Siêu bom FAB-3000 của Nga gây rắc rối lớn cho Ukraine trên chiến trường
(Dân trí) - Đầu năm nay, Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt siêu bom FAB-3000. Loại bom này đã làm mưa làm gió trên chiến trường, khiến Ukraine và NATO đau đầu.
Từ sự hoài nghi của chính các nhà quan sát quân sự Nga
Vào đầu tháng 3, trong chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoigu - khi còn đương chức - tới một nhà sản xuất vũ khí của Nga, ông được báo cáo rằng sản lượng bom lượn có điều khiển FAB-500 và sản lượng bom FAB-1500 của đơn vị đã tăng gấp đôi và kể từ tháng 2, siêu bom FAB-3000 đã được tổ chức sản xuất.
Thông tin này đã vấp phải nhiều hoài nghi và thậm chí là chế giễu. Không chỉ từ những nhà quan sát quân sự Ukraine, mà tất nhiên còn từ Nga.
Rõ ràng, bom FAB-3000 sẽ được sử dụng cùng với mô-đun cánh lượn có điều khiển (UMPC). Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, quán tính và tốc độ cao khi quả bom hạng nặng này rời máy bay, mô-đun UMPC sẽ không thể dẫn đường chính xác cho nó bay tới mục tiêu.
Ví dụ, kênh quân sự và hàng không nổi tiếng người Nga Fighter Bomber đã chỉ ra rằng, độ thiếu chính xác tương đối của mô-đun UMPC trên bom FAB-3000, sẽ được bù đắp bởi sức công phá cao hơn của nó có nghĩa là blogger này nghi ngờ về độ chính xác của bom.
"Một quả bom FAB-3000 duy nhất, rơi cách mục tiêu 20m, sẽ chỉ gây ra thiệt hại tương tự như bom FAB-500 đánh chính xác", Fighter Bomber viết. Trong khi bom FAB-500 có khối thuốc nổ nặng 200kg, còn bom FAB-3000 có khối thuốc nổ nặng 1.400kg.
Các video về các cuộc tấn công ban đầu của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, sử dụng bom FAB-3000 với mô-đun cánh lượn UMPC dường như đã xác nhận những lo ngại của các blogger Nga. Ít nhất đã có hai video được đăng trực tuyến cho thấy, quả bom đã trượt mục tiêu ở một khoảng cách nhỏ.
FAB-3000 đời đầu chưa hoàn toàn chính xác
Vào ngày 20/6, Không quân Nga lần đầu tiên sử dụng bom FAB-3000 với mô-đun cánh lượn UMPC ở chiến trường Ukraine. Mục tiêu ở thị trấn Lyptsi, phía bắc tỉnh Kharkov. Nhưng quả bom đầu tiên này, nổ cách mục tiêu khoảng 30m.
Trong khi đó, các video về FAB-1500 và FAB hạng nhẹ khác được trang bị bộ mô-đun UMPC ghi nhận độ chính xác rất cao. Tuy nhiên, qua các video mới công bố gần đây về bom FAB-3000 cho thấy độ chính xác của chúng đã được cải thiện rất nhiều.
Ngoài ra, số lượng video được đăng tải cho thấy, bom FAB-3000 đã được Không quân Nga sử dụng nhiều hơn, không chỉ ở mặt trận Kharkov, mà còn ở Chasov Yar, Toretsk và Krasnogorivka.
Ngày 8/7, Topwar đưa tin, các chuyên gia Nga đã khắc phục các lỗi và trang bị cho FAB-3000 một bộ mô-đun cánh lượn UMPC mới, với cánh lái lớn hơn và bộ truyền động điều khiển khỏe hơn.
Vì bom FAB-3000 quá lớn - nếu tính cả mô-đun cánh lượn UMPC, trọng lượng tổng thể của quả bom trên 4 tấn - nên một máy bay tiêm kích bom Su-34 chỉ có thể mang một quả bom dưới bụng máy bay.
Theo video, bom FAB-3000 được chuyển đến căn cứ không quân mà không lắp bộ UMPC. Và giống như những quả bom trọng lượng nhỏ hơn, mô-đun cánh lượn UMPC chỉ được lắp vào sau khi hoàn thành đưa bom vào giá treo của Su-34.
Mô-đun UMPC lắp trên bom FAB-3000, cũng giống như loại lắp trên bom FAB-1500, nhưng lớn hơn. Ở đầu tù quả bom cũng được lắp một mũi hình nón, nhằm giảm sức cản khí động học. Một trong những bức ảnh cho thấy, hai kíp nổ ở phần đuôi, được kết nối với mô-đun UMPC bằng dây.
Tiếp đó, ngày 14/7, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã công bố một video về FAB-3000 với mô-đun cánh lượn UMPC được lắp vào quả bom treo dưới thân Su-34.
Đoạn video trên (rất có thể được quay bởi một máy bay hộ tống đi kèm), cho thấy quả bom FAB-3000 với mô-đun cánh lượn UMPC được thả ra khỏi máy bay Su-34 ở độ cao lớn. Khi rời máy bay, quả bom rơi xuống và tự lật ngược lại, đồng thời các cánh xòe ra. Sau đó có thể nhìn thấy nó bay lượn rất ổn định.
Giải pháp tăng tầm bay cho FAB-3000
Ngày 15/7, hãng thông tấn TASS của Nga, dẫn lời một phi công Su-34 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cho biết, sai số xác suất vòng tròn (CEP) của mô-đun cánh lượn UMPC trên bom FAB-3000 là 10m, tức là rất chính xác.
Viên phi công Su-34 trên nói với kênh Rossiya 1: "UMPC mang lại sức sống thứ hai cho các loại bom thả rơi tự do như FAB-3000 và bất kỳ quả bom thả rơi tự do nào khác. Do lắp ráp đơn giản, nên nó thường được thợ kỹ thuật, lắp ráp nhanh chóng ngay tại sân bay. Khối lượng chất nổ TNT trong quả bom FAB-3000 là 1.400kg, một con số khiến tất cả các đối thủ cạnh tranh của nó bị bỏ lại phía sau. Bom FAB-3000 được trang bị mô-đun cánh lượn UMPC có độ chính xác là 10m".
Hãng thông tấn Sputnik của Nga cho biết, các chuyên gia Nga đang nỗ lực tăng tầm bay của bom FAB-3000 với mô-đun cánh lượn UMPC. Tầm bay hiện nay của bom FAB-3000 là từ 50 đến 60km, trong khi FAB-500 và FAB-1500 đạt 60-70km. Riêng với loại bom D-30SN, với trọng lượng 250kg, do có lắp động cơ tăng tầm, nên tầm bay tới 120km.
Tập đoàn nhà nước Nga Rostec cho biết trong một tuyên bố: "Quả bom nặng ba tấn với mô-đun cánh lượn UPMC do Tập đoàn tên lửa chiến thuật phát triển, đã trở thành một vũ khí mạnh hơn. Nó kết hợp sức mạnh hủy diệt lớn với độ chính xác cao. Hiện tại, bom FAB-3000 đang được nghiên cứu cải tiến, để trở thành một loại vũ khí mạnh hơn nữa. Phiên bản cải tiến đang được tiến hành, với mục đích làm tăng đáng kể tầm bay của bom".
Tuyên bố của Rostec về việc nâng cấp sẽ "tăng đáng kể tầm bay của bom" là rất quan trọng.
Có một số cách khả thi để tăng tầm bay của bom, ví dụ tăng chiều cao hoặc tốc độ thả bom, nhưng cả hai chỉ tăng nhẹ tầm bay. Quan trọng hơn, những điều chỉnh này, sẽ làm giảm tính đa dạng trong việc thả bom.
Về mặt lý thuyết, phạm vi bay có thể được tăng lên bằng cách sử dụng các cánh nâng có cấu tạo khí động học lớn hơn hoặc hiệu quả hơn, nhưng tầm bay cũng không có thể cải thiện được nhiều.
Giải pháp tích hợp một động cơ phản lực cánh quạt nhỏ với bộ phụ kiện lướt, sẽ là một lựa chọn hợp lý để tăng đáng kể tầm bay của bom. Việc sửa đổi này không có thách thức quá lớn về mặt kỹ thuật, nhưng sẽ tăng tầm bay của một quả bom tấn lên hàng trăm km hoặc hơn, tùy thuộc vào hiệu suất của động cơ phản lực cánh quạt. Thậm chí quả bom có thể bay được cự ly hơn 200km.
Tuy nhiên, việc sử dụng động cơ tăng tầm trên bom lượn có một nhược điểm, đó là làm tăng tín hiệu hồng ngoại, khiến nó dễ bị phát hiện và đánh chặn hơn. Thay vì dùng động cơ phản lực cánh quạt, động cơ tên lửa nhỏ có thể được lắp đặt, để nâng quả bom lên độ cao và tốc độ lớn hơn trước khi rơi xuống.
Bom lượn được chứng minh là vũ khí nguy hiểm nhất của Moscow trên chiến trường Ukraine hiện nay. Tuy nhiên, khi Nga quyết định lắp đặt mô-đun cánh lượn UMPC trên bom FAB-3000, việc này đã đặt ra nhiều câu hỏi.
Hiện chưa rõ Nga có ý định tăng đáng kể tầm bay của bom FAB-3000 với mô-đun UMPC như thế nào. Họ có thể lắp đặt động cơ phản lực cánh quạt nhỏ hoặc động cơ tên lửa trên mô-đun UMPC, hoặc ngay vào phía sau đuôi bom, giống như bom có động cơ JDAM của Mỹ, để đạt được tầm bay hơn 100km, thậm chí có thể hơn 200km.
Độ chính xác ngày càng tăng của bom FAB-3000 với mô-đun UMPC là tin xấu đối với quân đội Ukraine. Tầm bay xa hơn, càng làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Không ngờ, loại vũ khí được cho là "trò đùa" trở thành rắc rối lớn với Quân đội Ukraine và cả NATO.