Sẽ mất hàng thập kỷ bình ổn Syria
Theo nhà phân tích Nicholas Heras trên tờ Fair Observer, trong khi Hội nghị Vienna (Áo) đi đến một kết luận đầy hy vọng là các quốc gia sẽ tiếp tục đàm phán tìm giải pháp trong vài tuần tới, tình hình trên thực địa chỉ ra rằng việc ngừng giao tranh, đưa Syria trở lại bình ổn là một quá trình có thể phải kéo dài hàng thập kỷ.
Xe tăng T-55 của Sư đoàn số 18 thuộc Quân đoàn 3 của quân đội Syria. (Nguồn: Sputnik)
Tác giả cho rằng, hy vọng đang tan dần ở Syria khi cuộc nội chiến đã giết hại khoảng 250.000 người, làm hơn 11 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số Syria trước chiến tranh) mất nhà cửa, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và biến nước này thành một chiến trường cho các chiến binh thánh chiến (bao gồm cả người Sunni và Shiite) từ khắp nơi ở Trung Đông và trên thế giới đổ về.
Nổi lên từ cuộc xung đột Syria là một Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang nắm quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở miền Đông Syria và miền Tây Iraq, sự mở rộng liên tục của một vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của al-Qaeda ở phía Tây Bắc và một vùng tự trị do người Kurd chiếm ưu thế ở phía Đông Bắc Syria.
Trên khắp lãnh thổ Syria, phe đối lập đang mất dần quyền kiểm soát. Đồng minh của họ - đặc biệt là các quốc gia Ả rập vùng Vịnh do Saudi Arabia dẫn đầu, từ năm 2011 đã bất đồng về cách xây dựng một lực lượng đối lập thống nhất và có khả năng phối hợp cao. Chiến dịch mà các nước này đang tiến hành ở Yemen cũng khiến họ xao nhãng với tình hình ở Syria.
Liên minh Đội quân chinh phục (Jaysh al-Fateh), vốn chịu ảnh hưởng của al-Qaeda, hiện mất thế chủ động tại Tây Bắc Syria. Lực lượng này từng được xem là một hình mẫu để Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Saudi Arabia xây dựng một lực lượng nổi dậy có hiệu quả có thể đe dọa chính quyền Assad. Tuy nhiên, chính lực lượng này đã góp phần khiến Nga tăng cường hoạt động quân sự tại Syria. Cộng với việc Iran triển khai các lực lượng vệ binh Cách mạng Iran được Hezbollah hỗ trợ, quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad ở phía Tây Syria ngày càng được củng cố.
Và điều đó cho thấy thế khó không chỉ của các lực lượng ủng hộ phe đối lập. Trong tương lai gần, phe đối lập không có khả năng loại bỏ chính quyền của Tổng thống Syria. Trong khi đó, các lực lượng trung thành với chính quyền cũng không có khả năng khôi phục quyền lực của ông Assad trên khắp lãnh thổ Syria.
Về phần mình, Mỹ có vẻ đang đánh giá lại chiến lược của họ với hy vọng gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc nội chiến Syria. Kể từ tháng 8/2011, ưu tiên hàng đầu của Mỹ vẫn là mục tiêu loại bỏ chính quyền của ông Assad và một Syria sau xung đột hướng tới dân chủ. Syria dân chủ sau nội chiến chính là điểm chung giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, mục tiêu này đối với Nga lại nằm ở chế độ Assad – điều mà phe đối lập có vũ trang ở Syria và cả các lực lượng hậu thuẫn họ không chấp nhận được.
Trên thực địa, Mỹ không có đủ ảnh hưởng, đặc biệt là ở miền Bắc Syria, để phát triển một lực lượng đủ liên kết chặt chẽ về mặt quân sự có thể gây áp lực với chính phủ Assad. Washington sẽ cần phải có một cách tiếp cận mang tính khu vực cho cuộc xung đột Syria.
Việc Mỹ thông báo hôm 30/10 gửi 50 lính đặc nhiệm tới miền Đông Syria để phối hợp với lực lượng dân quân Ả rập người Sunni ở địa phương dường như phù hợp với chiến lược này. Nếu Mỹ gây dựng được ảnh hưởng ở phía Đông Syria, xây dựng được một liên minh dân sự-quân sự đa chủng tộc tại đây và chứng minh được thành công liên tiếp trong chiến dịch chống IS, có lẽ các nhà đàm phán của Mỹ mới có thêm đòn bẩy cho các cuộc đàm phán sắp tới về cuộc chiến Syria.
Theo Mai Anh (lược dịch)
Thế giới và Việt Nam