1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sau “vết xe đổ” lịch sử, Mỹ cần đứng ngoài cuộc khủng hoảng Venezuela

(Dân trí) - Những bài học lịch sử từng xảy ra cho thấy mọi sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của các quốc gia trong khu vực đều dẫn tới những hậu quả tồi tệ. Tình hình tại Venezuela hiện nay cũng không phải ngoại lệ.

Sau “vết xe đổ” lịch sử, Mỹ cần đứng ngoài cuộc khủng hoảng Venezuela - 1

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (Ảnh: AFP)

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 26/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hối thúc “các quốc gia phải chọn lựa một bên” và “đứng về phía lực lượng tự do” trong “cuộc đối đầu” giữa Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro và lãnh đạo đối lập Juan Guaido. Sau khi ông Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của Venezuela hôm 23/1, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã nhanh chóng lên tiếng công nhận.

Từ sau bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ đã gia tăng sức ép mạnh mẽ lên chính quyền Tổng thống Maduro. Washington áp đặt các lệnh trừng phạt dầu mỏ mới và khẳng định xem xét “mọi phương án” đối với Venezuela, có thể bao gồm cả kịch bản can thiệp quân sự.

Trong một bức ảnh được hé lộ tuần này, John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, được nhìn thấy cầm trên tay tập giấy có ghi dòng chữ “5.000 quân tới Colombia”. Chi tiết này khiến nhiều người đồn đoán rằng Mỹ có thể sắp điều hàng nghìn binh sĩ tới sát biên giới Venezuela.

Tình hình tại Venezuela ngày càng nghiêm trọng. Biểu tình tiếp diễn. Kinh tế xuống dốc. Cả ông Maduro và ông Guaido đều tuyên bố là tổng thống hợp pháp. Quốc gia Nam Mỹ thực sự cần thay đổi.

Tuy nhiên, theo Patrick Iber, nhà sử học về quan hệ Mỹ - Mỹ Latinh, Washington không có vai trò mang tính xây dựng trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela. Dù cho Tổng thống Maduro được người dân đánh giá như thế nào, Mỹ rõ ràng không phải là đối tác đáng tin cậy để thúc đẩy việc thay đổi chế độ tại Venezuela.

Những tuyên bố và động thái của chính quyền Trump, và cả các thành viên trong nội các của Tổng thống Trump, đã “gợi nhắc” lại lịch sử lâu dài và gây tranh cãi của những vụ Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước ở khu vực Mỹ Latinh.

Xuyên suốt thế kỷ 20, Mỹ thường xuyên can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Mỹ Latinh, khu vực mà Washington coi là sân sau của mình.

“Tôi sẽ dạy cho các nước cộng hòa Nam Mỹ cách để chọn được một lãnh đạo tốt”, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson từng tuyên bố vào năm 1913.

Các đời tổng thống Mỹ luôn tự cho rằng họ biết cách để cải thiện tình hình chính trị trong khu vực. Tuy nhiên, kết quả hiếm khi là nền dân chủ hay ổn định thực sự, thay vào đó là sự bất ổn, hỗn loạn, thậm chí xung đột.

Theo New York Times, mô típ can thiệp vào công việc của nước khác đã có từ thời Chiến tranh Lạnh khi Mỹ huy động các lực lượng ngầm để hỗ trợ cho phe đối lập với các chính phủ cánh tả.

Năm 1954, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (CIA) đã huấn luyện một lực lượng nhằm lật đổ Tổng thống Guatemala Jacobo Árbenz vì nhà lãnh đạo này tịch thu đất đai của công ty trái cây Mỹ để phân bổ cho người dân. Năm 1964, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã chuẩn bị sẵn sàng phương án hỗ trợ cho quân đội Brazil trong cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống João Goulart. Vụ đảo chính này diễn ra thành công dù chưa cần tới sự hỗ trợ của Mỹ.

Đầu thập niên 1970, chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã góp phần làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Salvador Allende tại Chile trước khi nhà lãnh đạo này bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự.

Bài học từ những lần can thiệp

Sau “vết xe đổ” lịch sử, Mỹ cần đứng ngoài cuộc khủng hoảng Venezuela - 2

Tổng thống tự phong Juan Guaido (giữa) biểu tình cùng những người phản đối chính quyền Maduro hôm 30/1. (Ảnh: Reuters)

Trong những vụ việc trên, Mỹ thường bao biện rằng thay đổi chế độ là hình thức cải tổ nền dân chủ. Tuy nhiên những gì diễn ra trên thực tế cho thấy Guatemala đã bãi bỏ cải cách về nông nghiệp cũng như những cải cách khác trước khi chìm trong cuộc xung đột nội bộ kéo dài hàng chục năm sau đảo chính. Trong khi đó, Brazil và Chile lần lượt trải qua 21 năm và 17 năm sống dưới chế độ độc tài quân sự với sự đàn áp là công cụ lãnh đạo chủ yếu.

Điều đáng lo ngại là kịch bản trên đang có xu hướng lặp lại. Quan chức dẫn dắt chính sách đối ngoại của Mỹ về Venezuela hiện nay là cố vấn an ninh Bolton, người từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Ronald Reagan và là nhân vật “diều hâu” trong chính quyền Trump. Nhà Trắng gần đây cũng bổ nhiệm Elliott Abrams làm đặc phái viên phụ trách giám sát các chính sách với Venezuela. Là nhân vật gây tranh cãi trong giới ngoại giao của Mỹ, Abrams thường có những quan điểm rất cứng rắn nhằm vào các đối thủ của Mỹ, song lại thường xuyên kêu gọi nhân quyền trên thế giới.

Khi Tổng thống Maduro sẵn sàng gánh trách nhiệm lãnh đạo chính phủ cánh tả trước sức ép đe dọa từ Mỹ, ông cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Hàng triệu người Venezuela đã rời bỏ đất nước trong những năm gần đây, tạo nên cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất khu vực. Người dân Venezuela cũng sống trong cảnh thiếu lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết. Quy mô nền kinh tế đã sụt giảm xuống còn một nửa trong 5 năm và tỷ lệ lạm phát chạm ngưỡng 1 triệu % trong năm 2018.

Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp như thế nào tới lãnh đạo đối lập Juan Guaido để thách thức chính quyền Maduro. Tháng 12/2018, ông Guaido, chủ tịch quốc hội Venezuela, đã bí mật gặp gỡ các quan chức tại Mỹ, Colombia và Brazil. Đây đều là những nước được lãnh đạo bởi chính phủ cánh hữu. Ông Guaido đã được hầu hết các nước trong Nhóm Lima công nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela, gồm Peru, Canada, Ecuador và Argentina. Được thành lập từ năm 2017, Nhóm Lima mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela.

Theo Giáo sư Patrick Iber tại Đại học Wisconsin, việc phe đối lập trông cậy vào Mỹ trong việc thay đổi chính quyền tại Venezuela đặt ra nhiều nguy cơ cho quốc gia Nam Mỹ. Washington luôn sẵn sàng “chìa tay giúp đỡ” các nước trong những lúc rối ren, tuy nhiên nhiều bài học lịch sử tại các nước Mỹ Latinh đã chứng minh rằng điều này thực chất “lợi bất cập hại”.

Tổng thống Maduro sẽ lấy lý do Mỹ can thiệp để tập hợp sự ủng hộ của cả người dân trong nước và cộng đồng quốc tế dưới ngọn cờ chống đế quốc. Ngoài ra, sự can thiệp của Mỹ cũng làm hủy hoại tinh thần hòa hợp dân tộc - điều mà Venezuela đang cần nhất để đạt được quá trình chuyển giao hòa bình.

Sau sự can thiệp của Mỹ, một chính quyền mới của Venezuela với chính sách chịu tác động của những quan chức mang tư tưởng diều hâu như John Bolton hay Elliott Abrams sẽ càng làm gia tăng sự hoài nghi đối với nhiều người trong phe cánh tả tại Venezuela. Chính quyền mới cũng buộc phải chấp nhận những rào cản bị áp đặt bởi những tiếng nói bảo thủ tại Washington.

Tình hình hiện nay ở Venezuela thực sự khó khăn. Nhưng đối với khu vực Mỹ Latinh, Mỹ đã có “bề dày” lịch sử trong việc biến tình hình vốn đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. Theo Giáo sư Iber, đúng là Venezuela đang cần một chính phủ tốt hơn để giải quyết khủng hoảng, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ cần đóng vai trò như một thế lực để giúp người dân Venezuela lựa chọn chính phủ tốt nhất cho họ.

Thành Đạt

Theo New York Times