1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc phát hiện mêlamin trong sản phẩm sữa New Zealand

(Dân trí) - Cơ quan an toàn thực phẩm Hàn Quốc hôm nay thông báo, giới chức nước này đã tìm thấy hóa chất mêlamin trong các sản phẩm sữa nhập khẩu từ New Zealand. Các sản phẩm sữa này được dùng trong sữa bột.

Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc cho biết, sản phẩm sữa, lactoferrin, do Công ty sữa Tatua của New Zealand sản xuất. Hàn Quốc hiện đang cấm tất cả các sản phẩm sữa khác do công ty này sản xuất để chờ kết quả xét nghiệm thêm.

 

Tuy nhiên, Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc cho biết không tìm thấy chất mêlamin trong 19 loại sữa trẻ em đã được kiểm tra. Điều này có lẽ là do hàm lượng lactoferrin thêm vào chỉ chiếm ít hơn 0,1% sản phẩm cuối cùng.

 

Lactoferrin là glucoprotein gắn với sắt, có nhiều trong sữa mẹ, nhất là sữa non. Lactoferrin làm suy yếu sự phát triển của nhiều nhóm vi khuẩn có hại, giúp tăng hấp thu sắt để cấu tạo hồng cầu.

Hiện công ty sữa Tauta của New Zealand chưa có bình luận gì về thông tin trên. Nhưng hôm thứ hai vừa qua, họ đã ngưng xuất khẩu lactoferrin do tìm thấy mêlamin. Công ty hiện cũng đang kiểm tra xem sản phẩm này được xuất khẩu đi đâu và xác định nguồn nhiễm mêlamin.

 

“Có khá nhiều vấn đề nhạy cảm xung quanh hóa chất mêlamin, kể cả khi hàm lượng của chúng rất thấp”, giám đốc của Tatua, Paul McGilvary, khi đó cho biết.

 

Ông cho biết Cơ quan an toàn thực phẩm New Zealand không tìm thấy mêlamin trong sản phẩm sữa của công ty này.

 

Hàn Quốc cho đến nay đã cấm nhập khẩu sữa bột Trung Quốc cũng như các loại bánh cho trẻ em sản xuất ở Trung Quốc. Họ cũng thu hồi một số sản phẩm nhiễm mêlamin đã được bán trên thị trường.

 

Trong những tuần gần đây, rất nhiều sản phẩm sữa và sản phẩm liên quan đến sữa của Trung Quốc đã bị dỡ khỏi giá bán hàng trên khắp thế giới, sau khi chúng được phát hiện có chứa hóa chất công nghiệp mêlamin, chất đã làm 4 trẻ em tử vong và hàng ngàn trẻ em bị ốm.

 

Phan Anh

Theo Reuters