1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những quân bài chủ lực của Putin năm 2015

Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đặt ra tiến trình hòa bình tại Syria chính là phần thưởng dành cho một năm đầy ván bài mạo hiểm của ông Putin.

Theo tờ Bloomberg, phần lớn những mạo hiểm này không hẳn tốt, nhưng sự thực đã giúp ông Putin tăng cường được vị thế của mình sau một năm 2014 đầy sóng gió, gây dựng nên vai trò mới cho nước Nga trong các vấn đề thế giới.

Những quân bài chủ lực của Putin năm 2015 - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Bloomberg)

Lệnh ngừng bắn Minsk

Hồi tháng 2, các cuộc đàm phán marathon với Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko cùng sự thúc đẩy từ các nhà lãnh đạo Pháp, Đức đã kết thúc với một thỏa thuận hòa bình mà ngay từ ban đầu đã thấy khó khả thi.

Ngoài một lệnh ngừng bắn, các bên hứa hẹn các bước đi chính trị mà họ không thể thực hiện: Ukraina nói rằng họ sẽ đảm bảo khu vực quân ly khai đang giữ quy chế đặc biệt, và đổi lại, Nga nhất trí trao lại quyền kiểm soát biên giới phía đông Ukraina.

Dù cả hai lời hứa này đều không thành hiện thực, nhưng thỏa thuận Minsk vẫn được kéo dài tới sang năm. Về cơ bản, đây không phải chiến thắng, nhưng cũng không phải thua cuộc cho ông Putin.

Ông Putin vẫn phải đối phó với trừng phạt từ phương Tây. Liên minh châu Âu gần đây đã quyết định gia hạn các trừng phạt này, và nỗ lực của ông Putin nhằm giảm nhẹ các trừng phạt của khối này đã không thành công.

Tuy nhiên, đàm phán ở Minsk đã khiến quan hệ giữa ông Putin với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande trở nên gần gũi hơn. Pháp và Đức giờ đây đều tham gia vào tiến trình hòa bình Minsk.

Bà Merkel bảo vệ việc xây dựng đường ống dẫn khí của Nga "Dòng chảy phương Bắc 2" vào Đức bất chấp sự chỉ trích từ phía Italy. Trong khi ông Hollande là lãnh đạo phương Tây muốn hợp tác với Nga nhất ở Syria.

Sức mạnh năng lượng

Chính sách đối ngoại của Nga trước vấn đề Crưm tất thảy chỉ là phóng chiếu sức mạnh năng lượng. Nhưng điều này hóa ra lại rất dở.

Tháng 5, ông Putin bị buộc phải loại bỏ đường ống "Dòng chảy phương Nam" dẫn khí tới châu Âu do EU phản đối. Phương án B của ông là chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng lụn bại do quan hệ đôi bên xấu đi, thậm chí trước cả khi Ankara bắn hạ máy bay Su-24. Trung Quốc có thể không cần nhiều khí đốt như Nga có thể cung cấp.

Tập đoàn Gazprom có quá nhiều dự án đường ống khí đốt quá đắt đỏ mà dường như chẳng ai cần tới, trong khi các đối thủ cạnh tranh của Nga tại Trung Đông lại sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của châu Âu, thay vì phụ thuộc vào Nga.

Việc mất lực đẩy dựa trên sức mạnh về năng lượng hẳn là khiến ông Putin bị ảnh hưởng không nhỏ. Ông không còn nhiều lựa chọn trừ việc tiếp tục cuộc chơi với sức mạnh duy nhất còn lại, đó là quân sự.

Cuộc chiến ở Syria

Khác với vấn đề năng lượng, việc phô trương sức mạnh quân sự lại là một thành công với ông Putin. Nhưng điểm trừ là đội quân của Tổng thống Syria Bashar al-Assad lại không hiệu quả như Moscow mong đợi. Nếu họ chiếm được Aleppo rồi thì ông Putin đã có thể đặt ra các điều khoản hòa bình.

Với tình hình này, ông Putin chỉ có thể thỏa hiệp với Mỹ và các đồng minh, nhất trí với các cuộc đàm phán giữa ông Assad và phe đối lập ôn hòa để dựng lên một chính quyền thậm chí có thể đối địch với ông Putin.

Tuy nhiên, một thỏa thuận khó chịu như vậy vẫn là một thắng lợi cho ông Putin. Mỹ hiện chấp nhận rằng ông đang đóng vai trò tích cực ở Syria, và nghị quyết của Hội đồng Bảo an rõ ràng là một thành quả của nỗ lực chung.

Năm tới sẽ ra sao?

Nhìn toàn cảnh thì mọi chuyện đang thiên theo hướng có lợi cho ông Putin. Cách ông sẵn sàng đối thoại và nhượng bộ một lần nữa lại khiến ông trở thành một người chơi có thể cân đối mọi việc, và không ai có thể né tránh ông.

Ngay cả Tổng thống Barack Obama, dù thừa nhận là không ưa ông Putin, nhưng vẫn thấy cần phải gặp ông thường xuyên.

Cuộc chơi của ông Putin trong năm tới có thể không mấy sáng sủa. Thỏa thuận Minsk sụp đổ có thể dẫn tới bạo lực gia tăng ở Ukraina và thêm trừng phạt. Các đàm phán tại Syria cũng có thể là kết cục không hay cho Nga, hoặc chẳng đi tới đâu.

Tuy nhiên, đáng quan tâm hơn cả, tổn thương kinh tế và ngành công nghiệp năng lượng đình đốn có thể gây hại cho sức mạnh quân sự của Nga.

Theo Lê Thu

Vietnamnet