1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự hậu thuẫn đặc biệt từ Nga - Trung với Tổng thống Venezuela

(Dân trí) - Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong nhiều năm qua và tiếp tục duy trì sự ủng hộ này trong bối cảnh Washington chọn đứng về phía lãnh đạo đối lập tại quốc gia Nam Mỹ.

Sự hậu thuẫn đặc biệt từ Nga - Trung với Tổng thống Venezuela  - 1

Từ trái qua phải: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty)

Tuần trước, hàng nghìn người đã xuống đường tại Venezuela đòi đương kim Tổng thống Nicolas Maduro từ chức. Trong bối cảnh rối ren, lãnh đạo đối lập Juan Guaido đã tự nhận trở thành tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela, kéo theo hàng loạt tuyên bố ngoại giao từ các quốc gia trên thế giới.

“Bây giờ đã đến lúc các nước phải lựa chọn đứng về bên nào”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 26/1, đồng thời kêu gọi chối bỏ “Maduro và mớ hỗn độn” do nhà lãnh đạo Venezuela gây ra.

Mỹ, Anh, Canada và đa số các nước Mỹ Latinh đã tuyên bố ủng hộ “tổng thống tự phong” Juan Guaido, trong khi Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác vẫn tập hợp phía sau để ủng hộ Tổng thống Maduro, người vừa tuyên thệ nhậm chức hồi đầu tháng 1 cho nhiệm kỳ kéo dài 6 năm.

Theo Ben Rowswell, đại sứ Canada tại Venezuela từ năm 2014-2017, Venezuela là một “chiến trường về hệ tư tưởng”.

“Nếu ông Maduro vẫn tại nhiệm, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho những nước như Cuba, Nga và Trung Quốc - những quốc gia tin rằng chính quyền nên có tiếng nói quyết định, dù cho ý kiến của người dân như thế nào. Còn nếu ông Maduro buộc phải từ nhiệm, điều đó sẽ giúp ích cho những nước như Canada, Mỹ và hầu hết khu vực Mỹ Latinh - những quốc gia tin rằng quyền hành chính trị sau cùng nên do người dân quyết định”, ông Rowswell nhận định.

Trong bối cảnh ngày càng bị cô lập tại Nam Mỹ và phương Tây, Tổng thống Maduro đã thắt chặt quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua. Theo Victor M. Mijares, nhà khoa học chính trị tại Đại học Universidad de los Andes, Colombia, ông Maduro coi mối quan hệ với Nga và Trung Quốc như “phao cứu sinh” tại Liên Hợp Quốc.

“Nga và Trung Quốc có quyền phủ quyết và có thể cứu chính quyền Venezuela trước các nghị quyết trừng phạt”, chuyên gia Mijares cho biết.

Trung Quốc

Sự hậu thuẫn đặc biệt từ Nga - Trung với Tổng thống Venezuela  - 2

Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Maduro tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP)

Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Venezuela. Theo thống kê của trung tâm nghiên cứu Đối thoại Liên Mỹ có trụ sở tại Mỹ, từ năm 2007-2016, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã dành cho Venezuela 17 khoản vay với tổng giá trị lên tới 62,2 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia Mỹ Latinh nào khác.

Theo các dữ liệu do Viện Doanh nghiệp Mỹ, một viện nghiên cứu chính sách công có trụ sở tại Washington DC, từ năm 2005-2015, các công ty Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 19,15 tỷ USD vào các dự án tại Venezuela.

Tuy nhiên các con số thống kê cũng cho thấy Trung Quốc đã dần giảm bớt quy mô đầu tư vào Venezuela, có lẽ do Bắc Kinh đã chú ý tới các khoản nợ của Venezuela cũng như ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Venezuela không có khả năng thanh toán các khoản nợ cho Trung Quốc. Từ năm 2016-2018, Trung Quốc chỉ rót khoảng 1,84 tỷ USD tiền đầu tư vào Venezuela.

“Mối quan hệ (Trung Quốc - Venezuela) ngày càng mang màu sắc chính trị khi Trung Quốc quan tâm tới việc hậu thuẫn cho ông Maduro vì các lý do kinh tế, cũng như màu sắc địa chính trị trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ”, chuyên gia Mijares nhận định.

Nếu Tổng thống Maduro rời nhiệm sở, hy vọng về việc trả nợ cho Trung Quốc càng trở nên bất ổn hơn. Giới chuyên gia cho rằng Tổng thống Maduro hiện tập trung vào việc trả nợ hơn là giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng tại Venezuela. Trong khi đó, một chính phủ mới có thể sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực và thuốc men của người dân Venezuela, thay vì thanh toán các khoản nợ.

Nga

Sự hậu thuẫn đặc biệt từ Nga - Trung với Tổng thống Venezuela  - 3

Tổng thống Putin tặng người đồng cấp Venezuela cuốn sách về cố Tổng thống Hugo Chavez. (Ảnh: Kremlin)

Mối quan hệ hữu hảo giữa Nga và Venezuela có từ thời cố Tổng thống Hugo Chavez. Theo chuyên gia Mijares, Venezuela là một trong số ít quốc gia trên thế giới ủng hộ Nga khi công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, tách ra khỏi lãnh thổ Georgia. Ngoài ra, Venezuela cũng ủng hộ lập trường của Nga trong vấn đề Syria và Ukraine.

“Hiện tại Nga là đối tác thương mại quan trọng nhất của Venezuela tại vành đai Orinoco”, ông Mijares cho biết, đề cập tới vành đai dầu mỏ ở phía bắc Venezuela.

Công ty dầu khí nhà nước Rosneft của Nga cũng luôn dành sự quan tâm cho chính quyền Maduro. Tháng 12/2016, Rosneft nắm giữ gần 50% cổ phần tại Citgo, một nhà máy lọc dầu có trụ sở tại Mỹ trực thuộc công ty dầu khí khổng lồ PDVSA của Venezuela, để làm tài sản thế chấp cho khoản vay 1,5 tỷ USD của chính quyền Maduro.

Năm 2017, có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Nga và Venezuela khi Moscow quyết định cứu giúp quốc gia Nam Mỹ, vốn đang chìm trong khó khăn, bằng cách đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 3,15 tỷ USD. Tuy vậy, tổng nợ của Venezuela với Nga có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Một số chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng sự đầu tư của Nga vào Venezuela là nỗ lực để Moscow xây dựng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh, khu vực mà Mỹ có tầm ảnh hưởng rất lớn.

Trong một động thái nhằm chứng minh mối quan hệ quân sự gần gũi giữa Nga và Venezuela có thể tác động tới an ninh khu vực, các máy bay ném bom Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân đã tới Venezuela tập trận vào tháng 12/2018.

“(Tổng thống Nga Vladimir) Putin rõ ràng đang tìm cách gửi thông điệp tới Mỹ, rằng ông ấy có thể “chơi” trong sân sau của chúng ta”, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Derek Chollet nói với CNN.

Thổ Nhĩ Kỳ

Sự hậu thuẫn đặc biệt từ Nga - Trung với Tổng thống Venezuela  - 4

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Maduro. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trải qua cuộc đảo chính thất bại năm 2016, mối quan hệ giữa nước này với Venezuela càng trở nên gần gũi hơn.

Chính quyền Maduro đã phải đối mặt với nhiều âm mưu đảo chính trong những năm gần đây. Tuần trước, cả chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela đều mô tả cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela là một cuộc đảo chính mới.

“Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là (Tổng thống Recep) Erdogan, rõ ràng xem ông Maduro là người bị phương Tây nhắm mục tiêu một cách bất công. Đó là sự đồng cảm và xu hướng này xảy ra kể từ sau nỗ lực đảo chính thất bại (tại Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2016”, Asli Aydintasbas, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết.

Venezuela gửi vàng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu lương thực và viện trợ nhân đạo cho Venezuela. Tuy nhiên, đối với cả Venezuela và Thổ Nhĩ Kỳ, liên kết về chính trị được cho là vượt trội hơn hẳn so với liên kết về kinh tế.

“Khi mất đi các đồng minh tại Argentina và Brazil, mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò như một đối trọng (của Venezuela). Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa với việc (Venezuela) có một đồng minh kết nối với châu Âu và là một thành viên của NATO”, Helen Yaffe, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Mỹ Latinh và Caribe tại Trường Kinh tế London, đánh giá.

Trong khi đó, mối quan hệ với Venezuela cũng hỗ trợ cho mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là trở thành nhân tố địa chính trị quyền lực hơn.

“Thổ Nhĩ Kỳ xem họ như một nền kinh tế toàn cầu và tìm cách phô diễn sức mạnh. Một trong những cách để đạt được mục tiêu này là thông qua xây dựng các liên minh, đặc biệt thông qua việc cung cấp viện trợ nhân đạo”, Mehmet Ozkan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu ở Washington, cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp