1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ sữa nhiễm hoá chất Trung Quốc

Số trẻ bị ảnh hưởng đã lên tới 53.000 em

(Dân trí) - Chính phủ Trung Quốc hôm qua cho biết, số trẻ em nước này bị ốm do uống phải các sản phẩm sữa nhiễm melamin đã tăng lên đến con số gần 53.000 em. Trong khi đó, chính phủ cam kết sẽ trừng phạt thích đáng những kẻ gây nên vụ bê bối sữa hiện nay.

Theo một tuyên bố của Bộ Y tế Trung Quốc đăng tải trên trang web của họ vào ngày hôm qua, hơn 80% trong số 12.892 em được nhập viện trong những tuần gần đây đều 2 tuổi hoặc nhỏ hơn. 4 em đã tử vong trong khi 104 em đang ở trong tình trạng nguy kịch.

 

Ngoài ra, Bộ Y tế cho biết, 39.965 em khác được điều trị ngoại trú, và “về cơ bản đã phục hồi”.

 

Bộ Y tế Trung Quốc còn cho biết thêm, hầu hết những em được nhập viện là do uống sữa bột của tập đoàn Tam Lộc.

 

“Những trẻ em được nhập viện chủ yếu là đã uống sữa bột của Tam Lộc. Không có trường hợp nào được phát hiện là do uống sữa nước”, bộ Y tế cho biết.

 

Cuối tuần qua, Hồng Kông thông báo trường hợp trẻ em đầu tiên, cô bé 3 tuổi, bị sỏi thận sau khi uống sữa sản xuất ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, hiện cô bé đã được xuất viện.

 

Hôm qua, Singapore cũng cho biết tìm thấy chất melamin trong sản phẩm chứa sữa khác của Trung Quốc, đó là kẹo sữa của nhãn hiệu White Rabbit (Thỏ Trắng).

 

“Những nhà bán lẻ và nhà nhập khẩu đã được hướng dẫn thu hồi những sản phẩm này và ngừng bán ra thị trường”, Cơ quan thú y và thực phẩm nông nghiệp của Singapore ra tuyên bố.

 

Trong vòng hai tuần kể từ khi chính phủ Trung Quốc được thông báo về vụ việc, họ đã yêu cầu thu hồi sản phẩm sữa của 22 công ty, khi các cuộc kiểm tra cho thấy chúng đều chứa melamin.

 

Melamin được dùng để sản xuất nhựa và có hàm lượng nitơ cao, thành phần để đo hàm lượng protein trong sữa. Mặc dù các chuyên gia y tế cho rằng ăn hoặc uống một lượng nhỏ chất này không có nguy hiểm gì, nhưng lượng lớn có thể gây sỏi thận và có thể dẫn đến suy thận. Trẻ em là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng nhất.

 

Một số trang trại sữa bán sản phẩm cho các công ty thực phẩm Trung Quốc được cho là đã dùng chất melamin để có thể pha loãng sữa mà vẫn đánh lừa được các cuộc kiểm tra protein, nhằm trang trải chi phí chăn nuôi, nhiên liệu và nhân công tăng cao.

 

Ở Hồng Kông, cha mẹ của bé gái 3 tuổi đã đưa con đi kiểm tra do cô bé uống sữa của tập đoàn Y Lợi mỗi ngày, trong suốt 15 tháng qua. Y Lợi nằm trong số 22 công ty có sản phẩm bị thu hồi do nhiễm melamin.

 

Trong một tuyên bố cuối ngày chủ nhật vừa qua, Y Lợi cho biết họ sẽ trả các chi phí y tế cho bé gái nếu đúng cô bé bị mắc bệnh là do uống sữa của công ty này.

 

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cũng đang nỗ lực để giải quyết vụ việc. Hôm chủ nhật vừa qua, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Thủ tướng Ôn Gia Bảo yêu cầu các công ty sữa phải “có trách nhiệm hơn với xã hội”. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tới thăm một bệnh viện ở Bắc Kinh, nơi có các em nhỏ đến để kiểm tra sức khoẻ. Ông cũng đến một siêu thị xem xét các sản phẩm sữa.

 

Kể từ khi vụ bê bối sữa bị phanh phui từ hai tuần trước, sản phẩm của hầu hết các công ty sữa lớn của Trung Quốc cũng bị dính líu. Sản phẩm của họ đã bị loại khỏi các siêu thị trong nước, cả những khu tự trị như Hồng Kông, Ma Cao. Hãng bán lẻ Starbuck cũng ngừng bán sữa ở 300 chi nhánh tại Trung Quốc.

 

Hai siêu thị lớn của Hồng Kông hôm qua cho biết họ sẽ thu hồi sữa bột của nhà sản xuất Thuỵ Sỹ Nestle như một biện pháp “phòng trước”, sau khi tờ Apple Daily địa phương đăng tin các cuộc kiểm tra cho thấy thấy sữa bột của Nestle sản xuất ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, có nhiễm melamin.

 

Hôm qua, chính quyền Hồng Kông cũng cho biết các cuộc xét nghiệm của họ phát hiện thấy một lượng nhỏ melamin có trong nhãn hiệu sữa Dairy Farm sản xuất tại Trung Quốc của Nestle và đã yêu cầu thu hồi sản phẩm này.

 

Cuối ngày hôm qua, Nestle tuyên bố họ “tin chắc” không sản phẩm sữa nào được sản xuất ở Trung Quốc của họ bị nhiễm melamin. Hãng sản xuất sữa Thuỵ Sỹ này cho biết họ “có một hệ thống kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt như nhau được áp dụng ở các nhà máy tại Trung Quốc cũng như ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”.

 

Công ty King Car Co. của Đài Loan hôm qua cũng tuyên bố đã thu hồi các túi café uống liền và trà sữa nhãn hiệu Mr.Brown có chứa sữa nhiễm hoá chất nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Nhật và Singapore cũng đã thu hồi các sản phẩm sữa của Trung Quốc, và chính phủ Malaysia cùng Brunei tuyên bố cấm các sản phẩm sữa xuất xứ từ Trung Quốc mặc dù cả hai nước này hiện không nhập khẩu các sản phẩm sữa Trung Quốc.

 

Những biện pháp trên xuất phát từ nỗi lo bởi melamin không chỉ được tìm thấy trong sữa bột, được dùng để chế biến sữa cho trẻ em và các sản phẩm khác, mà còn ở sữa nước do những công ty sữa lớn của Trung Quốc bán.

 

Phan Anh

Theo AP