1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Sau Syria, Mỹ - Nga nguy cơ đối đầu nảy lửa tại Venezuela

(Dân trí) - Cuộc tranh giành ảnh hưởng Mỹ và Nga tại Venezuela đang gây ra những so sánh với cuộc đối đầu nảy lửa giữa hai cường quốc thế giới trong cuộc nội chiến tại Syria.

Trump Putin.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters, Getty)

 

Một mặt trận mới trong cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Nga đã ngày càng lộ rõ tại Venezuela, khi hai nước giờ đây tuyên bố ủng hộ 2 lãnh đạo đang đối đầu nhau - một người là đương kim Tổng thống Nicolas Maduro, một người là Chủ tịch quốc hội Juan Guaido tự nhận là tổng thống lâm thời.

Các chuyên gia giờ đây đang so sánh cuộc tranh giành sự ảnh hưởng về tương lai chính trị và kinh tế của Venezuela với cuộc chiến nhằm thay đổi chế độ tại Syria những năm gần đây.

Theo CNBC, Nga đã cung cấp sự hỗ trợ tài chính, quân sự và ngoại giao đối với Tổng thống Syria Bashar Assad trong một cuộc nội chiến phức tạp nổ ra vào năm 2011. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây lại ủng hộ thay đổi chế đọ và các nhóm nội dậy khác nhau nhằm lật đổ Tổng Assas khỏi quyền lực, mặc dù tất cả các bên đều đang tham chiến dưới danh nghĩa chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Cuộc nội chiến tại Syria phần lớn được xem như một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông. Nga không muốn thấy một đồng minh khu vực rơi vào vòng ảnh hưởng của Mỹ. Nga cũng được xem là đóng vai trò lớn khiến Tổng thống Assad giữ được quyền lực.

Giờ đây, lại xuất hiện một cuộc chiến về vị trí lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ giàu dầu mỏ, khi Mỹ ủng hộ chuyển giao chế độ dưới sự kiểm soát của lãnh đạo đối lập Juan Guaido, người tự phong là tổng thống lâm thời hồi tuần trước, trong khi Nga ủng hộ đương kim Maduro.

“Syria đã trở thành một cuộc xung đột bị đóng băng khi Nga can thiệp, nhưng họ có một căn cứ quân sự tại đó và vì thế là một tài sản quân sự, chiến lược mà người Nga muốn bảo vệ”, bà Helima Croft, từ ngân hàng RBC Capital Markets, nói với CNBC.

“Câu hỏi ở đây là liệu Venezuela có cấu thành một dạng tài sản tương tự đối với Nga hay không”, bà Croft nói. “Dường như họ đã điều các thiết bị quân sự tới đó và cho Venezuela vay một khoản tiền lớn… Tôi cho rằng Nga sẽ rất quan trọng… ở góc độ họ sẽ dành bao nhiêu hỗ trợ cho Tổng thống Maduro trong tương lai”.

Nguy cơ xung đột gia tăng

Viễn cảnh một cuộc xung đột quân sự tại Venezuela đã gia tăng sau khi các nguồn tin cho biết Mỹ và Nga đều điều các lực lượng đến đó để ủng hộ hai phe đối lập nhau.

Hồi đầu tuần này, một ghi chép trên quyển sổ của Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã bị báo chí chụp lại, trong đó nhắc tới việc điều 5.000 binh sĩ tới Colombia sát biên giới Venezuela. Điện Kremlin bác bỏ các thông tin về việc đã cử 400 nhà thầu quân sự tới Venezuela để ủng hộ Tổng thông Maduro.

Bà Croft cho rằng xung đột quân sự là điều không bên nào muốn.

“Ông Trump nói đến một cuộc chơi lớn xét về khía cạnh quyền lực của Mỹ, nhưng liệu ông có muốn vướng vào một cuộc xung đột quân sự tại Venezuela? Các biện pháp trừng phạt là bước đi đầu tiên, nhưng họ chắc chắn vẫn để ngỏ cánh cửa cho một điều gì đó nghiêm trọng hơn”.

Hồi tuần trước, Chủ tịch quốc hội Venezuela Juan Guaido đã tự nhận là tổng thống lâm thời trong bối cảnh nổ ra các cuộc biểu tình đường phố chống lại Tổng thống Maduro. Mỹ nhanh chóng công nhận ông Guaido là nhà lãnh đạo lâm thời và khuyến khích ủng hộ sự thay đổi chế độ tại nước này. Trong khi đó Nga, Trung Quốc, Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico không công nhận ông Guaido.

Các chuyên gia cho rằng tình hình tại Venezuela càng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các cường quốc thế giới.

“Sự biến động tại Venezuela không chỉ có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột dân sự, mà nó cũng cho thấy sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa các cường quốc thế giới”, các nhà phân tích tại trung tâm ClearView Energy Partners cho biết trong một lưu ý hồi đầu tuần này.

“Mặc dù còn quá sớm để xem những phe phái ủng hộ toàn cầu này có phải là điềm báo của một cuộc xung đột lớn kế tiếp hay không, nhưng dường như đã đến lúc đặt câu hỏi khi nào và làm thế nào để cuộc đối đầu tại Venezuela chấm dứt”, họ viết.

Quyền lực của Tổng thống Maduro và sự trung thành của các lãnh đạo quân đội dường như sẽ là yếu tố giúp chính quyền tiếp tục cấp ngân sách cho các hoạt động của chính phủ.

Việc cắt nguồn tiền của chính phủ Venezuela chính xác là điều mà chính quyền Mỹ muốn nhằm gây sức ép lên ông Maduro. Hồi đầu tuần, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối ngành năng lượng của Venezuela, trong đó có PDVSA, một công ty của Mỹ và Nga có cổ phần.

Nga cũng đang hỗ trợ tài chính cho Venezuela và bán các vũ khí cho quốc gia Nam Mỹ.

Nga và Trung Quốc sau đó đã đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ, gọi đó là phi pháp và không công bằng. Nga có thể đi xa tới đâu để bảo vệ các lợi ích tại Venezuea và liệu Moscow có thể cung cấp thêm tài chính và viện trợ quân sự cho ông Maduro hay không là điều thế giới đang dõi theo.

“Venezuela là mối quan hệ chiến lược rất quan trọng với Nga”, bà Croft nói. “Họ đã có các nhà thầu quân sự tại đó và họ bán nhiều vũ khí cho Venezuela, điều này đã trở thành một mối quan hệ chiến lược quan trọng”,

“Vì vậy, câu hỏi là giờ đây tại Venezuela liệu họ có thể làm điều mà họ đã làm với Syria và cung cấp sự hỗ trợ huyết mạch giống như họ đã làm với Tổng thống Assad hay không, hay họ sẽ cố gắng tìm những con đường mới với các đối tác mới để đảm bảo rằng họ vẫn duy trì ảnh hưởng tại quốc gia này”, bà Croft nói.

An Bình
Tổng hợp