1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sống sót thần kỳ nơi "địa ngục": Nghẹt thở giải cứu tàu ngầm

Lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian để cứu sống 7 thủy thủ trong tàu ngầm Nga mắc kẹt dưới đáy đại dương. Cuộc giải cứu kịch tính tưởng như bước ra từ một bộ phim Hollywood

Ngày 4-8-2005, tàu ngầm mini AS-28 của Hải quân Nga mắc kẹt ở độ sâu 200 m trong lòng Thái Bình Dương, ngoài khơi bán đảo Kamchatka của nước này.

Ba ngày đen tối

Giới chức Nga cho biết tai họa xảy ra do tàu vướng vào hệ thống ăng-ten giám sát bờ biển còn chân vịt quấn vào lưới bắt cá. Tàu ngầm lớp Priz dài 13 m vốn được thiết kế cho sứ mệnh giải cứu các tàu ngầm mắc kẹt dưới biển sâu. Lúc này, nó lại rơi vào tình cảnh trái ngược.

Vào thời điểm gặp nạn, trên tàu có 7 thủy thủ. Thông thường, mẫu tàu ngầm từ thời Liên Xô này được thiết kế đủ chỗ cho thủy thủ đoàn 4 người và 20 thủy thủ được cứu. Lượng không khí trên tàu tương đối hạn chế bởi nó thường không lặn quá 6 giờ/lần. Vào ngày định mệnh, tàu mang theo 7 bình khí nén, đủ cho những người trên tàu cầm cự trong khoảng 72 giờ.


Đại úy Vyacheslav Milashevsky (phải) - chỉ huy tàu ngầm AS-28 - sau khi được giải cứu hôm 7-8-2005 Ảnh: REUTERS

Đại úy Vyacheslav Milashevsky (phải) - chỉ huy tàu ngầm AS-28 - sau khi được giải cứu hôm 7-8-2005 Ảnh: REUTERS

Ban đầu, Hải quân Nga tuyên bố sẽ cử một tàu ngầm khác cùng loại xuống giải cứu nhưng kế hoạch bất thành bởi con tàu đó không đủ khả năng xuống độ sâu nơi AS-28 mắc kẹt. Lo ngại có thể xảy ra thảm kịch giống như vụ tai nạn tàu ngầm Kursk của Nga 5 năm trước đó khiến 118 thủy thủ không ai sống sót, chính phủ Nga đã nhanh chóng kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga lúc đó - Đô đốc Viktor Fyodorov - tuyên bố trên hãng thông tấn Interfax rằng ông không lo ngại về sự hiện diện của nhân sự hải quân nước ngoài liên quan tới nỗ lực cứu những người mắc kẹt trong tàu ngầm gặp tai nạn.

Các đội cứu hộ từ Mỹ, Nhật, Úc và Anh đều đáp lời kêu gọi trợ giúp từ Moscow. Theo sau đó là một nỗ lực giải cứu nghẹt thở chạy đua với thời gian tưởng như bước ra từ một bộ phim Hollywood nóng hổi. Đội cứu hộ của Anh do Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Ian Riches và đại diện Stuart Gold từ công ty điều hành Cơ quan Cứu hộ tàu ngầm của Anh dẫn đầu.

Truyền thông Anh cho biết ông Gold có 10 năm trong nghề, là một chuyên gia về cứu hộ tàu ngầm và trải qua một số lần thực tập. Nhưng tới lúc bấy giờ, vị chuyên gia chưa từng áp dụng những kỹ năng đó vào một tình huống thực tiễn!

"Chiến binh" chủ chốt

Phần quan trọng nhất của chiến dịch giải cứu tàu ngầm được gọi là TTFR, tức thời gian cứu hộ đầu tiên, tính từ cuộc gọi đầu tiên tới lúc đến hiện trường. Theo mô tả của báo giới Anh, đội cứu hộ nước này nỗ lực không phí phạm từng giây khi bố ráp lực lượng và thiết bị cho chuyến bay kéo dài 11 giờ băng qua hơn 7.200 km từ căn cứ tại Prestwick ở Scotland tới Kamchatka.

"Chiến binh" chủ chốt của cuộc giải cứu này là tàu lặn không người lái Scorpio của Anh - sẽ được điều khiển từ xa lặn xuống vị trí tàu ngầm AS-28 mắc kẹt, dùng móc, cưa cắt dây và các vật cản giải thoát cho con tàu. Máy bay chở đội cứu hộ Anh hạ cánh lúc 5 giờ 15 phút ngày 6-8-2005, theo giờ Kamchatka.

Lúc bấy giờ, 7 thủy thủ mắc kẹt đã rơi vào hiểm cảnh. Họ ngưng tất cả mọi hoạt động, kể cả nói, để tiết kiệm lượng ôxy ít ỏi. Vỏ tàu ngầm mini này không được cách nhiệt bởi thiết kế của nó vốn không dành cho những sứ mệnh kéo dài dưới mặt nước, trong khi nhiệt độ dưới nước lúc đó khoảng 4 độ C.

Sau chuyến bay dài, đội cứu hộ của Anh đối mặt với màn hạ cánh rợn tóc gáy. Theo mô tả của Daily Mail, sân bay địa phương không có hệ thống hướng dẫn máy bay hiện đại, thực tế chẳng khác nào phó mặc số phận cho may rủi. Máy bay của Anh phải đáp xuống qua lớp mây mù ở một khu vực núi lửa rải khắp nơi. Phi công đã tiếp đất thành công nhờ những kỹ thuật tương tự máy bay chiến đấu Spitfires của Không quân Hoàng gia Anh thời Thế chiến II.

Được một con tàu của Nga đợi sẵn ở cảng gần nhất vận chuyển, đội cứu hộ Anh tới hiện trường sớm nhất. Ngay lúc đó, họ phát hiện tàu lặn Scorpio không hoạt động! Thời gian vàng ngọc trôi qua khi cả đội dồn lực sửa chữa cỗ máy. Tới trưa 7-8-2005, khoảng 67 giờ sau khi tai nạn xảy ra với AS-28, những thủy thủ mắc kẹt bên trong đang đuối dần vì dưỡng khí sắp cạn, như bừng tỉnh khi nghe thấy âm thanh của chiếc Scorpio chạm vào thân tàu ngầm bên ngoài.

Tàu lặn robot cắt 4 dây cáp níu kẹt AS-28 nhưng vẫn chưa giải thoát được chiếc tàu ngầm vì một khối dây cáp nữa quá "ngoan cố". Tệ hơn nữa, khối dây cáp này văng mạnh và va vào Scorpio khiến chiếc tàu lặn của Anh hư hại nặng. Đội cứu hộ không còn cách nào khác là đưa Scorpio lên trên mặt nước tu sửa. Lúc đó, các thủy thủ mắc kẹt trong tàu ngầm bắt đầu nôn ói vì thiếu ôxy.

Nửa giờ sau, Scorpio trở lại vị trí tàu ngầm và cắt khối cáp cuối cùng trong tầm nhìn, cũng là lúc bình khí cuối cùng trong con tàu gần như cạn sạch. 72 giờ trong khả năng cầm cự sắp qua, tàu ngầm vẫn chưa thoát được đáy biển. Ông Gold gợi ý tàu ngầm xả két đựng nước dằn áp để có thể nổi lên và hy vọng phá vỡ những vật cản cuối cùng. Mỗi người trên mặt nước đều nín thở.

Cuối cùng, con tàu rẽ sóng trồi lên. Tất cả thở phào nhẹ nhõm khi người thứ 7 từ tàu ngầm mini ra ngoài sống sót trong ngày 7-8-2005. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó đã trao huy chương cho đội giải cứu của Anh.

Kỹ năng giữ ấm kiểu "ấp trứng"

Trong khoảng thời gian cầm cự dưới đáy biển, để giữ ấm, các thủy thủ nằm xuống thành một hàng, lần lượt đảo người tới 2 vị trí lạnh hơn ở ngoài cùng mỗi giờ, giống như những con chim cánh cụt hoàng đế khi ấp trứng. Trên tàu chỉ có 3,5 lít nước và 2 gói bánh quy giòn. Mỗi người được chia một bánh quy và một ngụm nước mỗi bữa, 3 lần như vậy mỗi ngày.

Trong thời gian chờ đợi dai dẳng giữa đáy biển vắng lặng, các thủy thủ viết thư từ biệt những người thân yêu và để bảo vệ năng lượng, họ tắt mọi thiết bị chiếu sáng.

Kỳ tới: Cuộc giải cứu hang sâu khiến "tử thần" lùi bước

Theo Đỗ Quyên

Người lao động