Số phận cổ vật từ tay các "siêu trộm" đến “những kẻ cướp danh giá”
Rất ít người bận tâm, khi thấy trên thị trường đồ cổ quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều các cổ vật bị đánh cắp, hoặc vận chuyển một cách bất hợp pháp khỏi các nước là chủ sở hữu những món cổ vật đó...
Hoàng đế Napoleon là người… trộm cổ vật siêu hạng!
Một nhóm buôn lậu người Mỹ đã chặt cây trên bán đảo Yucatan ở Mexico, làm thành tuyến đường băng "dã chiến", nhằm chuyển về Hoa Kỳ bằng đường không số đồ cổ khổng lồ mà chúng đã ranh mãnh cuỗm được trong một khu đền thờ của người Maya.
Còn từ ngôi đền thờ mặt trời thuộc khu làng Catarmal phía nam Ấn Độ, những kẻ buôn đồ cổ đã lấy cắp từ năm 1972 bức tượng đồng Thần Shiva - vị Chúa của người Hindu giáo, có niên đại cách đây hơn 3.000 năm.
Tượng được bán với giá 1 triệu USD cho nhà sưu tập Norton Simon (1907-1993) ở California (Mỹ), người chỉ trong vòng 2 năm liên tiếp đã bỏ ra 15-16 triệu USD để mua các đồ cổ châu Á - đa phần là có xuất xứ bất minh; rồi những kẻ có vũ trang từ Thái Lan tràn vào Campuchia, nhằm tìm kiếm những pho tượng đá vô giá thuộc khu đền thờ Phật giáo Angkor.
Ở New York (Mỹ), Zurich (Thụy Sĩ), hay London (Anh) những bức tượng Angkor cổ có cách đây 800 năm được mua với giá từ 20.000 - 200.000 USD - tùy theo kích thước và chất lượng giá trị cũng như niên đại của chúng.
Rất ít người bận tâm, khi thấy trên thị trường đồ cổ quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều các cổ vật bị đánh cắp, hoặc vận chuyển một cách bất hợp pháp khỏi các nước là chủ sở hữu những món cổ vật đó.
"Theo những nguồn tin chắc chắn, tại thế giới phương Tây hiện có từ 25-30 triệu sản phẩm nghệ thuật khác nhau, từ những cổ vật văn hóa lớn đến các dụng cụ trong sinh hoạt gia đình thời cổ, được đem tới từ các quốc gia "bên kia đại dương", ông Gerd von Pachenski, một học giả người Đức đã viết trong cuốn "Antiquitaten mochten Repatriierung" (Cổ vật muốn hồi hương) của mình. Pachenski đòi các nước đang phát triển phải được nhận lại ít nhất một phần các kho tàng văn hóa của họ, trong nhiều trường hợp bị lấy đi bằng vũ lực.
Ví dụ như trong gian Nhân chủng học thuộc Viện bảo tàng British ở London, có số lượng cổ vật châu Phi nhiều gấp… 10 lần tổng số các hiện vật tại các bảo tàng viện trên Lục địa Đen cộng lại. Một vài bộ tộc khác, nhất là trên các hòn đảo ở Thái Bình Dương không còn "sót" lại một món cổ vật nào.
Nếu như giới trẻ tại quần đảo Samoa, hoặc Cộng hòa Fiji muốn xem các tác phẩm nghệ thuật do cha ông mình từng tạo ra, cũng như các đồ dùng sinh hoạt thời đó, cần phải sang tận Paris (Pháp), hay Stuttgart (Đức) mới mục kích được. Các gian trưng bày thuộc chủ đề nhân chủng học thuộc các bảo tàng này, vốn được "cung cấp" hiện vật qua các nhà truyền giáo, thủy thủ, lái buôn và cả cánh quan chức thực dân nữa.
Sự mất mát lớn lao biết nhường nào, như trường hợp ở Cộng hòa Benin là một ví dụ. Khi người ta chuẩn bị khánh thành Viện Bảo tàng Quốc gia tại đây, mới vỡ lẽ rằng cả đất nước Benin, thậm chí cả vùng Tây Phi không còn một kiệt tác cổ bằng đồng nào nữa hết!
Những người tâm huyết có sáng kiến thiết lập bảo tàng trên, liền hướng tới vài bảo tàng viện châu Âu với lời thỉnh cầu thuê lại một vài bức mặt nạ hay tượng đồng của sắc dân Benin cổ. Nhưng tiếng kêu tuyệt vọng của họ như giữa chốn sa mạc!
Cuối cùng bảo tàng mới phải "tự hài lòng" với những tấm ảnh chụp các di sản văn hóa của dân tộc mình, vì bản gốc đang được trưng bày bên… trời Tây. Vương quốc Benin từ thời xa xưa vốn nổi tiếng với các nghệ nhân dân gian chuyên làm đồ tinh xảo.
Mâm đồng Benin là một trong những hiện vật thuộc về kho tàng văn hóa của nhân loại, được các nhà "định giá" châu Âu phát hiện muộn màng vào cuối thế kỷ XIX. Vào giữa năm 1897, đạo quân gồm 700 binh sĩ Anh lên đường trong một cuộc "hành quân trừng phạt". Họ chiếm kinh đô Benin, đốt phá, hủy diệt nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị bằng gỗ và ngà voi. Còn hơn 2.000 chiếc mâm đồng quý giá bị "tịch thu" như là chiến lợi phẩm. Đa phần trong số này đang "tô điểm" các bảo tàng viện của xứ Sương mù.
Nhiều dân tộc khác cũng có những vấn đề tương tự. Một chuỗi hạt nghi lễ dùng khi cầu nguyện tại đền thờ Hồi giáo Choto Shona ở Bangladesh, đang hiện diện tại Bảo tàng Hoàng gia Scotland ở Edinburgh. Bức tượng đồng Thái Lan Bodhisattva Avalokiteshvara với 4 tay có niên đại từ thế kỷ VI, theo học giả G. Pachenski là "một trong những bức tượng cổ được bảo quản tốt nhất thuộc loại này", đang nằm trong Bảo tàng Metropolitan ở New York. Còn tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật trang sức ở Boston (Mỹ) có chuỗi ngọc trai Hoàng cung Thổ Nhĩ Kỳ cổ, với đủ mọi thành phần kể cả phần dùng để đính trên tóc…
Các nhà "nghiên cứu và phát hiện" của phương Tây được trọng vọng như những "người hùng". Nhưng thanh danh của họ biến mất ngay khi ta nhìn dưới góc độ cổ vật. Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte (1769-1821) chính là một kẻ ăn trộm đồ cổ mà trong sách lịch sử nào cũng ghi. Vào năm 1798 khi còn là cấp tướng. Napoleon đã dẫn quân qua Ai Cập, mang theo 167 chuyên gia và kỹ thuật viên để "ghi chép và thu thập" mọi cổ vật ở các vùng đất quanh sông Nile. Nhưng số chiến lợi phẩm khổng lồ ấy không về được đất Pháp, bởi bị quân Anh chặn đánh và đem thẳng về… London.
Luật của kẻ mạnh
Ít người biết rằng, nhà văn hóa Pháp nổi tiếng André Malraux (1901-1976), viên Bộ trưởng Văn hóa kỳ cựu trong nội các De Gaulle, hồi trẻ từng bị “nằm ấp” sau khi bị bắt quả tang đang… chôm đồ trong đền Angkor vào năm 1923 - với 7 pho tượng vũ nữ Apsara có niên đại từ thế kỷ IX. Malraux bị kết án 3 năm tù và còn bị "tuyệt đối cấm sờ đến các cổ vật" nữa. Campuchia khi ấy đang còn là thuộc địa của Pháp, nhờ các nhà hoạt động văn hóa Pháp tích cực can thiệp nên Malraux được giảm án xuống 1 năm và trục xuất khỏi Phnom Penh.
Khi khai quật ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhà khảo cổ người Đức Heinrich Schliemann (1822-1890) phát hiện ra rất nhiều đồ trang sức bằng vàng thuộc kho báu của đức Vua Priam. Sau đó, Schliemann giấu chúng trong quần áo đang mặc và đem về Berlin.
Nhưng "thành tích" của Schliemann chỉ là "hạt cát" so với cái đầu tượng Vua Ramesses II nặng 7 tấn, mà nhà buôn đồ cổ người Italia Giovanni Battista Belzoni (1778-1823) đã bí mật đem từ Ai Cập sang London.
Còn một "thợ săn kho báu" người Italia khác là Giuseppe Ferlini (1797-1870), đã phá hết từ viên đá này đến viên đá khác trong ngôi mộ cổ to nhất thuộc quần thể kim tự tháp trên đảo Meroe giữa sông Nile ở Sudan, để tìm vàng bạc và châu báu chôn theo Hoàng hậu Vương quốc Nubia Amanishakheto. Một phần trong số đó đang còn ở Bảo tàng Ai Cập học ở Berlin và Viện Bảo tàng Stuttgart nữa…
Mức độ vơ vét lên tới mức đa phần các đền thờ ở châu Á, Bắc Phi, Trung và Nam Mỹ không còn bức tượng người nào hoàn chỉnh hết. Nhiều tượng mất đầu bị bỏ lại, bởi đơn giản cắt hay giũa các đầu người bằng đá hoặc kim loại dễ hơn là mang kèm cả thân hình đồ sộ, cồng kềnh rất dễ bị phát hiện. Với một vài tượng có giá trị cao, chúng còn cưa cả đôi tay, còn lại là những "cái xác không hồn" của nền văn hóa cổ…
Bảo tàng British vẫn từ chối trả lại các bức tượng điêu khắc trên đá thuộc đền thờ Parthenon ở Athens mà Chính phủ Hy Lạp từng đòi hỏi bấy lâu nay. Bảo tàng mua lại quần thể tượng đá này vào năm 1816 với giá 35.000 đồng sterling vàng từ Bá tước Elgin. Nhưng sự tranh luận không ngừng tăng, phải chăng nhà ngoại giao người Scotland Thomas Bruce (1766-1841), nổi danh qua tước hiệu quý tộc Bá tước Elgin có quyền lấy những tượng đá đó ở Hy Lạp rồi đem bán chúng không? Bà Melina Mercouri, cố Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp từng gọi ngôi đền Parthenon là "Đài kỷ niệm quốc gia… "không đầu" của Hy Lạp".
Ngay từ năm 2002, trong khuôn khổ cuộc hội nghị quy mô quốc tế của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), với chủ đề về văn hóa và chính trị nhóm họp ở Mexico, việc Athens đòi lại các tượng đá được đa phần các đại biểu ủng hộ, nhưng cho đến nay London vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức(!). Còn ông Neil MacGregor, nguyên Giám đốc Bảo tàng British lại hầu như không muốn nghe về chuyện tượng tiếc gì sất: "Chỉ cần một lần trả lại chúng thôi, ta sẽ rơi xuống vực thẳm bởi sự chuyển động của hàng loạt những cổ vật khác…".
Hiển nhiên ông ta coi thường khía cạnh đạo đức xung quanh những cuộc tranh cãi về buôn lậu đồ cổ. Cũng như nhiều lãnh đạo bảo tàng khác ở phương Tây, N. MacGregor luôn bảo lưu cái gọi là "tự do thương mại với cổ vật"… Nhưng trong nhiều trường hợp, nhất là hồi thực dân, đồ cổ thường bị lấy đi "theo luật của kẻ mạnh".
Đà lên giá vùn vụt của các cổ vật khiến bọn buôn đồ cổ phải "lùng" cho ra vật đang được ưa chuộng. Một vài nước phương Tây cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bất minh của chúng. Như ở CHLB Đức đến giờ vẫn chẳng hề có điều luật nào cấm nhập cổ vật không rõ nguồn gốc cả, thậm chí đồ cổ có niên đại hơn 100 năm còn được miễn thuế hải quan(!). "Tự do lấy đi, tự do nhập vào", đó là quan điểm của nhiều giới phương Tây đối với các hiện vật cổ.
Đông Phi - cựu thuộc địa của Đức, nay là Tanzania luôn đòi Viện Bảo tàng Linden ở Stuttgart trả lại cho họ cái ngai vua, mà một bác sĩ Đức được tù trưởng bộ tộc bản địa "tặng" hồi năm 1910. Còn Sri Lanka đòi Bảo tàng Ấn Độ học ở Berlin trả lại bộ sưu tập 154 chiếc mặt nạ bằng gỗ từ thời Vua Sinhala XVI.
Ai Cập mới lên tiếng vào cuối tháng 12-2015, đòi Bảo tàng Neues ở Berlin trả lại bức tượng bán thân bằng đá vôi của Hoàng hậu Nefertiti, có niên đại từ thế kỷ XIV. Hiện vật vô giá này được tìm thấy vào năm 1912 bởi nhà khảo cổ học người Đức Ludwig Borchardt (1863-1938), khi được Cairo cấp phép khai quật chính thức, nhưng ông ta đã cố tình giấu đi và đem về Đức bằng con đường đáng ngờ…
Theo Thu Hường (tổng hợp)
An ninh thế giới