1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"So găng" sức mạnh dưới lòng đại dương của tàu ngầm Mỹ - Trung

Thành Đạt

(Dân trí) - Quân đội Mỹ có hạm đội tàu ngầm uy lực được duy trì hoạt động nhiều năm qua, trong khi Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ tàu ngầm.

So găng sức mạnh dưới lòng đại dương của tàu ngầm Mỹ - Trung - 1

Một tàu ngầm của hải quân Mỹ (Ảnh minh họa: Quân đội Mỹ).

Khi Mỹ tăng cường tập trung an ninh vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Washington đã tập trung vào việc đảm bảo lợi thế của mình trước các đối thủ như Trung Quốc. Mục tiêu này bao gồm kế hoạch chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Australia như một phần của quan hệ đối tác quốc phòng 3 bên mới bao gồm Mỹ - Anh - Australia.

Theo các nhà phân tích, hải quân Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc trong hoạt động tác chiến dưới biển, nhưng hải quân Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD trong những năm gần đây để thu hẹp khoảng cách với Mỹ.

Theo một báo cáo của Viện Hudson có trụ sở tại Washington được công bố trong tháng này, mối đe dọa nhằm vào tàu ngầm của Mỹ và các đồng minh đã tăng lên đáng kể, bao gồm việc hải quân Trung Quốc hiện đại hóa hạm đội khoảng 65-70 tàu ngầm của nước này.

Báo cáo cho biết Trung Quốc tìm cách tiến hành các hoạt động tác chiến như một phần của chiến lược phòng thủ tích cực, nhằm mở rộng ảnh hưởng và tham vọng kiểm soát lãnh thổ của quốc gia này, đồng thời cản trở lực lượng Mỹ trong khu vực.

"Tàu ngầm là thành phần ngày càng quan trọng trong kho vũ khí của đối thủ, mang lại những năng lực then chốt cần thiết cho các chiến lược của họ", báo cáo cho biết thêm.

Theo báo cáo, để đối phó với mối đe dọa tàu ngầm đang gia tăng, quân đội Mỹ và đồng minh cần một cách tiếp cận mới bền vững và hiệu quả hơn đối với hoạt động tác chiến chống ngầm. Nếu không, các đối thủ sẽ khai thác lợi thế ngày càng tăng dưới đáy biển của họ để làm thay đổi vĩnh viễn các mối quan hệ an ninh với các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Kế hoạch năm 2021 của hải quân Mỹ cũng nhấn mạnh những rủi ro từ hải quân Trung Quốc, nước có hạm đội lớn nhất thế giới. Kế hoạch chỉ ra rằng Mỹ cần xây dựng một "hạm đội lớn hơn, sát thương hơn" với nhiều tàu ngầm hơn.

Mỹ hiện có khoảng 66 tàu ngầm, trong đó có hơn 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và hơn 10 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

So găng sức mạnh dưới lòng đại dương của tàu ngầm Mỹ - Trung - 2

Trung Quốc đã đầu tư để phát triển hạm đội tàu ngầm trong những năm qua (Ảnh minh họa: Getty).

Ni Lexiong, chuyên gia quân sự tại Thượng Hải, cho rằng cả Trung Quốc và Nga đều có năng lực chống ngầm kém hơn Mỹ.

"Tuy nhiên đánh giá từ thực tế rằng, tàu ngầm Trung Quốc có thể đột ngột xuất hiện cách tàu ngầm Mỹ vài trăm mét mà không bị phát hiện cho thấy, khả năng chống ngầm của Mỹ vẫn còn một số thiếu sót", ông Ni cho biết.

"Trong những năm gần đây, khả năng chống ngầm trên không, trên mặt nước và dưới biển của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể và đã làm giảm năng lực đe dọa của tàu ngầm Mỹ", ông Ni cho biết thêm.

Tuy nhiên Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết tàu ngầm Mỹ vẫn gây ra mối nguy hiểm đáng kể cho Trung Quốc.

"Mỹ có rất nhiều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, và họ có cho rằng chúng ta là một mối đe dọa không? Năng lực tàu ngầm của Mỹ chắc chắn rất mạnh, đó là lý do Trung Quốc và Nga đều tìm cách tăng cường sức mạnh chống ngầm của mình, đặc biệt khi tình hình an ninh quốc tế vẫn bất ổn", ông Zhou nhận định.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc thu hẹp khoảng cách với Mỹ.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết hải quân Mỹ đã có nhiều thập niên kinh nghiệm trong tác chiến chống ngầm. Koh nói rằng mặc dù hải quân Trung Quốc đã có "những bước tiến đáng chú ý", bao gồm việc tiếp cận các công nghệ của Nga vào những năm 1990, nhưng vẫn có một khoảng cách nhất định.