Snowden nắm giữ bao nhiêu tài liệu mật?
(Dân trí) – Kể từ khi rời Hồng Kông sang Mátxcơva, hành tung của Snowden vẫn là một ẩn số. Điều này bí hiểm không kém gì câu hỏi: Cựu nhân viên CIA đang nắm giữ bao nhiêu tài liệu mật?
Gương mặt đang làm khuynh đảo chính trường và hệ thống an ninh Mỹ.
Mặc dù nhà sáng lập trang mạng Wikileaks Julian Assange cho biết Snowden đã “cầm chắc” giấy tờ tị nạn tại Ecuador trước khi rời Hồng Kông sang Mátxcơva hôm 23/6, song đến nay, giới chức Mỹ vẫn tin rằng cựu nhân viên tình báo này đang lưu lại thủ đô của nước Nga. Nghi vấn này xuất phát từ các nguồn tin sân bay cho biết chiếc ghế số 17A trên chuyến bay của hãng Aeroflot sang Cuba tối 24/6 mà Snowden đăng ký trước đó đã đột nhiên bị bỏ trống vào phút chót.
Vậy là, cũng giống lần chạy trốn khỏi Hồng Kông , nhờ sự giúp sức đắc lực của trang mạng WikiLeaks, Snowden đã khiến giới truyền thông được một phen nháo nhác, còn chính quyền của Tổng thống Barack Obama một lẫn nữa bị “tẽn tò”.
Trên thực tế, việc chính quyền Mỹ tìm mọi cách ráo riết truy lùng Snowden - từ gửi yêu cầu dẫn độ sang Hồng Kông , đề nghị Nga hợp tác bắt giữ đến cảnh báo các nước dám “chứa chấp”- đều xuất phát từ những lo ngại đối với số tài liệu mà nhân viên kỹ thuật này đang nắm giữ, dù chưa biết chính xác là bao nhiêu.
Theo các nguồn tin không chính thức, với việc che đậy thành công các dấu vết truy cập lượng lớn thông tin về hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và một cơ quan tương tự của Anh là Trung tâm truyền thông Anh (GCHQ), Snowden đã “đánh cắp” hàng ngàn trang tài liệu mật. Số tài liệu này lớn hơn nhiều so với con số 200 tài liệu được Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein thừa nhận trên truyền hình cuối tuần trước.
Bản thân Snowden, dù không nói ra con số cụ thể, nhưng cũng xác nhận anh ta đang nắm giữ “núi” tài liệu khổng lồ trong thời gian 3 tháng làm quản lý an ninh cho Booz Allen Hamilton, một nhà thầu của NSA ở Hawaii.
“Ví trí của tôi ở Booz Allen Hamilton cho phép tôi tiếp cận hàng loạt thiết bị trên khắp thế giới mà NSA thâm nhập”, Snowden tiết lộ trong cuộc phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong trước khi sang Mátxcơva.
Có vẻ như Snowden không nói sai.
Lấy ví dụ từ hai địa chỉ đầu tiên được nhận tài liệu mật từ Snowden là tờ Guardian của Anh và Washington Post của Mỹ. Cả hai tờ báo cho biết họ chưa công bố đầy đủ những chi tiết về chương trình nghe lén mà Snowden tiết lộ. Trên thực tế, hai tờ báo chỉ công bố một số tài liệu đã được phân loại và giữ lại nhiều thông tin nhạy cảm khác.
Đó là với hai tờ báo. Còn trong thời gian ở Hồng Kông và Mátxcơva, Snowden cũng được cho là đã cung cấp nhiều tài liệu vô giá cho an ninh sở tại.
Đây cũng là điều đang làm đau đầu giới chức tình báo Mỹ vì theo những thông tin có được, Snowden mang theo bên mình tới 4 bộ máy tính chứa đầy tài liệu và dường như đã có nhiều đêm không ngủ vì phải bận rộn làm việc với an ninh Trung Quốc ở Hồng Kông và an ninh Nga ở sân bay Sheremetyevo.
Với những thông tin trên, không ít ý kiến cho rằng cả Bắc Kinh và Mátxcơva đã được “ăn no” số tài liệu quý của Snowden nên mới tạo điều kiện cho cựu nhân viên CIA ra đi thuận lợi để tránh những phiền toái sau này với Mỹ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói rằng Snowden “không dại gì bán đứng tổ quốc” để tự biến mình thành “ kẻ phản bội thực sự”. Những gì mà nhân viên kỹ thuật này có thể làm được, có chăng, là giúp Mátxcơva trả đũa Washington về các vụ bảo vệ người bất đồng chính kiến ở Nga trước đây và giúp Bắc Kinh lật ngược cục diện bất lợi trong nửa năm qua liên quan đến cáo buộc của Washington nói rằng tin tặc Trung Quốc xâm nhập máy tính Mỹ để thực hiện hoạt động gián điệp mạng.
Thế nhưng, mối lo của Washington không dừng lại ở đó. Bởi còn một nhân tố khác không kém phần nguy hiểm: đó là mối liên hệ giữa Snowden với Assange.
Theo những tuyên bố của WikiLeaks cũng như người đứng đầu trang mạng này, chính Wikileaks đã sắp xếp và chi trả toàn bộ chuyến khởi hành của Snowden từ Hồng Kông. WikiLeaks cũng đã tìm mọi cách giúp Snowden thực hiện thủ tục pháp lý xin tị nạn tại Ecuador, nơi Assange cũng đang được hưởng quy chế này, và tìm mọi cách đánh lac hướng dư luận trong hành trình hiện nay của Snowden.
Trong tuyên bố mới nhất sau khi có tin Snowden không lên máy bay sang Cuba như đã định, Assange còn nói rằng “các thông tin chi tiết hơn từ tài liệu của Snowden nên được tiết lộ công khai” và “WikiLeaks có nhiệm vụ công bố các văn bản bị các chính phủ che giấu”. Điều này ám chỉ rằng rất có thể Assange đang cố gắng tiếp cận hoặc có thể đã tiếp cận được với những trang tài liệu chưa được công bố đang nằm trong tay Snowden.
Một khi mối liên hệ Snowden – Assange được thiết lập theo hướng chống lại chính phủ Mỹ, nó sẽ làm tăng khả năng các tài liệu mật được công bố mà không màng đến vấn đề an ninh. Những hậu quả từ hành động này sẽ vô cùng nguy hiểm, nếu xét tới bài học nhãn tiền khi WikiLeaks công bố hàng chục nghìn tài liệu mật của chính phủ Mỹ cách đây 3 năm.
Đức Vũ