1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kỳ 1:

Sự thật, điều hư cấu và Biển Đông

Chỉ trong vài tuần tới, các thẩm phán quốc tế sẽ bắt đầu xem xét tính hợp pháp của yêu sách "đường chữ U" của Trung Quốc (TQ) ở Biển Đông.

LTS: Một quan điểm dứt khoát về yêu sách của TQ ở Biển Đông của ký giả Bill Hayton, một chuyên gia nổi tiếng đã có nhiều năm gắn bó với khu vực Đông Nam Á và là tác giả cuốn "Biển Đông: cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á" (tên gốc: South China Sea: the Struggle for Power in Asia). Trân trọng giới thiệu với bạn đọc:

Chỉ trong vài tuần tới, các thẩm phán quốc tế sẽ bắt đầu xem xét tính hợp pháp của yêu sách "đường chữ U" của TQ ở Biển Đông.

Nơi xử sẽ là Tòa Trọng tài quốc tế thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan và bước đầu tiên của tòa, trong các cuộc tranh luận vào tháng 7, sẽ là cân nhắc xem liệu họ thậm chí có thẩm quyền để xử vụ kiện này hay không.

Hy vọng tốt nhất của TQ là các thẩm phán sẽ ra phán quyết tự loại bỏ họ khỏi thẩm quyền phân xử vụ việc, vì nếu họ không làm vậy, vụ kiện của Philippines sẽ tiếp tục và nhiều khả năng là TQ sẽ lâm vào một tình cảnh bị xấu mặt nghiêm trọng.

Trong khi đó, Philippines muốn Tòa PCA ra phán quyết rằng, theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), TQ chỉ có thể tuyên bố chủ quyền và các quyền đối với các nguồn tài nguyên trong những vùng biển cách lãnh thổ một khoảng cách nhất định.

Nếu tòa nhất trí, phán quyết của tòa sẽ tạo ra ảnh hưởng teo rút "đường lưỡi bò" thành một vài vòng không có đường kính lớn hơn 24 hải lý (khoảng 50km).

TQ không chính thức tham gia vào vụ kiện, nhưng đã gián tiếp nêu lên các luận điểm của mình, đặc biệt là thông qua một "văn kiện bày tỏ lập trường chính thức" đăng tải hồi tháng 12 năm ngoái.
TQ cải tạo trái phép đá Huy Gơ ở Trường Sa của VN
TQ cải tạo trái phép đá Huy Gơ ở Trường Sa của VN

Văn kiện này lập luận rằng, tòa PCA không nên phân xử vụ kiện của Philippines cho tới khi một tòa án khác ra phán quyết về tất cả các yêu sách đối kháng về chủ quyền đảo, đá và dải đá ngầm khác nhau. Các trọng tài quốc tế cần phải xem xét vấn đề này đầu tiên.

Chiến lược của TQ trong "cuộc chiến pháp lý" trên Biển Đông là tung ra các luận cứ lịch sử để "đè bẹp" các luận cứ dựa vào UNCLOS.

TQ dường như ngày càng coi UNLCOS không phải là một phương tiện trung lập để giải quyết các tranh chấp, mà là một thứ vũ khí có tính thiên vị được các nước khác lợi dụng nhằm phủ nhận các quyền tự nhiên của nước này.

Tuy nhiên, TQ vấp phải một rắc rối lớn trong việc sử dụng các luận cứ lịch sử. Gần như chẳng có bằng chứng nào là căn cứ cho chúng.

Mặc dù vậy, đây đã không phải là ấn tượng mà độc giả thông thường có được khi đọc hầu hết các bài báo hoặc các báo cáo của các tổ chức tư vấn chính sách (think tanks) phân tích về các tranh chấp ở Biển Đông trong những năm gần đây.

Đó là vì, nền tảng kiến thức lịch sử của hầu hết các bài viết và báo cáo chỉ được dựa trên một số lượng rất nhỏ các công trình nghiên cứu và sách.

Đáng lo ngại là, một cuộc điều tra chi tiết đối với những công trình và sách này gợi ý rằng chúng đã dựa trên những căn cứ không đáng tin cậy để viết nên các sự kiện lịch sử xác thực.

Đây là một chướng ngại đáng kể trong việc giải quyết các tranh chấp, vì việc hiểu sai các bằng chứng lịch sử của TQ chính là yếu tố gây bất ổn lớn nhất trong tình cảnh căng thẳng hiện nay.

Sau hàng thập niên giáo dục sai, người dân và tầng lớp lãnh đạo TQ dường như bị thuyết phục rằng, TQ là chủ nhân hợp pháp của tất cả các thực thể địa lý ở Biển Đông - và còn có thể cả những vùng biển xung quanh. Quan điểm này đơn giản không được hậu thuẫn bởi các bằng chứng của thế kỷ 20.

Ai kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát cả tương lai

Vấn đề đặt ra cho khu vực là sự giáo dục sai này không chỉ xảy ra ở TQ.

Các bằng chứng không đáng tin cậy đang phủ bóng lên các suy luận quốc tế về những tranh chấp ở Biển Đông. Nó đang bóp méo các đánh giá về tranh chấp ở các cấp cao của chính phủ, cả ở Đông Nam Á và Mỹ.

Tôi sẽ sử dụng các ấn phẩm gần đây để minh họa cho quan điểm của mình: đó là 2 bài bình luận năm 2014 cho Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) của học giả TQ Li Dexia và học giả người Singapore Tan Keng Tat, một bài thuyết trình năm 2015 của cựu Phó Đại sứ Mỹ ở TQ Charles Freeman tại Đại học Brown và một báo cáo năm 2014 cho Trung tâm Phân tích hải quân ở Mỹ.
Một góc TQ cảo tạo Gạc Ma trái phép ở Trường Sa của VN

Một góc TQ cảo tạo Gạc Ma trái phép ở Trường Sa của VN

Điểm nổi bật của những ấn phẩm trên - và đây chỉ là một số ví dụ điển hình nhất của một nguồn tài liệu rộng lớn hơn nhiều - là chúng phụ thuộc vào những tài liệu lịch sử được xuất bản cách đây nhiều năm.

Một số ít các nghiên cứu được xuất bản trong những năm 1970, đáng kể đến là một bài báo của Hungdah Chiu và Choon Ho Park; cuốn sách "Tranh chấp Biển Đông" của Marwyn Samuels năm 1982, cuốn "Biên giới biển của Trung Quốc" của Greg Austin" năm 1998 và hai bài báo của Jianmeng Shen xuất bản năm 1997 và 2002.

Những bài viết trên đã tạo nên vốn kiến thức cơ bản về các tranh chấp Biển Đông. Ứng dụng Google Scholar tính toán rằng, bài báo của Chiu và Park đã được 73 tác giả khác trích dẫn lại, trong khi sách của Samuel được trích dẫn 143 lần.

Những công trình về sau trích các tác giả này bao gồm một cuốn sách của Brian Murphy năm 1994 và các bài viết của Jianmeng Shen năm 1997 và 2002. Các ấn phẩm này về sau lại lần lượt được 34 và 35 tác giả khác trích dẫn lại, cũng như được đề cập đến trong cuốn sách xuất bản năm 1989 của Chi-kin Lo, vốn được 111 công trình khác trích dẫn.

Tác giả Lo rõ ràng dựa vào Samuels trong hầu hết các lí giải lịch sử của mình và thực tế ca ngợi Samuels "vì việc xử lý dữ liệu lịch sử một cách tỉ mỉ".

Đô đốc hải quân (đã nghỉ hưu) Michael McDevitt, người viết lời phi lộ cho nghiên cứu đăng tải trên trang CNA, nhấn mạnh rằng, cuốn Tranh chấp Biển Đông, "vẫn có chỗ đứng tốt khoảng 40 năm sau đó".

Các tác phẩm trên là những nỗ lực đầu tiên nhằm lý giải lịch sử tranh chấp Biển Đông cho các độc giả nói tiếng Anh. Chúng có một số đặc điểm chung sau đây:

Chúng được các chuyên gia về luật quốc tế hoặc chính trị học viết, thay vì các nhà sử học hàng hải trong khu vực.

Chúng nhìn chung thiếu những tài liệu tham khảo gốc.

Chúng có xu hướng dựa vào các nguồn truyền thông của TQ, vốn không dẫn nguồn tới bằng chứng gốc hay những  công trình dẫn tới bằng chứng gốc.

Chúng có xu hướng trích dẫn các bài báo được viết nhiều năm sau khi xảy ra sự kiện và coi như đó là bằng chứng của sự thật.

Chúng nhìn chung thiếu thông tin bối cảnh lịch sử.

Chúng được viết bởi các giả có những mối liên hệ gần gũi với TQ.

Những công trình đầu tiên về tranh chấp Biển Đông

Các bài viết bằng tiếng Anh về Biển Đông xuất hiện ngay sau "hải chiến Hoàng Sa" vào tháng 1/1974, khi hải quân TQ trục xuất các lực lượng Việt Nam Cộng hòa (miền nam Việt Nam) khỏi nửa phía tây quần đảo.
Bill Hayton - tác giả cuốn: Biển Đông - cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á. (Ảnh:
Bill Hayton - tác giả cuốn: "Biển Đông - cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á". (Ảnh: NYTimes)

Các phân tích đầu tiên chỉ mang tính báo chí, trong đó có bài viết của Cheng Huan, một sinh viên luật người Malaysia gốc Hoa ở London khi đó và hiện là một chuyên gia luật cấp cao ở Hong Kong, trong số phát hành tháng 2/1974 của tạp chí Far Eastern Economic Review.

Trong bài viết này, Cheng phát biểu rằng: "Yêu sách lịch sử của TQ [đối với Hoàng Sa] có tài liệu dẫn chứng vô cùng rõ ràng và đã có từ rất lâu, từ thời xa xưa đến mức gần như không có nước nào khác có thể đưa ra tuyên bố đối lập có ý nghĩa".

Ý kiến này được Chi-Kin Lo, một sinh viên khóa sau ủng hộ và trích lại trong cuốn sách "Chính sách của TQ đối với các tranh chấp lãnh thổ" năm 1989.

Các công trình nghiên cứu kinh viện đầu tiên xuất hiện vào năm sau đó. Chúng bao gồm một bài báo của Tao Cheng cho tạp chí luật quốc tế Texas và một bài khác của Hungdah Chiu và Choon Ho Park cho tạp chí Ocean Development & International Law. Trong năm tiếp theo, Viện nghiên cứu về châu Á ở Hamburg, Đức đã cho đăng tải một chuyên khảo của học giả Đức Dieter Heinzig.

Bài báo của Cheng dựa chủ yếu vào các nguồn của TQ và bổ sung thêm thông tin từ các hãng tin Mỹ.

Các nguồn chính của TQ là các tạp chí thương mại với những phiên bản nổi tiếng hồi những năm 1930 như Tạp chí Bình luận ngoại giao xuất bản ở Thượng Hải từ năm 1933 - 1934 và Nguyệt san Tân Á từ năm 1935. Chúng được bổ sung bằng các tài liệu từ Nguyệt san minh báo của Hong Kong từ năm 1973 - 1974.

Các tờ báo khác cũng được trích dẫn bao gồm Tuần báo Quốc văn, xuất bản ở Thượng Hải trong khoảng năm 1924 - 1937, Nhân dân Nhật báo và New York Times.

Cheng không đề cập tới bất kỳ nguồn nào của Pháp, Việt Nam hay Philippines, ngoại trừ một bài báo năm 1933 từ tạp chí La Géographie, vốn được biên dịch và tái tin trên Tạp chí Bình luận ngoại giao.

Theo Bill Hayton (Dịch: Thanh Bình  - Dự án Đại sự ký Biển Đông)
Vietnamnet

(Tiếp: TQ đã chế biến tài liệu về Biển Đông như thế nào?)