1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Sự khiêm nhường hiếm thấy khi lãnh đạo Triều Tiên thừa nhận yếu kém

(Dân trí) - Ông Kim Jong-un đã cho thấy hình ảnh một nhà lãnh đạo thẳng thắn và khiêm nhường khi công khai thừa nhận sự yếu kém của nền kinh tế Triều Tiên dù điều này đi ngược lại với truyền thống vốn có của Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo Hàn - Triều cùng nhau xem hòa nhạc, dự tiệc tối

Ông Kim Jong-un đón ông Moon Jae-in tại sân bay Sunan ngày 18/9 (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un đón ông Moon Jae-in tại sân bay Sunan ngày 18/9 (Ảnh: Reuters)

Tại nhà khách Paekhwawon, nơi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Đệ nhất phu nhân Kim Jung-sook lưu lại trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã công khai xin lỗi Tổng thống Moon khi bố trí cho ông ở tại “một nơi sơ sài” như Paekhwawon.

“Ngài Tổng thống đã tới thăm nhiều nước trên thế giới. So với các quốc gia phát triển, nhà khách của chúng tôi có phần sơ sài một chút. Tôi hy vọng ngài sẽ chấp thuận sự đón tiếp của chúng tôi vì chúng tôi đã làm tốt nhất có thể để phục vụ ngài”, ông Kim Jong-un nói trong cuộc trò chuyện với ông Moon.

Tuy nhiên, theo giải thích của ông Kim Jong-un, nhà khách Paekhwawon có lịch sử đáng ghi nhận khi là nơi chứng kiến lễ ký kết tuyên bố chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vào các năm 2000 và 2007. Các cựu tổng thống Hàn Quốc từng ở lại nhà khách này trong các chuyến công du tới Triều Tiên trước đây.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nói với tổng thống Hàn Quốc rằng ông cảm thấy tiếc nuối khi không thể đón tiếp trọng thể ông Moon Jae-in khi ông Moon bước sang khu vực thuộc lãnh thổ Triều Tiên ở làng đình chiến Panmunjom tại khu phi quân sự liên Triều trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 5.

“Tôi luôn cảm thấy áy náy vì chúng tôi không thể đón tiếp trọng thị và chiêu đãi Tổng thống Moon một bữa thịnh soạn trong cuộc gặp hồi tháng 5, vì khi ông đến thăm vùng lãnh thổ của chúng tôi tại làng Panmunjom, nơi đó không được trang bị đầy đủ. Tôi đã chờ đợi mãi cho tới ngày hôm nay để đón tiếp ông”, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói.

Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kim Jong-un nghiêm túc nói về những điểm yếu và sự thiếu sót của Triều Tiên. Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên hồi tháng 4, ông Kim Jong-un bày tỏ lo ngại về sự bất tiện mà Tổng thống Moon có thể sẽ phải đối mặt nếu tới thăm Triều Tiên do “cơ sở hạ tầng giao thông” của Bình Nhưỡng chưa tốt. Ông thậm chí còn khuyên Tổng thống Moon nên đi bằng máy bay nếu muốn công du Triều Tiên vì chất lượng đường sá tại Triều Tiên chưa tốt.

Việc ông Kim Jong-un công khai thừa nhận sự yếu kém của Triều Tiên hoàn toàn ngược lại với cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il. Ông Kim Jong-il là người dành trọn cuộc đời để xây dựng hình ảnh đất nước Triều Tiên như một “thiên đường xã hội chủ nghĩa”.

Sự khiêm nhường hiếm thấy

Ông Kim Jong-un đón tiếp Tổng thống và Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc tại nhà khách Paekhwawon (Ảnh: Joint Press Corps)
Ông Kim Jong-un đón tiếp Tổng thống và Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc tại nhà khách Paekhwawon (Ảnh: Joint Press Corps)

Theo các nhà phân tích, những tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un một phần xuất phát từ việc ông muốn xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo cởi mở và sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ. Nỗ lực nhằm phá vỡ tình trạng bị cô lập và thúc đẩy quan hệ kinh tế Triều Tiên đã được thể hiện rất rõ trong các bài phát biểu của ông Kim Jong-un.

“Kỷ nguyên của ông Kim Jong-un khác với người cha quá cố. Ông Kim Jong-il sinh vào giai đoạn Triều Tiên giàu có hơn Hàn Quốc và đã sống dưới ánh hào quang của đất nước. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo 35 tuổi, đã có cơ hội trải nghiệm chủ nghĩa tư bản trong thời gian sống tại Thụy Sĩ và bản thân ông cũng chứng kiến sự sụt giảm về sức mạnh của Triều Tiên”, Kim Hyung-deok, Chủ tịch Trung tâm Hòa bình và Thịnh vượng Hàn Triều, nói với Korea Times.

Theo chuyên gia Kim Hyung-deok, ông Kim Jong-un đang tìm cách chuyển trọng tâm chính sách từ phát triển hạt nhân sang cải cách kinh tế.

“Chủ nghĩa tư bản đang ngày càng trở thành động lực to lớn hơn đối với Triều Tiên và ông Kim Jong-un nhận thức rất rõ sự thay đổi đó. Do vậy, ông ấy muốn khôi phục nền kinh tế bị đình trệ của Triều Tiên bằng cách tăng cường quan hệ và thu hút đầu tư từ Hàn Quốc”, ông Kim Hyung-deok nói.

Yun Duk-min, cựu lãnh đạo Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng đây chính là “kỹ năng đàm phán” của ông Kim Jong-un.

“Đó là kỹ năng đàm phán của ông ấy khi xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo cởi mở và khiến đối phương tin tưởng ông ấy bằng cách hành xử khiêm nhường. Ông ấy đã nhấn mạnh sự cấp bách của việc Hàn Quốc cần viện trợ kinh tế cho Triều Tiên trong một khuôn khổ nhất định”, chuyên gia Yun nhận định.

Theo một số chuyên gia, những phát ngôn khiêm nhường của ông Kim Jong-un là bằng chứng cho thấy ông đang tìm cách thay đổi hệ thống quan liêu cũ của Triều Tiên.

“Việc một nhà lãnh đạo công khai nói về những điểm yếu của nền kinh tế là rất bất thường. Phát ngôn khiêm nhường của ông Kim Jong-un ngược lại hoàn toàn với ông Kim Jong-il”, một chuyên gia về kinh tế Triều Tiên nhận định.

Chuyên gia trên cho rằng người Triều Tiên đang rất lạc quan về đường lối của ông Kim Jong-un trong bài phát biểu nhân dịp năm mới của nhà lãnh đạo.

“Trong diễn văn mừng năm mới 2017, ông Kim Jong-un khẳng định vẫn còn nhiều khuyết điểm dù ông đã nỗ lực để cải thiện cuộc sống của người dân Triều Tiên. Tuyên bố này đã phản ánh sự khiêm nhường của ông ấy”, chuyên gia cho biết.

Tuy vậy, một số chuyên gia cũng tỏ ra hoài nghi với những phát ngôn của ông Kim Jong-un.

“Ông Kim Jong-un trung thực về nền kinh tế Triều Tiên. Nhưng chúng ta không nên bị che mắt bởi những tuyên bố đó vì vẫn chưa rõ chính quyền Triều Tiên có ý định phi hạt nhân hóa hay không”, Shin Beom-chul tại Viện nghiên cứu Chính sách Asan nhận định.

Thành Đạt

Theo Korea Times, Chosun

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm