1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

So sánh tiêm kích Checkmate của Nga và F-35 của Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù Nga mới chỉ trình làng một nguyên mẫu của tiêm kích thế 5 Checkmate (Chiếu hết), nhưng giới chuyên gia đã bắt đầu đánh giá năng lực của máy bay này so với đối thủ tiềm tàng F-35 của Mỹ.

So sánh tiêm kích Checkmate của Nga và F-35 của Mỹ - 1

Nguyên mẫu tiêm kích Checkmate của Nga (Ảnh: Military Watch).

Ngày 20/7, Nga đã trình làng nguyên mẫu của tiêm kích thế hệ 5 một động cơ Checkmate tại triển lãm hàng không MAKS-2021. Theo những thông tin ban đầu, Checkmate là tiêm kích giá cả phải chăng, rẻ hơn đáng kể so với tiêm kích "tia chớp" F-35 của Mỹ. Điều này được xem là mang lại cho Checkmate lợi thế nhất định trong cuộc cạnh tranh trên thị trường vũ khí.

Giới chuyên gia quân sự bắt đầu vẽ ra những kịch bản về cuộc đối đầu giả lập giữa Checkmate và F-35 nhằm đánh giá xem tiêm kích thế hệ 5 nào sẽ có lợi thế hơn nếu tham gia thực chiến.

Theo chuyên gia thiết kế từng làm việc cho nhà thầu Sukhoi của Nga, Vadim Lukashevich, tiêm kích Nga và Mỹ có nhiều điểm khác biệt về thiết kế và khả năng khí động học. Điểm tương đồng lớn nhất giữa Checkmate và F-35 là việc chúng thuộc cùng "thuộc một hạng cân".

f-35.jpg

Tiêm kích F-35B (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Nhà thầu chế tạo F-35 là Lockheed Martin và Lầu Năm Góc tập trung vào tính năng động tổng thể của hệ thống chiến đấu hơn là tính cơ động của máy bay, trong khi Sukhoi lại coi tính cơ động là nền tảng của Checkmate. Theo phi công lái thử máy bay người Nga Anatoly Knyshev, sự khác biệt này có thể giúp cho Checkmate có lợi thế hơn F-35 trong khi chiến đấu.

Cả 2 dòng tiêm kích đều được trang bị khả năng tàng hình trước radar đối thủ. Checkmate được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) với tầm hoạt động lớn hơn F-35, theo phi công Knyshev. Điều này đồng nghĩa là tiêm kích Nga sẽ có thể phát hiện máy bay đối thủ sớm hơn và có thể đạt được lợi thế trong không chiến. Về mặt nguyên tắc, bên nào phát hiện được đối thủ sớm hơn thì có thể khai hỏa trước để giành lấy ưu thế.

Nga cũng trang bị cho Checkmate radar kháng nhiễu có khả năng khóa tới 6 mục tiêu "ngay cả trong điều kiện bị nhiễu điện tử mạnh". Ngoài ra, radar này cũng sẽ hoạt động cùng với các hệ thống tác chiến điện tử khác trên Checkmate.

Ông Putin "mục sở thị" tiêm kích mới của Nga cạnh tranh với F-35 Mỹ

Xét về năng lực vũ khí, Checkmate có thể được trang bị 3 tên lửa siêu vượt âm R-37M - vũ khí hiện được Military Watch mệnh danh là tên lửa không đối không tầm xa nhất và nhanh nhất trên thế giới. Kết hợp với hệ thống radar, R-37M có khả năng tấn công máy bay ở khoảng cách tối đa 400 km với tốc độ Mach 5 - Mach 6 (6.125-7.350 km/h).

Trong khi đó, F-35 thường mang 4 tên lửa tầm trung radar dẫn đường AIM-120 AMRAAM hoặc tối đa là 6 quả AIM-120 nếu được nâng cấp. Tên lửa này có thể bay với tốc độ Mach 4 (4.900km/h) và có tầm hoạt động 180 km.

So sánh về tốc độ tối đa, Checkmate có khả năng bay với tốc độ Mach 1,8 (2.205 km/h), trong khi F-35 là Mach 1,6 (1,960 km/h). Ngoài ra, F-35 đắt đỏ hơn hẳn Checkmate và chi phí vận hành tiêm kích Nga chỉ bằng 1/7 so với máy bay Mỹ, theo Sputnik.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Kris Osborn của trang National Interest, việc so sánh 2 tiêm kích lúc này là chưa phù hợp vì Checkmate hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chưa trở thành tiêm kích thật và chưa từng bay. Trong khi đó, máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cất cánh lần đầu tiên vào tháng 12/2006 và hiện đã hoạt động nhiều năm trong quân đội Mỹ.

Video tiêm kích F-35 Mỹ ném thử bom hạt nhân "kẻ hủy diệt"