1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sức mạnh đáng gờm của hệ thống phòng không Syria

(Dân trí) - Lá chắn phòng không của Syria, với các những khí tài trên 30 năm tuổi, được cho là đã bắn hạ 70% số tên lửa mà các lực lượng Mỹ, Anh, Pháp nã vào Syria trong cuộc không kích sáng sớm ngày 14/4.

Hệ thống phòng không của Syria đánh chặn các tên lửa của Mỹ và đồng minh


Hình ảnh được cho là tên lửa của Syria trên bầu trời Damascus ngày 14/4 (Ảnh: AP)

Hình ảnh được cho là tên lửa của Syria trên bầu trời Damascus ngày 14/4 (Ảnh: AP)

Cuộc tấn công của lực lượng phương Tây vào Syria diễn ra lúc 4 giờ sáng theo giờ địa phương ngày 14/4. Các tàu chiến của Mỹ ở Biển Đỏ, các máy bay ném bom B1-B và máy bay chiến đấu F-15 và F-16 đã nã hàng chục quả tên lửa hành trình xuống một mục tiêu gần Damascus và 2 mục tiêu ở tỉnh Homs.

Các máy bay B1-B thường được trang bị các tên lửa hành trình JASSM, có đầu đạn nặng 450 kg và tầm bay 370 km. Các tàu chiến Mỹ đã bắn ra tên lửa Tomahawk, mang đầu đạn nặng 450 kg và tầm tác chiến từ 1.300-2.500 km. Ngoài ra, theo Bộ Quốc phòng Nga, B1-B của Mỹ cũng mang theo bom dẫn đường GBU-38.

Không quân Hoàng gia Anh đã điều 4 máy bay tấn công mặt đất Tornado GR4 được trang bị tên lửa tầm xa không đối đất Storm Shadow để không kích các mục tiêu mà Anh gọi là “cơ sở vũ khí hóa học” ở Homs. Các vũ khí này có tầm bay 400 km.

Tham gia cuộc không kích, Pháp điều tàu khu trục Aquitaine, được trang bị tên lửa hành trình SCALP, và các máy bay chiến đấu Dassault Rafale, thường mang tên lửa hành trình SCALP hoặc Apache.

Để tránh máy bay bị bắn hạ, quân đội Anh, Mỹ, Pháp đã thực hiện tấn công ở bên ngoài tầm phòng thủ của hệ thống phòng không Syria. Các mục tiêu cách Địa Trung Hải khoảng 70-90 km.

Một vài giờ sau khi cuộc tấn công diễn ra, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Syria đã bắn hạ khoảng 71 trên tổng cộng 103 tên lửa của liên quan. Con số trên bao gồm 12 tên lửa bắn từ căn cứ Al-Dumyar ở đông bắc Damascus. Truyền thông Syria vào thời điểm đó thông báo quân đội nước này đã phá hủy 20 tên lửa tấn công vào Damascus.

Thêm vào đó, dù Syria sở hữu những hệ thống phòng không hiện đại như Pantsir-S1 với tên lửa đất đối không SAM và hệ thống pháo phòng không, nhưng các tên lửa hành trình của liên quân Mỹ bị bắn hạ chủ yếu bởi các hệ thống đã có trên 30 năm tuổi như các biến thể của hệ thống tên lửa tự hành Buk, hệ thống phòng không S-125 và S-200.

Hệ thống phòng không đáng gờm

Hệ thống Buk-M1 (Ảnh: Sputnik)
Hệ thống Buk-M1 (Ảnh: Sputnik)

Vào cuối năm 2016, các chuyên gia quốc phòng Nga đã nghiên cứu về quân đội Syria. Bản báo cáo kết luận hệ thống phòng không của nước này vẫn đáng gờm dù trải qua cả nửa thế kỷ hoạt động để chống khủng bố.

Theo ước tính, kho khí tài của không quân Syria có 36 tên lửa Pantsir-S1 do Nga cung cấp từ năm 2008 tới năm 2013; 3-6 tiểu đoàn Buk-M1 và Buk-M2; 5 trung đoàn tên lửa đất đối không tầm trung Kvadrat và 8 trung đoàn tên lửa tầm xa S-200VE.

Syria có 53 hệ thống Dvina và Volga, biến thể của hệ thống phòng không S-75, hệ thống từng bắn hạ máy bay U-2 ở Liên Xô và Cuba từ những năm 1960. Quốc gia Trung Đông cũng sở hữu 4.000 pháo phòng không với các cỡ đạn khác nhau, dù một phần trong số đó đang dần được cho nghỉ hưu.

Mặc dù sở hữu hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô, phần nhiều đã cũ, nhưng các tổ hợp phòng thủ của Syria vẫn có sức mạnh nhất định. Theo các chuyên gia quân sự Nga, hệ thống phòng không đáng gờm nhất mà Syria sở hữu là hệ thống Pantsirs, BuK-M1-2 và Buk M-2E. Các hệ thống này có thể bắn hạ máy bay chiến đấu F-15 từ khoảng cách 45 km, đồng thời có thể theo dõi và tiêu diệt cùng lúc hàng chục mục tiêu của đối phương.

Thêm vào đó, dù tuổi đời đã khá cao, S-125 Pechora vẫn là được coi là hệ thống nguy hiểm với NATO. Hồi năm 2015, chính hệ thống này được cho là đã bắn hạ máy bay không người lái Predator của Mỹ ở Latakia, Syria. Cuối cùng là các hệ thống S-200 có khả năng bắn hạ mục tiêu cách 300 km.

Hiện thời, tuy chưa rõ lực lượng Mỹ và đồng minh có tiếp tục tấn công bằng tên lửa vào Syria nữa hay không, nhưng Nga đang cân nhắc về việc cung cấp hệ thống phòng không tầm xa S-300 cho quân đội Damascus.

Trên thực tế, Nga đã hỗ trợ Syria khôi phục và hiện đại hóa hệ thống phòng thủ trong một năm rưỡi qua và sẽ tiếp tục thực hiện công việc này. Kết quả của sự hỗ trợ có thể thấy rõ ràng bằng sự chống trả của Syria trước các tên lửa của Mỹ và đồng minh.


Nga đang cân nhắc tới việc cung cấp cho Syria hệ thống phòng thủ tầm xa S-300 (Ảnh: Sputnik)

Nga đang cân nhắc tới việc cung cấp cho Syria hệ thống phòng thủ tầm xa S-300 (Ảnh: Sputnik)

Đức Hoàng

Theo Sputnik