Những “ngòi nổ” định đoạt tương lai của tổng thống Venezuela
(Dân trí) - Từ phong trào biểu tình dưới sự lãnh đạo của “tổng thống tự phong” Juan Guaido cho tới các lệnh trừng phạt của Mỹ và sự bất mãn của người dân, tổng thống đương nhiệm của Venezuela đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức cho tương lai cầm quyền.
Hàng loạt sự kiện đang diễn biến nhanh chóng tại Venezuela và dường như không theo chiều hướng thuận lợi cho đương kim Tổng thống Nicolas Maduro. Những cuộc biểu tình rải rác trong ngày diễn ra lễ nhậm chức tổng thống lần hai của ông Maduro hôm 10/1 đã nhanh chóng bùng nổ thành các cuộc biểu tình quy mô lớn có tổ chức khi hàng nghìn người nghe theo lời kêu gọi của lãnh đạo đối lập Juan Guaido để phản đối chính quyền đương nhiệm.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại Tổng thống Maduro vẫn là người nắm quyền, song ông đang phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa: nền kinh tế bị tụt dốc vì giá dầu sụt giảm, lợi ích của các cường quốc như Mỹ - nước lên án chiến thắng của ông Maduro trong cuộc bầu cử năm 2018 là không hợp pháp, sự phản đối của chủ tịch quốc hội Juan Guaido - người tự nhận là tổng thống lâm thời, và quân đội - lực lượng mà ông Maduro đang cần hơn bao giờ hết để giúp ông duy trì quyền lực.
Tổng thống Maduro đã tổ chức cuộc gặp mặt để kêu gọi sự ủng hộ của lực lượng vũ trang. Ông cũng đưa các lực lượng an ninh tới những “điểm nóng” bất ổn. Trong khi đó, mỗi ngày, “tổng thống tự phong” Guaido vẫn hoạt động tự do tại thủ đô Caracas, tổ chức các cuộc tuần hành và xây dựng một chính phủ để chờ cho tới khi ông Maduro từ chức.
Bloomberg nhận định quyền lực nằm trong tay Tổng thống Maduro dường như ngày càng trở nên mong manh hơn.
Quân đội
Tổng thống Maduro phát biểu trước lực lượng vũ trang Venezuela hôm 30/1. (Ảnh: Getty)
Nhiều ngày sau khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của Venezuela hôm 23/1, những người ủng hộ ông vẫn tới các căn cứ quân sự và các trạm gác của lực lượng vệ binh quốc gia xung quanh thủ đô Caracas. Họ phát tán các bản sao của một bộ luật do quốc hội, nơi ông Guaido làm chủ tịch, chuẩn bị, trong đó cho phép các thành viên của lực lượng vũ trang Venezuela được hưởng quyền ân xá nếu “quay lưng” với Tổng thống Maduro.
Cho đến nay, các chỉ huy cấp cao nhất trong quân đội Venezuela vẫn tuyên bố trung thành với chính quyền Maduro. Có thông tin nói rằng họ được hưởng những quyền lợi “hậu hĩnh” khi ủng hộ Tổng thống Maduro, bao gồm cổ phần trong công ty dầu khí nhà nước Venezuela Petroleos de Venezuela SA (PDVSA), quyền kiểm soát các cảng, hợp đồng cho các dự án nhà ở, quyền khai thác dầu mỏ và khoáng sản.
Theo nhà sử học Tomás Straka tại Đại học Công giáo Andres Bello ở Caracas, việc các lãnh đạo quân đội phá bỏ hàng ngũ và quay lưng chống lại chính quyền Maduro rất khó xảy ra.
“Các lợi ích về kinh tế và tầm nhìn của họ hoàn toàn đồng nhất với ông Maduro”, nhà sử học Straka nhận định.
Mặc dù đã nhận được lời hứa “ân xá” từ quốc hội, song các chỉ huy quân sự Venezuela có thể sẽ vẫn gặp rắc rối nếu ông Maduro bị lật đổ. Một số quan chức cấp cao trong quân đội Venezuela đang nằm trong diện trừng phạt của Mỹ với hàng loạt cáo buộc như tham nhũng, buôn bán ma túy và một số tội danh khác.
Tuy vậy, nhiều người vẫn công khai tuyên bố đứng sau hậu thuẫn cho Tổng thống Maduro. Một số bức ảnh được công bố cho thấy các quân nhân Venezuela thậm chí đốt các giấy tờ kêu gọi ân xá.
Cộng đồng quốc tế
Mặc dù các đồng minh then chốt như Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục ủng hộ Tổng thống Maduro, song lực lượng ủng hộ phe đối lập của ông Guaido cũng tăng nhanh chóng, lên tới hơn 20 quốc gia chỉ trong một tuần. Tại Mỹ Latinh, 11 nước đã đứng về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump và kêu gọi thay đổi chính quyền tại Venezuela.
Một trong số những động lực dẫn tới quyết định ủng hộ thay đổi chính quyền tại Venezuela là cuộc di dân ồ ạt tại quốc gia Nam Mỹ này. Theo số liệu thống kê của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, hơn 3 triệu người đã rời khỏi Venezuela, trong đó chủ yếu là sang các nước láng giềng. Cuộc di dân này khiến các nước trong khu vực lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra đối với chính họ.
Không phải tất cả các nước đều có chung tiếng nói trong vấn đề Venezuela. Mexico và Uruguay kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng. Bolivia, Cuba và Nicaragua tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Tổng thống Maduro. Liên minh châu Âu vẫn chưa chính thức công nhận “tổng thống lâm thời” Guaido mặc dù khối này đã đánh tín hiệu rằng sẽ công nhận nếu Venezuela tổ chức các cuộc bầu cử công bằng, minh bạch cho tới đầu tháng 2.
Những người biểu tình phản đối chính quyền Maduro đụng độ với cảnh sát ở thủ đô Caracas. (Ảnh: Reuters)
Chính quyền Trump đã giáng đòn mạnh nhất từ trước đến nay nhằm vào chính quyền Maduro bằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới với công ty dầu khí Venezuela PDVSA. Từng là nhà sản xuất dầu lớn nhất Mỹ Latinh, Venezuela hiện nay khai thác dầu ít hơn cả bang North Dakota của Mỹ. Tuy vậy, dầu mỏ vẫn là nguồn thu chính của chính quyền Venezuela.
Các lệnh trừng phạt sẽ ngăn PDVSA xuất khẩu dầu thô từ Venezuela sang Mỹ, từ đó làm sụt giảm nguồn thu của Venezuela. Citgo, công ty con của PDVSA tại Mỹ, vẫn được phép hoạt động, tuy nhiên tất cả nguồn thu đều được đưa vào những tài khoản mà chính quyền Maduro không thể tiếp cận. Ông Guaido tuyên bố sẽ thành lập một ban điều hành riêng tại PDVSA và Citgo. Động thái này có thể giúp lãnh đạo đối lập Venezuela gia tăng quyền lực của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 29/1 đã tiến hành thêm một động thái nữa nhằm “bóp nghẹt” chính quyền Maduro, đó là cho phép ông Guaido nắm quyền kiểm soát các tài sản của Venezuela tại các ngân hàng Mỹ, bao gồm Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng thành công trong việc vận động hành lang Ngân hàng Anh để ngăn chính quyền Maduro rút 31 tấn vàng trị giá 1,2 tỷ USD do Venezuela gửi trước đây về nước.
Chính quyền Maduro hiện vẫn nợ Nga và Trung Quốc hàng tỷ USD dưới dạng các khoản vay. Kể từ khi chính quyền Trump bắt đầu áp lệnh trừng phạt với Venezuela từ năm 2017, chính quyền Maduro đã nợ hơn 9 tỷ USD trái phiếu.
Vấn đề hiện nay của chính quền Maduro là mất khả năng xử lý các khoản nợ. Nếu phe đối lập của ông Guaido càng nắm quyền kiểm soát nền kinh tế, Tổng thống Maduro càng chịu nhiều sức ép trong việc giữ các đồng minh then chốt như Nga và Trung Quốc bên cạnh. Hơn nữa, quân đội khó có thể tiếp tục duy trì sự ủng hộ nếu ông Maduro mất quyền kiểm soát ngân sách.
Người dân
Đói kém, túng quẫn và kiệt quệ, người dân Venezuela ngày càng bất mãn với chính quyền Maduro. Sau hơn một năm im lặng kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn vào năm 2017, lãnh đạo đối lập Juan Guaido đã thổi bùng cơn giận dữ của người dân Venezuela.
Gần 2 năm trước, hàng triệu người Venezuela đã xuống đường biểu tình và đụng độ với lực lượng an ninh. Lần này, các cuộc biểu tình diễn ra tương đối ôn hòa. Lực lượng an ninh cũng được triển khai khi người biểu tình xuống đường hôm 30/1, song không xảy ra xô xát nhiều.
Ông Guaido hiện vẫn chưa bị bắt giữ. Mặc dù bị Tổng thống Maduro cấm rời khỏi đất nước, song lãnh đạo phe đối lập vẫn tự do đi lại trong nước, gặp gỡ các lãnh đạo nước ngoài và trao đổi với truyền thông.
Tổng thống Maduro đã có chuyến thăm tới các cơ sở quân sự trong những ngày gần đây. Truyền hình Venezuela cũng chiếu những hình ảnh cho thấy các tướng lĩnh quân đội thề trung thành với tổng thống đương nhiệm. Trong khi đó, ông Guaido vẫn dẫn đầu các cuộc tuần hành và lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình cho tới ngày 2/2, khi “tối hậu thư” do Liên minh châu Âu đưa ra về việc tổ chức các cuộc bầu cử tại Venezuela hết hạn.
Thành Đạt
Theo Bloomberg