1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những chiến dịch giải cứu kỳ diệu từ hang sâu

(Dân trí) - Thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp các đội cứu hộ thực hiện những chiến dịch giải cứu kỳ diệu, cứu thành công những người mắc kẹt trong các hang động và hầm sâu ra bên ngoài.

Hang Lechuguilla (Ảnh: National Park Service)
Hang Lechuguilla (Ảnh: National Park Service)

Hang Lechuguilla, bắt đầu được khám phá từ năm 1986, là một hệ thống hang động dài gần 90 km với những vách đá cao dài hàng trăm mét và hệ thống đá vôi hiểm trở. Khu hang động nằm sâu trong công viên quốc gia Carlsbad Caverns, bang New Mexico, Mỹ. Hệ thống hang động này tới thời điểm hiện tại vẫn chưa được khám phá hết.

Cô Emily Davis Mobley, một người khám phá hang động trên, đã bị một tảng đá rơi trúng vào năm 1991 khiến chân bị thương. Khi đội ngũ bác sĩ ổn định xương của Mobley lại, cô vẫn không thể di chuyển. Đưa Mobley ra bên ngoài là một trong những chiến dịch giải cứu phức tạp trong lịch sử.

Trong hơn 4 ngày, hàng chục nhân viên cứu hộ đã đưa Mobley tham gia đưa ra ngoài, có những ngày họ phải di chuyển 16 giờ đồng hồ. Qua những đoạn đường hẹp, lực lượng cứu hộ phải bò bằng cả chân lẫn tay và đặt Mobley lên lưng. Tuy nhiên, trong suốt hành trình, cô tỏ ra rất lạc quan và động viên tinh thần của những người đang giúp đỡ mình. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, họ đã đưa được Mobley ra ngoài thành công.

Hiện trường vụ sập hầm ở Vitarelles (Ảnh: AFP)
Hiện trường vụ sập hầm ở Vitarelles (Ảnh: AFP)

Ngày 22/11/1999, các nhân viên cứu hộ đã tiếp cận được với 7 nhà thám hiểm bị mắc kẹt trong hệ thống hang ở Vitarelles, tây nam Pháp trong 10 ngày. Họ đều là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khám phá hang động. Tuy nhiên, một cơn bão lớn đã gây ngập lụt bên trong khu vực và chặn lối ra.

Các chuyên gia buộc phải khoan xuống lòng đất, xuyên qua những vách đá để kiếm 7 nhà thám hiểm. Cuối cùng, đội cứu hộ đã xác định vị trí của những người này và tiến hành công cuộc giải cứu.


Các nhân viên cứu hộ đưa các thợ mỏ Chile lên mặt đất trong vụ giải cứu năm 2010 (Ảnh: ENCA)

Các nhân viên cứu hộ đưa các thợ mỏ Chile lên mặt đất trong vụ giải cứu năm 2010 (Ảnh: ENCA)

Ngày 5/8/2010, đường hầm chính dẫn vào khu mỏ vàng và đồng San Jose, Chile bị sập, làm 33 thợ mỏ kẹt dưới độ sâu gần 700 mét. Tổng thống Chile Sebastian Pinera khi đó tuyên bố tìm mọi cách để cứu các thợ mỏ, dù hy vọng rất mong manh và không ai dám chắc sẽ thành công.

Sau 17 ngày khoan xuống lòng đất để tìm kiếm mà không thấy tung tích, cuối cùng đội cứu hộ Chile đã nhận được 1 mảnh giấy từ dưới lòng đất thông báo rằng họ vẫn còn sống. Chile bắt đầu chuyển đồ cứu hộ xuống cho các thợ mỏ và mở chiến dịch giải cứu ngoạn mục nhất trong lịch sử.

Với tốc độ phi thường và tiến trình thực hiện hoàn hảo, Chile đã kéo thành công 33 người lên mặt đất sau 69 ngày mắc kẹt dưới lòng đất âm u. Tính tới thời điểm đó, không ai có thể sống sót lâu như vậy trong lịch sử khai thác hầm mỏ như 33 thợ mỏ Chile.


Các công nhân cứu hộ đưa các nạn nhân sập hầm ở Peru năm 2012 (Ảnh: AFP)

Các công nhân cứu hộ đưa các nạn nhân sập hầm ở Peru năm 2012 (Ảnh: AFP)

Chín thợ mỏ, trong đó có một cặp cha con, đã mắc kẹt ở độ sâu 250 m dưới lòng đất ở miền nam Peru từ ngày 7/4/2012 sau một vụ sụp đất ở khu vực mỏ khai thác trái phép. Công cuộc cứu hộ dù khẩn trương nhưng vẫn rất thận trọng vì giới chức Peru lo ngại việc khoan quá mạnh có thể làm đất đá sụp xuống và bít lối lên.

Sau 7 ngày mắc kẹt, đội cứu hộ đã khoan tới khu vực của các thợ mỏ và đưa từng người lên mặt đất.
Trong quá trình di chuyển các nạn nhân ra khỏi căn hầm, đội cứu hộ đã phải quấn họ trong chăn và đeo kính đen nhằm bảo vệ mắt cho các nạn nhân sau nhiều ngày sống không ánh mặt trời.

Tuy nhiên, cả 9 người khi mắc kẹt dưới lòng đất đã thể hiện tinh thần lạc quan trong nghịch cảnh. Họ kể những câu chuyện vui, cùng nhau tập thể dục và cố gắng suy nghĩ tích cực trong khi chờ đợi được ứng cứu.

Toàn cảnh vụ cứu hộ ở hang Riesending, Đức. (Ảnh: AFP/AP)
Toàn cảnh vụ cứu hộ ở hang Riesending, Đức. (Ảnh: AFP/AP)

Ngày 8/6/2014, nhà thám hiểm Johann Westhauser cùng 2 người bạn đã khám phá hang động Riesending, Đức. Tuy nhiên, ông đã bị đá rơi trúng vào đầu và mắc kẹt ở vị trí sâu hơn 6,5 km so với cửa hang, cách mặt đất 1 km theo hướng thẳng đứng. 5 ngày sau khi ông bị mắc kẹt, một đội cứu hộ gồm hơn 700 người đã bắt tay vào công cuộc giải cứu. Thách thức của họ là phải kéo được ông Westhauser lên qua một đoạn đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, nhiều đoạn dốc thẳng đứng. Cuối cùng, sau 11 ngày, ông Westhauser cũng được kéo lên mặt đất và đưa đi cấp cứu.

Hang Riesending, với biệt danh “Everest trong lòng đất”, được xem là hang dài nhất nước Đức. Chỉ có một phần của hang động có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời, còn lại luôn trong tình trạng tối tăm.

Đức Hoàng

Theo Straits Times