- Máy bay lên thẳng Mi-8AMTSH và Mi-24,

Sau khi một Su-24 bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày 24/11/2015, công tác bảo vệ cho cụm không quân Nga (lực lượng phòng không) được tăng cường . Để tiêu diệt tất cả phương tiện tấn công đường không – vũ trụ hiện đại, lực lượng phòng không Nga tại Khmeymim được tăng cường tổ hợp tên lửa phòng không S-400.

Sân bay này được các loại vũ khí hòng không sau bảo vệ:

- Tổ hợp pháo –tên lửa phòng không “Pantsir –S1”,

- Tổ hợp tên lửa phòng không “Osa”,

- Tổ hợp tên lửa phòng không “Buk-M2E”,

- Tổ hợp tên lửa phòng không S-200,

- Tổ hợp tên lửa phòng không S-125 “Pechora-2M”.

Ngày 17/11/2015, các máy bay Không quân chiến lược tầm xa Tu-160 và Tu-95MS cũng bắt đầu tham gia chiến dịch. Đáng chú ý là trước đó cả hai loại máy bay này đều chưa từng “thử lửa”.

Hải quân Nga cũng tham chiến. Các tàu của Phân hạm đội Caspian đã tấn công các mục tiêu của đối phương bằng tên lửa có cánh của tổ hợp Kalibr. Sai số xác xuất vòng tròn của Kalibr không vượt quá 3m.

Ngày 9/12, tàu ngầm Rostov na Donu cũng đã phóng tên lửa vào các mục tiêu của phiến quân từ Biển Địa Trung Hải.

4/ Loại phương tiện chiến tranh Nga được chú ý nhất trong chiến dịch Syria

Trong các loại vũ khí, khí tài Nga đưa đến Syria, máy bay chiến đấu được các nhà phân tích quân sự trên thế giới quan tâm nhất (vì đã thực sự tham chiến, lực lượng phòng không chưa thực sự “làm việc”).

Khoang chứa bom của máy bay ném bom- tên lửa Тu-22М3. Ảnh :Bộ quốc phòng Nga / RIАNovosti
Khoang chứa bom của máy bay ném bom- tên lửa Тu-22М3. Ảnh :Bộ quốc phòng Nga / RIАNovosti

a/ Máy bay chiến lược

Máy bay Tu-160, tham chiến từ 17/11/2015 như đã nói ở trên. Đây là lần đầu tiên Tu-160 được sử dụng để phóng tên lửa trong điều kiện tác chiến: Ngày đầu tiênTu-160 phóng tên lửa KH-101 từ không phận Iran, trong các ngày 18 và 19 /11/2015, Tu-160 phóng tên lửa từ không phận Nga: tầm bắn của Kh-101 là 5.000 km.

Máy bay Tu-95MS, là phiên bản mới nhất (các Tu-95 MS có tuổi từ 23 đến 35 năm) của Tu-95 (Tu-95 cất cánh lần đầu tiên vào năm 1952 - cách đây 64 năm).

Cũng như Tu-160, trong chiến dịch Syria Tu-95MS được sử dụng phóng để tên lửa có cánh và đây cũng là lần phóng tên lửa tác chiến đầu tiên của Tu-95MS. Khác với Tu-160 “Thiên nga trắng ” tên lửa của Tu-95 MS là Kh-555 (tức thế hệ trước của Kh-101).

Cự ly bắn của Kh-555 khoảng 2000 km, và như vậy cho phép tiêu diệt mục tiêu từ cự ly lớn (Tu- 95MS phóng Kh-555 từ không phận Iran) với độ chính xác cao: hệ thống dẫn đường của Kh-555 đảm bảo sai số xác xuất vòng tròn nhỏ hơn 20 m và như vậy là quá đạt yêu cầu (đầu tác chiến của Kh-555 nặng 410 kg).

Theo nhiều chuyên gia quân sự, sử dụng các tên lửa có cánh để công kích các mục tiêu của phiến quân trong khi lực lượng này không có các hệ thống phòng không đúng nghĩa là một sự lãng phí không cần thiết. Nhưng nếu xét từ góc độ Marketing thì động thái trên hoàn toàn có thể hiểu được.

Đây là cơ hội hiếm có để Nga “khoe” với thế giới (cả đối thủ tiềm năng và đối tác tiềm năng) tiềm lực quân sự của mình – vũ khí Nga có thể tiêu diệt các mục tiêu ở bất cứ điểm nào trên thế giới.

Máy bay ném bom- mang tên lửa chiến Tu-160 “Thiên nga trắng”. Ảnh : Bộ Quốc phòng Nga /RIA Novosti.
Máy bay ném bom- mang tên lửa chiến Tu-160 “Thiên nga trắng”. Ảnh : Bộ Quốc phòng Nga /RIA Novosti.

Máy bay Tu-22M3. Cất cánh từ sân bay Mozdok (Bắc Kapkaz, phía Nam Nga), Tu-22M3 thực hiện chức năng thuần túy quân sự – ném bom các trại huấn luyện, căn cứ và các kho tàng của đối phương. Các loại bom được sử dụng là bom rơi tự do, nhưng độ chính xác được tăng lên rất nhiều doTu-22M3 được trang bị các tổ hợp ngắm bắn- điều khiển đã được hiện đại hóa (đã có trong bài “Nga đã biến bom ngu thành thông minh như thế nào ” – tổ hợp SVP -24-22- cũng trên Báo DVO).

Ít nhất một số máy bay Tu-22M3 sử dụng trong chiến dịch Syria được trang bị tổ hợp SVP-24-22 của Công ty “Gefest-IT” như đã nói ở trên.

Nói thêm: Tu-22M3 đã được “thử thách” nhiều trong tác chiến: chúng đã tham gia vào các chiến dịch ở Afghanistan, Chesnia và trong cuộc chiến với Gruzia.

b, Máy bay ném bom chiến trường và máy bay cường kích

Máy bay Su-34. Có thể đây là loại máy bay dễ nhận biết của Không quân chiến đấu Nga vì chúng được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng .

Su-34 được sản xuất hàng loạt từ năm 2005,chiến dịch Syria là chiến dịch đầu tiên mà loại máy bay này tham chiến (nếu không tính tới một số vụ xuất kích đơn lẻ làm nhiệm vụ tác chiến điện tử trong cuộc “Chiến tranh 888” (tức cuộc chiến tranh bắt đầu ngày 08/08/2008 giữa Nga và Gruzia).

Tuy được phân loại là máy bay ném bom chiến trường (chiến thuật) nhưng với trọng lượng cất cánh 45 tấn và khả năng bay trong nhiều giờ, có thể coi Su-34 là máy bay “cận” chiến lược.

Chiến dịch Syria đối với Su-34 được coi là màn giới thiệu, đối với cả đối phương lẫn với các khách hàng tiềm năng (Su-34 hiện giờ mới chỉ được cung cấp cho Quân đội Nga). Thời kỳ đầu chiến dịch, tại sân bay Khmeymim có 06 chiếc Su- 34.

Máy bay ném bom chiến trường Su-24М. Ảnh : Dmitri Vinogradov в /RIА Novosti
Máy bay ném bom chiến trường Su-24М. Ảnh : Dmitri Vinogradov в /RIА Novosti

Máy bay Su-24М. “Lính cũ” của Không quân Liên Xô (chữ M đằng sau Su-24 – đã được hiện đại hóa). Được chế tạo để tận dụng khả năng bay cực thấp và với tốc độ siêu âm đột phá sâu trong hậu phương của NATO trong “Chiến tranh thế giới lần thứ ba”, và đã tham chiến trong các cuộc xung đột cục bộ cường độ khác nhau.

Riêng Syria là nơi để Su-24 M (cũng được trang bị tổ hợp SVP-24-22) thể hiện. Su-24M có thể sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau: từ bom FAB-500M54 đến tên lửa có điều khiển Kh-29L và bom có điều khiển các loại khác nhau.

Có 12 chiếc Su-24 M tham chiến tại Syria. Và đây là lực lượng thực hiện phần lớn “công việc” của Không quân Nga tại Syria.

Máy bay Su-25SМ. Biến thể hiện đại hóa của máy bay cường kích nổi tiếng Su-25. Một điều đáng lưu ý là mấy năm trước đây Su-25 đã từng nằm trong danh sách “thanh lý” vì chịu nhiều tổn thất. Đặc biệt là trong cuộc chiến ở Đông Ucraina – dân quân Donbass đã bắn hạ được một số Su-25 của Quân đội Ucraina.

Tại Syria, 12 chiếc Su-25M đã thực hiện gần 1.000 lần xuất kích tác chiến mà không chịu tổn thất nào. Để so sánh: trong “cuộc chiến tranh 888 ”, Không quân Nga đã thực hiện 400 chuyến xuất kích tác chiến, mất 04 Su-25, 01 Tu-22M3 và 02 Su-24M.

Tỷ lệ số lượng máy bay bị bắn hạ /chuyến xuất kích tác chiến của Không quân Ucraina còn cao hơn nhiều, dẫn đến việc Không quân Ucraina gần như phải dừng hoạt động.

Máy bay tiêm kích Su-27SМ. Ảnh : Vladimir Viatkin / RIА Nоvоsti
Máy bay tiêm kích Su-27SМ. Ảnh : Vladimir Viatkin / RIА Nоvоsti

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tổn thất thấp như vậy của không quân Nga tại Syria so với cuộc chiến“ 888” là: trình độ tác chiến và kỹ năng của phi công Nga được cải thiện đáng kể do số thời gian bay tập tăng nhiều và sử dụng các loại vũ khí có điều khiển làm giảm thời gian máy bay phải bay trên khu vực Phòng không của đối phương.

c/ Máy bay tiêm kích

Máy bay Su-30SМ. Có 4 chiếc Su-30SM tham chiến tại Syria với nhiệm vụ chính là tuần tiễu không phận phía bắc nước này để “đề phòng” các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ “ngăn cản công việc” của Không quân Nga. Đã có thông tin về việc các tiêm kích Su-30MS được trang bị vũ khí “không đối đất” (tức có thêm chức năng cường kích).

Đối với Su-30 tất cả các biến thể (cung cấp cho khách hàng nước ngoài từ cuối những năm 90, trong đó có VN, còn cho Không quân Nga – mới từ năm 2010) cuộc xung đột Syria cũng là trận thử lửa thực sự đầu tiên. Hiện nay Su-30 đang được sản xuất để xuất khẩu và cung cấp cho Không quân Nga; trong những năm tới, Su-30SM có thể thay thế Su-27 xuất xưởng từ thời Xô Viết.

Có 4 chiếc Su-27SM đã được hiện đại hóa cất cánh từ lãnh thổ Nga để bảo vệ Tu-22M3 tấn công các mục tiêu ở Bắc Syria. Hiện trong trang bị của Không quân Nga có hơn 70 chiếc Su-27 đã được hiện đại hóa (được trang bị thêm trang thiết bị điện tử và thêm nhiều loại vũ khí mới).

Cuộc chiến tại Syria đối với Su-27 không phải là lần đầu: trước đó Su-27 đã kịp tham gia vào một số cuộc xung đột ở không gian hậu Xô Viết và trong cuộc chiến tranh Etiopia – Eritria tại Châu Phi.

5/ Cuối cùng là nhận xét:

Xin tóm tắt bài báo trên Tờ The Wall Street Journal ( WSJ – Mỹ) ngày 16/3/2016:

“Chiến dịch Syria đã thể hiện những thành tựu của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga thời gian gần đây, cho thấy sức mạnh Quân đội Nga đã được tăng cường đáng kể, làm các chuyên gia Phương Tây ngạc nhiên và là một dịp tốt để quảng cáo vũ khí Nga trên thị trường vũ khí thế giới”.

Theo Lê Hùng – Nguyễn Hoàng (tổng hợp)

Đất Việt