1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sữa bột Trung Quốc bị nhiễm hóa chất như thế nào?

(Dân trí) - Trung Quốc hiện đang “mở” dần được vụ xì-căng-đan liên quan đến sữa bột nhiễm hóa chất khiến trẻ em bị sỏi thận. Đây được xem là mặt trái của sự phát triển kinh tế quá nhanh, trong khi các quy định ở đất nước 1,3 tỷ dân này vẫn còn chưa theo kịp.

Cho đến ngày 19/9, các quan chức y tế Trung Quốc cho biết 4 trẻ em đã tử vong do có liên quan đến sữa nhiễm hóa chất công nghiệp mêlamin, trong khi số trẻ em bị ảnh hưởng tiếp tục tăng lên con số 6.244 em. Hơn 1.300 em, hầu hết là mới sinh, vẫn phải điều trị ở bệnh viện, với 158 em đang bị suy thận cấp.

 

Vậy hóa chất mêlamin là gì và tại sao nó lại được đưa vào sữa chưa qua chế biến?

 

Mêlamin là một hóa chất công nghiệp được sử dụng trong chất dẻo, phân bón, quần áo chống cháy, thuốc nhuộm, hồ và nhiều vật gia dụng khác. Được chiết xuất từ than, nó chiếm khoảng 66% nitơ. Người ta cho rằng chất này được cho thêm vào sữa là để làm cho hàm lượng protein có vẻ tăng lên. Do hầu hết các cuộc kiểm tra protein đều lấy hàm lượng nitơ vì vậy cấu trúc hóa học của nó có thể đánh lừa các thiết bị kiểm tra. Một số nhà sản xuất sữa đã pha loãng sữa với nước để kết quả kiểm tra không phát hiện được hàm lượng protein thêm vào.

 

Hóa chất mêlamin gây hại đối với người như thế nào?

 

Mêlamin có thể gây sỏi thận và dẫn đến suy thận ở trẻ. Chính chất này cũng bị cho là đã khiến cho một loạt chó và mèo bị chết ở Mỹ do được cho ăn thức ăn của Trung Quốc chứa những thành phần gây độc hại. Các nhà khoa học Mỹ đưa ra một giả thuyết là chất này được kết hợp với hóa chất khác, Axít xyanuric, gây suy thận ở động vật.

 

Vụ bê bối sữa bột lần này được phát hiện vào khi nào?

 

Hãng sữa là “trung tâm” của vụ bê bối lần này là Tam Lộc, do Fonterra của New Zealand sở hữu 43% cổ phần. Tam Lộc nhận được những lời phàn nàn từ tận tháng 3 năm nay và các cuộc thử nghiệm của công ty vào tháng 8 phát hiện thấy sữa bột của họ chứa mêlamin. Tuy nhiên, phải mãi đến ngày 11/9 lệnh thu hồi sản phẩm mới được công bố, sau khi Thủ tướng New Zeleand Helen Clark thông báo với giới chức tại Bắc Kinh về vụ việc. Một số người cho rằng Tam Lộc trì hoãn thu hồi sản phẩm để tránh làm xấu hình ảnh quốc gia trong Thế vận hội Bắc Kinh hồi tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, Tam Lộc đã phủ nhận cáo buộc này.

 

Sữa nhiễm mêlamin có được xuất khẩu vào Mỹ?

 

Theo các nhà chức trách Mỹ thì không, mặc dù Hồng Kông đã thu hồi sữa, sữa chua, kem và các sản phẩm khác do tập đoàn Y Lợi của Trung Quốc sản xuất, sau khi họ tìm thấy mêlamin trong 8/30 mẫu sản phẩm của Y Lợi. Một số công ty khác như Yashili có trụ sở ở Quảng Đông và Suncare có trụ sở ở Thanh Đảo cũng đã thu hồi sữa bột được xuất khẩu sang Bangladesh, Yemen, Gabon, Burundi và Myanmar.

 

Phan Anh

Theo AP