1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Toàn cảnh thế giới một năm đầy biến động

(Dân trí) - Thế giới đã trải qua năm 2015 đầy biến động, với nhiều sự kiện gây ảnh hưởng toàn cầu, từ vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris, cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu đến thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu hay sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga trên trường quốc tế

Toàn cảnh thế giới năm 2015 trong 60 giây (Video: IBTimes)

1. Trung Quốc gia tăng các hành động phi pháp trên Biển Đông


Trung Quốc bồi đắp trái phép trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: AFP)

Trung Quốc bồi đắp trái phép trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: AFP)

Tình hình Biển Đông đã nóng lên tới mức đáng lo ngại trong năm qua do các hành động trái phép của Trung Quốc. Ngoài các hành động phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh còn đẩy nhanh việc bồi đắp và xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc bị cáo buộc đã đẩy mạnh cải tạo đất và xây dựng tại ít nhất 7 bãi đá Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa, Chữ Thập, Châu Viên, Vành Khăn và Én Đất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng 3 đường băng tại Trường Sa, đồng thời công khai kế hoạch sử dụng các đảo bồi đắp trái phép trên Biển Đông vì mục đích quốc phòng và dân sự.

Hành vi bồi đắp, lấn biển, xây đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị quốc tế chỉ trích dữ dội tại các diễn đàn đa phương. Thế giới đồng loạt lên tiếng không công nhận các đảo nhân tạo cũng như tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đòi hỏi quanh các đảo nhân tạo. Các quốc gia trong khu vực như Mỹ, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Úc... đều chỉ trích mạnh mẽ các hành động làm gia tăng căng thẳng mà Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về đường 9 đoạn phi lý và Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan tuyên bố có đủ thẩm quyền thụ lý vụ việc Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò”. Mỹ đã điều tàu và máy bay tuần tra hàng hải gần các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Úc cũng điều máy bay tuần tra Biển Đông trong nỗ lực duy trì an ninh và ổn định khu vực. Mỹ và Úc đã tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông trong tương lai, bất chấp sức ép từ Trung Quốc nhằm dừng hoạt động này.

2. Quan hệ Nga-phương Tây vẫn “căng như dây đàn”

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã trở nên căng thẳng vào năm 2014 sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine, khi Moscow ủng hộ phe đòi độc lập ở miền đông nước này và sáp nhập bán đảo Crimea. Sự căng thẳng này không những không lắng dịu, mà còn tiếp tục gia tăng trong năm 2015, nhất là sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria.

Cuộc đối đầu giữa Moscow và Kiev đã tiếp diễn khi hai nước có các biện pháp “ăn miếng trả miếng” liên quan tới các thỏa thuận năng lượng, thực phẩm, hàng không. Trong khi đó, chính sách mở rộng về phía đông của NATO đã gây thêm căng thẳng trong quan hệ với Nga. Việc Nga mở chiến dịch quân sự chống khủng bố tại IS tại Syria, độc lập với chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu tại Iraq và Syria, khiến phương Tây lo ngại về các tham vọng địa chính trị của Moscow.

Chiến đấu cơ Nga bốc cháy ngùn ngụt trên bầu trời sau khi bị bắn

Giữa lúc căng thẳng leo thang, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc vi phạm không phận. Vụ việc như “đổ thêm dầu vào lửa” trong quan hệ giữa Ankara và Moscow. Nga giận dữ miêu tả hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “cú đâm sau lưng” và đáp trả bằng hàng loạt lệnh trừng phạt thương mại mạnh mẽ, khiến Ankara bị tổn thất lớn về kinh tế. Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ được dự đoán sẽ khó hàn gắn chừng nào Ankara vẫn cương quyết không xin lỗi và bồi thường Nga về vụ bắn hạ Su-24.

3. Nga, liên quân phương Tây thực hiện các chiến dịch chống khủng bố độc lập tại Syria

Chiến hạm Nga nã 18 tên lửa hành trình diệt hơn 600 phần tử IS

Liên minh quân sự quốc tế gồm 65 quốc gia do Mỹ dẫn đầu đã mở chiến dịch không kích nhằm vào nhóm phiến quân IS tại Iraq từ tháng 8/2014 và mở rộng sang Syria từ tháng 9/2014. Liên quân này hoạt động độc lập, không thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hoạt động độc lập  với chính quyền Syria. Nhưng sau hơn 1 năm, chiến dịch này bị cho là không hiệu quả, dù tốn kém. Riêng kinh phí Mỹ đổ cho chiến dịch này đã lên tới hơn 5 tỷ USD tính từ tháng 9 năm ngoái đến cuối tháng 11 năm nay.

Ngày 30/9, Nga bắt đầu mở chiến dịch không kích khủng bố từ các căn cứ tại Syria theo đề nghị của Tổng thống nước này. Điện Kremlin tuyên bố việc Nga can thiệp vào Syria bằng các đợt không kích là nhằm tiêu diệt các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Các chiến dịch quân sự của Nga tại Syria là riêng rẽ, không phối hợp với liên quân do Mỹ đứng đầu. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng đối đầu giữa Nga và lực lượng liên quân. Sự lo ngại này là có cơ sở khi vào cuối tháng 11 các chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay quân sự Su-24 của Nga, khiến một phi công tử nạn.


Các máy bay quân sự Nga hoạt động tại Syria (Ảnh: RIA)

Các máy bay quân sự Nga hoạt động tại Syria (Ảnh: RIA)

Chiến dịch không kích của Nga tại Syria đã thu hút sự chú ý của thế giới, một phần cũng bởi Nga liên tiếp cung cấp thông tin cập nhật và hình ảnh thực địa về chiến dịch, đối lập với sự dè dặt trong việc công bố thông tin từ liên quân. Nga đã điều tới Syria nhiều loại máy bay chiến đấu, trực thăng quân sự, máy bay ném bom tầm xa, các loại bom và tên lửa thông minh. Các máy bay Nga dội bom các mục tiêu phiến quân với mật độ xuất kích dày đặc, cả ngày lẫn đêm. Các tàu chiến và tàu ngầm Nga cũng tham gia nã tên lửa vào các mục tiêu khủng bố. Không quân Nga hôm 25/12 cho biết đã tiến hành 5.240 đợt xuất kích tại Syria tính từ đầu chiến dịch không kích ngày 30/9, tiêu diệt hàng nghìn cơ sở hạ tầng của nhóm phiến quân IS.

Do những khác biệt về quan điểm đối với Tổng thống Syria al-Assad, Nga và Mỹ cho tới nay vẫn không hợp tác trong chiến dịch không kích tại Syria. Mỹ mới đây tuyên bố không có kế hoạch hợp tác với Nga và sẽ không trao đổi thông tin về các nhóm khủng bố chừng nào Moscow thay đổi quan điểm về ông al-Assad. Do vậy, viễn cảnh về một cuộc hợp tác Nga-Mỹ tại Syria giờ đây vẫn rất xa vời.

4. Hoàn tất đàm phán hiệp định TPP sau 5 năm

(Ảnh: Humanosphere)
(Ảnh: Humanosphere)

Sau 5 năm đàm phán, Mỹ và 11 nước thành viên thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam cuối cùng đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 10, một hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử. TPP bao phủ khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu, và sẽ tạo ra một khối kinh tế Thái Bình Dương mới. Hiệp định được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trong khối. Ngoài ra, hiệp định sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước thành viên. Vượt qua khuôn khổ của một hiệp định thương mại, TPP còn là xương sống về kinh tế trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington, trong bối cảnh đối thủ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực cũng như toàn cầu.

Sau khi quá trình đàm phán hoàn tất, các nước thành viên sẽ phải tiến hành phê chuẩn TPP trước khi hiệp định này chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tiến trình thông qua hiệp định này tại từng quốc gia thành viên có thể sẽ không dễ dàng và mất nhiều thời gian.

5. Khủng hoảng nhập cư đe dọa châu Âu


Thi thể bé trai người Syria trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã gây chấn động thế giới. (Ảnh: AP)

Thi thể bé trai người Syria trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã gây chấn động thế giới. (Ảnh: AP)

Tính đến ngày 21/12, số lượng người di cư vào châu Âu năm nay đã vượt 1 triệu người, theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế. Đây chính là vấn đề gây chia rẽ tại châu Âu suốt năm qua. Tổng cộng đã có 1.006.000 người vào châu Âu, thông qua 6 quốc gia Hy Lạp, Bulgaria, Ý, Tây Ban Nha, Malta và đảo Síp.

Các cuộc xung đột tại Syria, Bắc Phi và Afghanistan, chính là nguyên nhân khiến người di cư tìm cách vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu xin tị nạn. Trong đó, lượng người xin tị nạn đến từ Syria là gần 180.000 người, tiếp đó là Afghanistan và Kosovo.

Để ứng phó, Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 9 đã bỏ phiếu đồng thuận, phân bổ 120.000 người tị nạn cho các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch đã bị thu hẹp, chỉ còn áp dụng cho 66.000 người đang có mặt tại Ý và Hy Lạp. 54.000 người còn lại lẽ ra được chuyển khỏi Hungary nhưng nay vẫn chưa thể tìm được nơi định cư.

6. Quan hệ Cuba-Mỹ khởi sắc sau nửa thế kỷ thù địch


Lãnh đạo Mỹ, Cuba bắt tay nhau trong cuộc hội đàm tại Panama. (Ảnh: AFP)

Lãnh đạo Mỹ, Cuba bắt tay nhau trong cuộc hội đàm tại Panama. (Ảnh: AFP)

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đưa ra tuyên bố lịch sử nằm khôi phục quan hệ ngoại giao sau hơn nửa thế kỷ thù địch vào ngày 17/12/2014, quan hệ giữa hai nước đã chứng kiến những bước phát triển đáng chú ý trong một năm qua. Washington và Havana đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc cấp cao và các bước đi tích cực xóa bỏ những rào cản nhằm hàn gắn quan hệ.

Trên bình diện ngoại giao, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có cuộc gặp lịch sử tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama hồi tháng 4/2015 và đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai nước hội đàm sau gần 6 thập niên. Đến tháng 7, quốc kỳ Cuba lần đầu tiên tung bay trên bầu trời thủ đô Washington khi Đại sứ quán Cuba tại Mỹ chính thức được mở cửa trở lại. Hơn 1 tháng sau đó, quốc kỳ Mỹ cũng được kéo lên tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Havana của Cuba. Các lễ thượng cờ trở thành sự kiện quan trọng, tượng trưng cho việc khôi phục quan hệ song phương giữa Mỹ và Cuba.

Lãnh đạo Mỹ, Cuba bắt tay tại thượng đỉnh khu vực

Trên bình diện kinh tế, hai nước đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm dỡ bỏ các hạn chế về thương mại, tài chính. Mỹ đã nới lỏng các hạn chế đi lại, du lịch, thương mại kiều hối đối với Cuba. Hai nước cũng nhất trí nối lại các chuyến bay thương mại đều đặn giữa hai bên.

Tuy nhiên, tiến trình tiến tới bình thường hóa hoàn toàn giữa hai nước được dự đoán sẽ còn những chông gai và mất nhiều thời gian. Mỹ cho tới nay vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Cuba, được áp đặt kể từ năm 1962. Hai nước cũng chưa tìm được tiếng nói chung về một số vấn đề, như căn cứ quân sự Guantanamo.

7. Thế giới ký thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu


Các quan chức ăn mừng thỏa thuận khí hậu tại COP 21 (Ảnh: UN)

Các quan chức ăn mừng thỏa thuận khí hậu tại COP 21 (Ảnh: UN)

Hiện tượng nóng lên của khí hậu trái đất đang là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Tuy nhiên, chính phủ các nước trên thế giới đã bị chỉ trích là rất chậm trễ trong việc giải quyết thách thức này. Nghị định Kyoto năm 1992 đã thất bại trong việc đưa ra các cam kết cắt giảm khí hiệu ứng nhà kính. Tiếp đến, Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu Copenhagen năm 2009 cũng không mang lại kết quả đáng kể. Do vậy, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 21 khai mạc giữa tháng 11 tại Paris (Pháp) đã đứng trước một đòi hỏi cấp bách nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu.

Sau gần 2 tuần đàm phán, đại diện gần 200 quốc gia đã đạt được thỏa thuận lịch sử, trong đó mọi quốc gia tham gia cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, nhằm giới hạn sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Thỏa thuận này có tầm quan trọng như một cột mốc lịch sử nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Đây là thỏa thuận đầu tiên kêu gọi tất cả các nước trên thế giới gồm cả các nước nghèo và nước giàu chung tay hành động để chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ năm 2020.

8. Phiến quân IS thực hiện hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu

Kinh hoàng con tin trúng đạn tháo chạy khỏi nhà hát Pháp

Trong năm qua, Tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã không ngừng mở rộng lãnh thổ ra và gia tăng quy mô các vụ tấn công khủng bố khắp toàn cầu. IS đã khuyếch trương thanh thế bằng hàng loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại nhiều địa điểm, trong đó phải kể đến loạt tấn công khủng bố Paris, vụ gài bom máy bay Nga tại Ai Cập, vụ đánh bom tại Thổ Nhĩ Kỳ, vụ tấn công khủng bố tại Li-băng.

Ngày 13/11, những kẻ tấn công đã thực hiện loạt vụ nổ súng và đánh bom tại nhiều địa điểm ở trung tâm thủ đô Paris (Pháp), cướp đi sinh mạng của 130 người, trong đó có 90 người bị thảm sát kiểu máu lạnh bên trong nhà hát Bataclan. Trước đó, hôm 30/10, một máy bay Nga đang trên đường từ khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh về St Petersburg đã bị gài bom và nổ tung trên bầu trời bán đảo Sinai, Ai Cập, khiến toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng.

Hiện trường thảm khốc vụ rơi máy bay Nga tại Ai Cập

Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10 đã bị rung chuyển bởi vụ đánh bom kép, khiến khoảng 130 người thiệt mạng. Hồi tháng 11, hai vụ đánh bom đẫm máu đã xảy ra tại thủ đô Beirut của Li-băng, khiến ít nhất 41 người thiệt mạng.Thủ phạm đứng sau các vụ tấn công này tiếp tục là nhóm phiến quân IS.

Chỉ trong vài năm qua, IS đã ngày càng trở nên đông hơn về số lượng thành viên, giàu hơn nhờ kiểm soát nhiều mỏ dầu tại Iraq và Syria, và nguy hiểm hơn bởi các vụ hành quyết và tấn công tàn bạo. Không chỉ đang kiểm soát các khu vực lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria, IS giờ đây còn mở rộng sang các địa bàn hoạt động mới tại Libya và Afghanistan. Thậm chí, các nguồn tin còn cho biết IS đang lên kế hoạch thành lập các chi nhánh tại Đông Nam Á. IS hiện trở thành mối đe dọa không chỉ với các nước trong khu vực Trung Đông mà còn với cả thế giới. Vì vậy, việc tiêu diệt tổ chức này giờ đây đòi hỏi phải có sự phối hợp và quyết tâm rất lớn của các nước.

9. Thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Iran


Ngoại trưởng các nước tham gia đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng các nước tham gia đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran. (Ảnh: AP)

Được khởi động từ năm 2002, tiến trình đàm phán hạt nhân Iran cuối cùng đã mang lại kết quả tích cực vào tháng 7/2015. Sau nhiều lần bỏ lỡ hạn đích và những cuộc đàm phán giằng co, Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) đã đạt được một thỏa thuận lịch sử, cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Cộng hòa Hồi giáo ngừng chương trình hạt nhân.

Theo thỏa thuận, Iran sẽ phải từ bỏ 97% kho uranium làm giàu, cắt giảm 2/3 thiết bị máy li tâm, đóng cửa một lò thử hạt nhân quan trọng và cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào thanh tra các cơ sở hạt nhân. Đổi lại, quốc tế từng bước dỡ bỏ cấm vận kinh tế chống Iran, dù lệnh cấm vận vũ khí vẫn sẽ được tiếp tục duy trì trong 5 năm và cấm vận tên lửa trong 8 năm.

Thỏa thuận hạt nhân được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Iran, vốn đã bị cắt đứt từ năm 1979 sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Nó cũng sẽ giúp hai nước tăng cường hợp tác trong giải quyết các cuộc khủng hoảng Iraq và Syria, cũng như chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

10. Những vụ tai nạn khủng khiếp


Hiện trường vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân, Trung Quốc nhìn từ trên cao. (Ảnh: News.cn)

Hiện trường vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân, Trung Quốc nhìn từ trên cao. (Ảnh: News.cn)

Thế giới năm qua đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn và thiên tai kinh hoàng, từ động đất tại Nepal, nổ lớn tại Thiên Tân Trung Quốc, tới giẫm đạp gần thánh địa Mecca hay loạt vụ rơi máy bay tại Đài Loan, Indonesia, Pháp và Ai Cập.

Vụ động đất có cường độ 7,8 độ richter, xảy ra tại Nepal hôm 25/4 chính là thảm họa gây thương vong lớn nhất năm 2015, với hơn 8600 người thiệt mạng, hơn 16.800 người bị thương. Tiếp sau đó, thảm kịch giẫm đạp gần thánh địa Mecca, Ảrập Xêút hôm 24/9, làm 769 người thiệt mạng, theo số liệu của chính quyền địa phương. Dù vậy thống kê của hãng tin AP cho thấy con số thực có thể lên tới trên 1400 người chết.

Trong khi đó, các vụ tai nạn hàng không tiếp tục là nỗi ám ảnh. Thống kê của Mạng an toàn Hàng không đến ngày 26/12 cho thấy, có 16 vụ tai nạn chết người xảy ra với máy bay dân sự, làm 560 người thiệt mạng. Vụ rơi máy bay hãng Germanwings tại Pháp hôm 24/3, khiến 150 người tử nạn. Ngoài ra còn có 2 vụ tai nạn máy bay tại Indonesia hôm 16/8 và 30/6 làm tổng cộng 193 người chết.

Trong lĩnh vực an toàn công nghiệp, vụ nổ tại một nhà kho thành phố Thiên Tân, Trung Quốc hồi giữa tháng 8 đã làm 161 người thiệt mạng, trong đó có 95 lính cứu hỏa. Các cuộc điều tra được tiến hành sau đó phơi bày nhiều sai phạm trong cấp phép, quản lý và tham nhũng.

Ban Quốc tế